Ngày 10/9, thông tin về tình hình công tác tháng 8/2024, Tổng cục Hải quan cho biết tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8%, tương ứng tăng 533 triệu USD so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7%, tương ứng tăng 1,35 tỷ USD; trị giá nhập khẩu đạt 33,06 tỷ USD, giảm 2,4%, tương ứng giảm 821 triệu USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2024 thặng dư 4,53 tỷ USD.
Luỹ kế 8 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng 73,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 36,13 tỷ USD; trị giá nhập khẩu đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7%, tương ứng tăng 36,95 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 thặng dư 19,08 tỷ USD, thấp hơn 4,1% so với con số thặng dư 19,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại hội nghị giao ban do Bộ Tài chính vừa tổ chức, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho rằng với tình hình thu ngân sách như trên, nhiệm vụ thu của ngành hải quan vẫn đảm bảo hoàn thành, kể cả số giao bổ sung năm 2024.
“Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8/2024 đạt 34.379 tỷ đồng, giảm 9% so với tháng trước. Trong 8 tháng đầu năm, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 274.035 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán được giao, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước”.
Tổng cục Hải quan.
Trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tình hình tội phạm buôn lậu, ma tuý vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến đường vận chuyển khác nhau… Với vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn về công tác kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 3929/QC-BĐBP-TCHQ ngày 04/9/2019 phối hợp hoạt động giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan.
Về kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm, Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8/2024 (tính từ ngày 15/7-14/8/2024), toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.735 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.251 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 62,1 tỷ đồng.
Luỹ kế 8 tháng năm 2024, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.555 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 21.629 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng vụ việc vi phạm pháp luật hải quan tương đương nhưng trị giá hàng vi phạm tăng gấp gần 5 lần.
“Cơ quan hải quan đã khởi tố 16 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474,8 tỷ đồng”, Tổng cục Hải quan thông tin.
Về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8/2024, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, phát hiện, bắt giữ: 20 vụ/29 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 5 vụ.
Tang vật thu được gồm 164,37 kg ma tuý các loại, cụ thể: 6,65 kg heroin; 43,4 kg ktamine; 112,26 kg ma tuý tổng hợp; 2,06 kg ma tuý khác.
Luỹ kế 8 tháng năm 2024, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, phát hiện, bắt giữ 225 vụ/269 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 82 vụ.
Tang vật thu được gồm 1,55 tấn ma tuý các loại, cụ thể: 160 gram thuốc phiện; 194 kg cần sa; 70,6 kg heroin; 1,66 gram cocain; 130 kg và 900 viên ketamine; 776 kg và 06 viên ma túy tổng hợp; 381 kg ma tuý khác; 50,5 ml ma tuý khác dạng lỏng và 220 viên ma tuý loại khác.
Trong tháng 9/2024, Tổng cục Hải quan sẽ làm việc với lực lượng công an để đánh giá toàn diện công tác phòng chống ma túy nhằm có những giải pháp ứng phó kịp thời. Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục triển khai các chiến dịch chung như: Con rồng Mê Kông, Demeter X…
Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Bộ Tài chính vừa giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổng cục Hải quan đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn; triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền của các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh.
Trong đó, tập trung trọng tâm vào các mặt hàng trọng điểm là hàng cấm, ma túy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện…, các mặt hàng có nguy cơ, rủi ro cao gian lận thương mại, gian lận xuất xứ như các sản phẩm kim loại thép, nhôm, đồng; gỗ và sản phẩm gỗ; cao su, pin mặt trời nhằm giảm thiểu rủi ro, tránh trừng phạt thương mại của các đối tác thương mại lớn đối với Việt Nam.
Cùng với đó, tập trung rà soát các loại hình xuất, nhập khẩu như gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư, vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, quà biếu, quà tặng, phi mậu dịch và hàng hóa gửi kho ngoại quan…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nganh-hai-quan-xu-ly-11-555-vu-vi-pham-tap-trung-ra-soat-nhieu-mat-hang-rui-ro-cuoi-nam.htm