Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan hải quan phát huy vai trò trong việc tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục nhanh chóng tại các cửa khẩu biên giới.
Theo Thứ trưởng, các năm trước đây, ngành hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ này nhưng năm nay, ngành hải quan dự báo trước được bối cảnh xuất nhập khẩu khó khăn, nền kinh tế đối diện nhiều thách thức nên chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, điều này rất đáng trân trọng.
THÁCH THỨC BAO TRÙM, HẢI QUAN ĐỀ NGHỊ GIẢM DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH
Về thu ngân sách, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dù kết quả còn chưa đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm song đây là một nỗ lực lớn của cơ quan hải quan trong năm qua.
Tổng cục Hải quan cũng làm tốt vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, chủ động nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào xây dựng hệ thống quản lý và ứng dụng vào hoạt động chuyên môn.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/1 đến ngày 30/11/2023 đạt 335.116 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cục Hải quan đạt được kết quả này trong bối cảnh thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh giảm đối với dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 355.000 tỷ đồng, bằng 83,5% dự toán.
Theo cơ quan này, nguyên nhân số thu giảm so với cùng kỳ năm trước là do kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, một số mặt hàng nhập khẩu là nguồn thu chính có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2022 như: nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất, nhóm xăng dầu nhập khẩu…
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, toàn ngành giải quyết thủ tục cho hơn 15 triệu tờ khai, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 619,36 tỷ USD, giảm 8,2%, tương ứng giảm 55,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu là 322,61 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 20,01 tỷ USD); nhập khẩu là 296,75 tỷ USD, giảm sâu hơn ở mức 10,7% (tương ứng giảm 35,55 tỷ USD).
Dù vậy, hết tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vẫn duy trì thặng dư với con số xuất siêu 25,86 tỷ USD.
THỦ ĐOẠN BUÔN LẬU TINH VI HƠN, TRỊ GIÁ HÀNG VI PHẠM GẦN GẤP ĐÔI CÙNG KỲ
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, những kết quả rất rõ nét trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vi phạm pháp luật về hải quan cũng là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành hải quan trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cơ quan hải quan không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn phối hợp rất tốt với các lực lượng chức năng trong nước, hải quan các nước trên thế giới để ngăn chặn kịp thời những vụ buôn lậu, gian lận thương mại.
Ngoài ra, hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan, điển hình là việc tổ chức thành công hội nghị và triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) cùng nhiều hoạt động hợp tác song phương với các nước, đem lại kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Năm 2023, trước tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến phức tạp, cơ quan hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Tính đến 15/11, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.618 vụ việc vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521,26 tỷ đồng, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã có chiều hướng chuyển dịch từ các cảng biển thuộc khu vực miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thủ đoạn được các đối tượng thường sử dụng như: chia nhỏ, trà trộn động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã trong hàng hóa nhập khẩu nhằm qua mặt cơ quan hải quan; các đối tượng sử dụng phương thức khai sai tên hàng để xuất khẩu, nhập khẩu đường tiểu ngạch hoặc không khai hải quan; giấu kín trong phương tiện vận tải được gia cố hầm vách để vận chuyển qua cửa khẩu, lối mở, đường mòn.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa tổ chức quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm.
Cơ quan hải quan cũng khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474,3 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 243 vụ, 277 đối tượng (trong đó cơ quan hải quan chủ trì 112 vụ), thu giữ lượng tang vật khoảng 2,8 tấn ma túy các loại.
Ngoài ra, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới cũng có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi: cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người; tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Đặc biệt, tình hình tội phạm ma tuý có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ…
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản cảnh báo nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống ma túy đạt kết quả nổi bật. Điển hình là nổi bật là Chiến dịch Con Rồng Mê Kông chính thức triển khai từ năm 2018 và đã thực hiện được 05 giai đoạn.
Đến nay, Chiến dịch thực hiện hết giai đoạn V từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là 1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/kinh-te-kho-khan-buon-lau-nhuc-nhoi-nganh-hai-quan-bat-giu-hang-hoa-vi-pham-tri-gia-hon-11-500-ty-dong.htm