Số liệu điều chỉnh về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 2 của Nhật Bản không có sự thay đổi lớn so với lần công bố đầu tiên, một phần nhờ sự phục hồi vững chắc của tiêu dùng. Giới phân tích cho rằng số liệu này sẽ mở đường cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong tương lai gần.
Báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 9/9 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này, sau khi đã điều chỉnh, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong kỳ từ tháng 3-6/2024. Mức tăng này không thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% đưa ra trong lần công bố sơ bộ hồi trung tuần tháng 8. So với quý 1, GDP quý 2 của Nhật tăng 0,7%.
BOJ CÓ THỂ TĂNG LÃI SUẤT VÀO THÁNG 12
Số liệu điều chỉnh cũng xác nhận chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật tiếp tục hồi phục, dù mức tăng trưởng sau điều chỉnh có yếu hơn một chút so với lần công bố đầu tiên.
Trong đó, tiêu dùng tăng 0,9% so với quý trước, so với mức tăng 1% của lần công bố sơ bộ. Đầu tư cơ bản tăng 0,8% so với mức tăng 0,9% trong lần công bố trước.
Các số liệu được điều chỉnh giảm nhẹ này ít có khả năng khiến đường đi chính sách tiền tệ của BOJ thay đổi.
Chiến lược gia Naomi Muguruma của công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities dự báo BOJ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 năm nay, sau khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có trong tay số liệu GDP quý 3, kết quả khảo sát tâm lý doanh nghiệp, và kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
“Sẽ là trái ngược với lập trường của BOJ nếu nền kinh tế giữ nhịp tăng trưởng mà BOJ không tăng lãi suất”, bà Muguruma nói.
Mitsubishi UFJ Morgan Stanley dự báo nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3 năm nay.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã khẳng định sẽ xem xét tăng lãi suất thêm nếu các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế khởi sắc như kỳ vọng. BOJ có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3 năm nay, và một đợt tăng tiếp theo vào cuối tháng 7, đưa lãi suất cho vay qua đêm lên 0,25%.
Lập trường cứng rắn của BOJ, cộng thêm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất, đã thúc đẩy xu hướng hồi phục của đồng yên Nhật so với đồng USD. Hôm thứ Sáu, tỷ giá yên so với USD đạt mức cao nhất 1 tháng là 141,75 yên đổi 1 USD.
Tuy nhiên, đồng yên đã giảm giá trở lại so với bạc xanh trong phiên ngày thứ Hai và phiên sáng nay (10/9). Có thời điểm sáng nay, đồng USD tăng 0,1% so với yên, đạt 143,3 yên/USD.
GIỚI ĐẦU TƯ GIẢM PHÒNG HỘ TỶ GIÁ ĐỒNG YÊN
Theo hãng tin Bloomberg, sự phục hồi của đồng yên đã dẫn tới việc giới đầu tư giảm mạnh phòng hộ tỷ giá hối đoái đồng yên, vì cho rằng đồng tiền của Nhật Bản sẽ không còn trượt giá mạnh như trước nữa.
Dự báo đồng yên còn tăng giá cao hơn đã khiến các chiến lược gia thuộc các ngân hàng đầu tư như JPMorgan Chase, UBS và BNP Paribas Asset Management khuyến nghị khách hàng rút lại việc phòng hộ tỷ giá đối với các khoản đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản. Việc cắt giảm phòng hộ tỷ giá như vậy sẽ giúp nhà đầu tư tăng lợi nhuận tính bằng USD.
“Ở thời điểm hiện tại, khuyến nghị là đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản mà không phòng hộ tỷ giá, để hưởng lợi cao hơn bằng đồng USD từ tiềm năng tăng giá của yên”, nhà quản lý danh mục Wei Li của Paribas Asset Management phát biểu.
Khuyến nghị mới này phản ánh một sự thay đổi lớn trong quan điểm về tỷ giá đồng yên kể từ đợt tăng lãi suất hôm 31/7 của BOJ. Xu hướng tăng giá của đồng yên kể từ đó đến nay là một “con dao hai lưỡi” đối với chứng khoán Nhật Bản. Một mặt, đồng tiền mạnh lên phải ánh sự khởi sắc của nền kinh tế Nhật, nhưng cũng khiến cổ phiếu Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản kém đi.
Chiến lược gia Nozomi Moriya của ngân hàng UBS cũng ủng hộ việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Nhật Bản mà không phòng hộ tỷ giá, sau khi UBS tăng dự báo tỷ giá yên vào cuối năm nay lên 145 yên đổi 1 USD, từ mức 160 yên đổi 1 USD trước đó. Tuy nhiên, nhà băng Thụy Sỹ này giảm khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản, cho rằng đồng yên tăng giá đặt ra rủi ro đối với dự báo về lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.
Tính bằng đồng USD, chỉ số Topix đã phục hồi sau cú giảm “kinh hoàng” hôm 5/8 và đạt mức cao nhất 3 năm vào tuần trước. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này tăng 7,1%, vượt mức tăng của chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản, cũng như hai chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và Kospi của Hàn Quốc.
Không phải nhà phân tích nào cũng coi diễn biến tỷ giá đồng yên là yếu tố chính chi phối lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Nhật. Ông Masashi Akutsu, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Bank of America Securities, cho rằng phần lớn tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp Nhật Bản hiện được quyết định bởi khả năng tăng giá hàng hóa – dịch vu của công ty trong môi trường lạm phát, chứ không phải dựa vào sự giảm giá của đồng yên.
Tuy nhiên, các chiến lược gia cho rằng rủi ro là đồng yên tăng giá nhanh có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới quan điểm thận trọng khi lựa chọn cổ phiếu.
Chiến lược gia Charu Chanana của công Saxo Markets cho biết: “Tôi sẽ tìm cách chọn lọc cổ phiếu Nhật Bản, tập trung vào các chủ đề dài hạn thú vị như những doanh nghiệp được hưởng lợi từ cải cách quản trị doanh nghiệp và các diễn biến địa chính trị. Trong ngắn hạn, khả năng đang nghiêng về đồng yên mạnh hơn và chứng khoán Nhật Bản yếu hơn”.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/kinh-te-nhat-tang-truong-vung-boj-co-the-tang-lai-suat-vao-cuoi-nam.htm