Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác thuế và kế hoạch triển khai nhiệm vụ, chương trình công tác thuế thời gian còn lại của năm 2023.
LẬP ĐOÀN CÔNG TÁC ĐỐC THÚC DO THU NGÂN SÁCH SỤT GIẢM
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách lũy kế 11 tháng năm 2023 do cơ quan thuế quản lý đạt 1.336.002 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 56.544 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ. Còn thu nội địa ước đạt 1.279.458 tỷ đồng, bằng 97,6% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.023.817 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với chặng nước rút cuối năm 2023, toàn ngành thuế tập trung, nỗ lực trong công tác quản lý thu, phấn đấu thu đạt cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Tổng cục Thuế cũng thành lập các đoàn công tác chỉ đạo thu tại cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, trong tháng 11 và 12/2023, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, tập trung công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ; công tác hoàn thuế; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công tác kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành.
Đặc biệt, cơ quan thuế cũng tích cực triển khai các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần tích cực đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong 11 tháng qua, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là khoảng 165.026 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 106.946 tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 58.080 tỷ đồng.
SIẾT QUẢN LÝ THUẾ, NGĂN THẤT THU
Đáng chú ý, công tác quản lý hoàn thuế được đẩy nhanh và tổ chức kiểm soát chặt chẽ đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật.
Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
“Kết quả, tính đến cuối tháng 11/2023, cơ quan thuế ban hành 16.778 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 127.783 tỷ đồng, bằng 68,7% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 được Quốc hội thông qua và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022”, Tổng cục Thuế thông tin.
Thông tin về tình hình triển khai hoá đơn điện tử, với việc toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử, lũy kế đến cuối tháng 11/2023, số lượng hoá đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý là khoảng 5,9 tỷ hóa đơn; trong đó có 1,7 tỷ hóa đơn có mã và hơn 4,2 tỷ hóa đơn không mã.
Bên cạnh đó, đến nay, có 37.542 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn có mã khởi tại từ máy tính tiền hơn 72,7 triệu hóa đơn với tổng số tiền thuế là 4.208 tỷ đồng.
“Trên cơ sở kết quả “Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn” theo hệ số K đưa ra tại ứng dụng hoá đơn điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai rà soát người nộp thuế có rủi ro cao; đồng thời, phối hợp với các cục thuế để đưa ra danh sách cảnh báo rủi ro phục vụ công tác kiểm soát hóa đơn điện tử”.
Tổng cục Thuế.
Tập trung triển khai hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hoá đơn điện tử, Tổng cục Thuế cho biết đang tiến hành đối chiếu chênh lệch giữa dữ liệu hóa đơn và tờ khai thuế giá trị gia tăng đối với các kỳ kê khai thuế nhằm phát hiện người nộp thuế thuộc đối tượng rủi ro về hóa đơn.
Từ đó, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, năm 2022 đơn vị đã quyết toán xong nhưng hiện cơ quan thuế đang tiến hành rà soát lại trên hệ thống hoá đơn và yêu cầu doanh nghiệp giải trình, bởi phát sinh chênh lệch giữa số liệu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng và dữ liệu hoá đơn điện tử ngành thuế.
Vì vậy, nhiều đơn vị phải giải trình, bổ sung hồ sơ, tài liệu và buộc nộp tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và phạt chậm nộp nếu có.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nợ thuế cũng được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai. Tính đến cuối tháng 11/2023, toàn ngành thuế thu hồi nợ thuế ước thu được 42.312 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 11 là 163.591 tỷ đồng, tăng 2,6% so với thời điểm ngày 31/10/2023 và tăng 10,7% so với thời điểm ngày 31/12/2022.
Sau 11 tháng, cơ quan thuế các cấp thực hiện thực hiện được 62.343 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 85,5% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,9% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 581.367 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 87,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 57.937 tỷ đồng bằng 97,3% so với cùng kỳ năm 2022.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN NƯỚC RÚT
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu trong thời gian cuối cùng của năm 2023, toàn ngành thuế cần tiếp tục nỗ lực tập trung vào thu ngân sách, trong công tác quản lý thu, phấn đấu thu đạt cao nhất nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu, các đơn vị tăng cường triển khai tổng hợp cập nhật kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2023 hàng ngày, hàng tuần, phục vụ chỉ đạo, điều hành thu của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Từ đó, đánh giá chi tiết ước thực hiện năm 2023, triển khai giao dự toán thu năm 2024 theo từng địa phương, từng khu vực, khoản thu, sắc thuế.
Song song với đó, tiếp tục bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới, phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước.
Tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài, rà soát, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
“Cùng với đó, tiếp tục vận hành hệ thống hoá đơn điện tử, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông suốt trên toàn quốc, đặc biệt là trong tháng cuối năm”, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 trong việc đẩy nhanh việc triển khai xác thực định danh điện tử để đảm bảo tính xác thực, hạn chế tối đa các gian lận, đảm bảo tính an toàn, bảo mật; làm sạch dữ liệu cá nhân thuế để đảm bảo chuyển đổi mã định danh cá nhân thành mã số thuế.