Tổng cục Thuế vừa có văn bản 2535/TCT-TTKT chỉ đạo Cục Thuế doanh nghiệp lớn; cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tăng cường quản lý thuế.
Theo đó, để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, Tổng cục Thuế đề nghị ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của cục trưởng cục thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thuế.
Điều này nhằm phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
“Trường hợp ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn”, Tổng cục Thuế nêu rõ.
Theo đó, ngân hàng sẽ bị phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 5 ngày trở lên.
Đồng thời, phạt tiền từ 6 – 16 triệu đồng đối với một trong các hành vi (i) thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định; (ii) không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.
Cục Thuế Doanh nghiệp lớn có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho Hội sở chính của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Cũng tại văn bản này, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế khi có yêu cầu cung cấp thông tin thì gửi văn bản về hội sở chính của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác để triển khai thực hiện.
Nội dung yêu cầu cần đầy đủ, chi tiết các thông tin về định danh, nội dung để ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác thực hiện.
Đối với các nội dung phức tạp, quan trọng, có thể thực hiện tổ chức họp giữa cục thuế và ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác; hoặc phối hợp, làm việc với cục thuế quản lý trực tiếp ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác đó theo quy định của pháp luật.
Các cục thuế quản lý trực tiếp ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm phối hợp với các cục thuế khi có yêu cầu.
“Các cục thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin, sử dụng thông tin đúng mục đích và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan”, Tổng cục Thuế lưu ý.
Về việc kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp và theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (gọi là nhà cung cấp nước ngoài), Tổng cục Thuế đề nghị ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc kê khai, khấu trừ, nộp thay và theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 81 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
Trường hợp ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thực hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 144 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
Theo đó, ngân hàng thương mại không trích chuyển tiền từ tài khoản cùa người nộp thuế vào tài khoản ngân sách nhà nước đối với số thuế phải nộp theo yêu cầu của cơ quan thuế thì ngân hàng sẽ bị phạt tương ứng với số tiền không trích chuyển vào tài khoản ngân sách.
Tổng cục Thuế giao Cục Thuế Doanh nghiệp lớn phối hợp với ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để triển khai thực hiện Điều 81 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Trong quá trình triển khai thực hiện, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gặp khó khăn trong việc thực hiện khấu trừ nộp thay đối với nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam thì thực hiện báo cáo về Cục Thuế doanh nghiệp lớn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Liên quan đến công tác quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách lũy kế từ ngày 21/3/2022 vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp đến cuối tháng 6 là 7.363 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách năm 2022 là 3.478 tỷ đồng và năm 2023 đạt 3.919 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quản lý thuế trong lĩnh vực này như “bề nổi của tảng băng chìm” cơ quan thuế đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các nhà cung cấp nước ngoài. Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ tốt chính sách pháp luật thuế Việt Nam, trong đó bao gồm cả trách nhiệm của các nhà cung cấp nước ngoài đối với nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của các tổ chức kinh tế mà họ ủy quyền kê khai, nộp thay.