Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân về tội Đưa hối lộ hơn 9,4 tỷ đồng và tội Vi phạm quy định về kế toán gây thiệt hại hơn 156 tỷ đồng.
THỦ ĐOẠN TINH VI ĐỂ TIỀN NGOÀI SỔ SÁCH
Theo kết quả điều tra, Tập đoàn Tuấn Ân gồm 26 công ty thành viên, hoạt động theo chuỗi sản xuất, phân phối, kinh doanh. Công ty Tuấn Ân Long An, Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân là các thành viên thuộc Tập đoàn Tuấn Ân. Quá trình đấu thầu, cung cấp hàng hóa, Huỳnh Tuấn Ân đã chỉ đạo các công ty thành viên thực hiện phương thức, thủ đoạn nâng giá. Theo đó, giá vốn các mặt hàng được ấn định cộng thêm 10% lợi nhuận.
Trước khi bán cho Công ty Điện lực Bình Thuận và các khách hàng khác, Công ty Tuấn Ân Long An phải bán qua đại lý của Tập đoàn Tuấn Ân và được kê giá tiếp từ 20% đến 40%.
Sau đó, đại lý bán cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân bằng giá mua của Công ty Tuấn Ân Long An. Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân bán cho Điện lực Bình Thuận theo giá trúng thầu.
Từ việc kê giá theo phương thức, thủ đoạn nêu trên, Tập đoàn Tuấn Ân thu được một khoản lợi nhuận rất cao đối với các mặt hàng do công ty sản xuất, trung bình hơn 40%, riêng 26 gói thầu tại Điện lực Bình Thuận, lợi nhuận 45%. Nếu hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán thuế, Tập đoàn Tuấn Ân sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất lớn.
Để che giấu lợi nhuận thực tế, ông Ân tự thiết lập phần mềm kế toán nội bộ gồm chạy song song với phần mềm kế toán Misa. Ông Ân chỉ đạo cấp dưới tại Công ty Tuấn Ân Long An mua 1.163 hóa đơn khống của 11 công ty cung cấp nguyên liệu sản xuất để hợp thức việc kê giá với chi phí mua hóa đơn là hơn 32 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Ân chỉ đạo các nhân sự quản lý ở Tập đoàn, kế toán trưởng ở 26 công ty thành viên hạch toán 2 hệ thống sổ kế toán với mục đích mua khống nguyên liệu đầu vào để tăng chi phí, giảm thuế phải nộp.
Trong đó, sổ kế toán thuế hạch toán trên phần mềm kế toán Misa để báo cáo cơ quan thuế, là sổ kế toán được lập, hạch toán đầy đủ về hình thức theo quy định. Nhưng thực tế, các bị can sử dụng 1.163 hóa đơn để tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận, giảm thuế phải nộp.
Sổ kế toán nội bộ hạch toán trên phần mềm Excel do ông Ân tự viết và thiết lập bao gồm 7 file Excel phản ánh tất cả các hoạt động thực thu, thực chi, doanh thu, chi phí và lợi nhuận thực tế phát sinh của Tập đoàn Tuấn Ân và các Công ty thành viên.
Quá trình điều tra, ông Ân khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án là hơn 205 tỷ đồng.
Toàn bộ lợi nhuận nội bộ của các Công ty được chuyển về Công ty Tuấn Ân Long An, sau đó hợp thức bằng việc cho vay nội bộ, trả tiền vay của cán bộ công nhân viên khi tăng vốn điều lệ, mua nguyên vật liệu, thanh toán các hợp đồng tư vấn… để rút ra nhập quỹ Tập đoàn Tuấn Ân.
Với việc lập 2 sổ kế toán nên trên, từ năm 2018-2023, nhóm 26 Công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Tuấn Ân đã hạch toán trên sổ nội bộ excel với lợi nhuận để ngoài sổ kế toán thuế 544 tỷ đồng, gây thiệt hại về thuế 156 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng là hơn 48 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 107,7 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, ông Ân và 3 bị can khác có dấu hiệu của tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Tuy nhiên, các bị can này bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng là tội danh mang tính tổng hợp, bao trùm cả hành vi mua hóa đơn (mục đích mua bán hóa đơn để làm tăng chi phí, phục vụ việc bỏ ngoài sổ kế toán thuế lợi nhuận thực tế). Do đó, cơ quan điều tra không khởi tố các bị can này về tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn.
NHIỀU GIÁM ĐỐC HƯỞNG LỢI TIỀN TỶ
Theo kết luận điều tra, ông Ân đã chỉ đạo các cá nhân tại Công ty Tuấn Ân Long An mua 1.173 hóa đơn khống của 11 công ty cung cấp mặt hàng nguyên liệu sản xuất với trị giá hơn 544 tỷ đồng.
Để hợp thức, các công ty bán hóa đơn khống phải chuyển tiền cho Công ty Tuấn Ân Long An bằng cách nộp tiền mặt cho kế toán/trưởng ban tài chính hoặc chuyển tiền vào tài khoản Huỳnh Thị Yến Phương. Phí mua hóa đơn là hơn 32 tỷ đồng.
Các giám đốc bán hóa đơn khống cho Công ty Tuấn Ân Long An hưởng lợi từ vài trăm – hàng tỷ đồng.
Cụ thể, bà Võ Thị Bích Thủy, phó giám đốc Công ty Tiến Tiến Đông xuất khống 189 hóa đơn bán hàng, hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng. Còn giám đốc Công ty Duy Khang 68 Trần Minh Vũ xuất khống 89 hóa đơn, hưởng lợi hơn 6,7 tỷ đồng.
Tương tự, bà Trương Thị Mỹ Thuận, giám đốc DNTN Hoa Mỹ xuất khống 245 hóa đơn, hưởng lợi hơn 6,9 tỷ đồng; Lê Thị Phương Thảo, giám đốc Công ty Tấn Thuận xuất khống 181 hóa đơn, hưởng lợi hơn 8,7 tỷ đồng…
Một số bị can còn lại hưởng lợi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhóm bị can này bị đề nghị truy tố tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
KIẾN NGHỊ XEM XÉT TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ
Trong vụ án này, Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Thuế tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có biến động bất thường về doanh thu, chi phí, lợi nhuận.
Mặt khác, chỉ đạo Chi cục thuế khu vực II, Chi cục thuế khu vực XVII rà soát, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc kiểm tra, thanh tra thuế đối với Tập đoàn Tuấn Ân và các công ty thành viên.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý hóa đơn điện tử; xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin nhằm kịp thời phát hiện các hành vi mua bán hóa đơn trái phép, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nang-gia-von-mua-hoa-don-khong-gay-that-thoat-thue-hon-156-ty-dong.htm