Nhà đầu tư nước ngoài không còn niềm đam mê bất tận đối với nợ chính phủ Mỹ, và đó là một tin xấu đối với Washington – tờ Wall Street Journal cho hay.
Theo tờ báo này, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đang trải qua những thay đổi lớn về nguồn cung và nhu cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cắt giảm giá trị bảng cân đối kế toán – tức là bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ đã mua theo chương trình nới lỏng định lượng (QE) trong đại dịch Covid-19 – với tốc độ 60 tỷ USD mỗi tháng. Các nhà đầu tư nước ngoài, vốn là một nguồn cầu quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, không còn mua nhiều như trước, thậm chí còn bán ròng.
Trong khi đó, nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ tăng bùng nổ. Bộ Tài chính Mỹ đã phát hành ròng 2 nghìn tỷ USD nợ mới trong năm nay, một con số kỷ lục nếu không tính đến đợt vay ồ ạt để kích cầu nền kinh tế trong đại dịch vào năm 2020. “Phát hành nợ của Mỹ đang tăng lên, mà nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài lại không tăng. Một số nhà đầu tư chủ lực như Nhật Bản và Trung Quốc có vẻ như sẽ không còn mua ròng nợ Mỹ trong tương lai”, chuyên gia cấp cao Brad Setser của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) ở Washington nhận định.
NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GIẢM NHU CẦU
Đầu tháng này, một phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm nhận được lực cầu ảm đạm của nhà đầu tư, khiến thị trường lo ngại về sự mất cân đối cung-cầu sẽ gia tăng trong thời gian tới. Một nhóm chuyên gia tài chính Phố Wall làm nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Tài chính Mỹ, được biết đến với tên gọi Uỷ ban Tư vấn vay nợ Bộ Tài chính, gần đây đã lên tiếng cảnh báo về sự suy yếu nhu cầu của hai đối tượng nhà đầu tư quan trọng trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ là các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài. Uỷ ban này nói rằng trong trung hạn, “nhu cầu từ các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ trở nên hạn chế hơn”.
Ứng phó với sự suy yếu của nhu cầu, Bộ Tài chính Mỹ đã dịch chuyển sang tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn – loại được chuộng hơn – nhằm giúp ổn định thị trường. Sau khi tăng vọt lên mức hơn 5% và cuối tháng 10, do giá trái phiếu giảm sâu, lợi suất của kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm về mức khoảng 4,4% do giá hồi phục.
Nhà đầu tư nước ngoài, gồm cả nhà đầu tư thuộc khu vực nhân và các ngân hàng trung ương, hiện đang nắm giữ khoảng 30% trái phiếu kho bạc Mỹ đang lưu hành, giảm từ mức khoảng 43% cách đây 1 thập kỷ – theo dữ liệu từ Hiệp hội Chứng khoán và thị trường tài chính Mỹ (SIFMA). Trong tháng 9, khối ngoại bán ròng 2,4 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài, đưa lượng nắm giữ giảm còn 6,5 nghìn tỷ USD – theo dữ liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố mới đây. Tính theo kỳ 12 tháng luân phiên, tốc độ mua ròng của khối ngoại đã giảm xuống còn 300 tỷ USD/năm trong những tháng gần đây, từ mức khoảng 400 tỷ USD/năm trong phần lớn thời gian của năm ngoái – theo dữ liệu từ CFR.
Tương quan giữa các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Các nhà đầu tư châu Âu đã mua ròng 214 tỷ USD trong 12 tháng qua, theo dữ liệu từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Nhà đầu tư đến từ Mỹ Latin và Trung Đông, những khu vực với nguồn lợi nhuận dồi dào từ dầu lửa, cũng tăng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Lực cầu gia tăng từ các nhóm này giúp bù lại sự bán ròng 182 tỷ USD của Nhật Bản và Trung Quốc.
Đối với một số nhà đầu tư nước ngoài như ông David Coombs, trưởng bộ phận đầu tư đa tài sản thuộc công ty quản lý đầu tư Rathbones của Anh, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là một tài sản quá tốt để bỏ qua. Ông Coombs mới đây dã có động thái mua trái phiếu kho bạc Mỹ lần đầu tiên trong 15 năm qua, bị thu hút bởi lợi suất tăng và cơ hội hưởng lợi kép từ sự mất giá thời gian gần đây của đồng USD. Trái phiếu kho bạc Mỹ giờ đây chiếm 9% danh mục đầu tư của ông, lớn hơn cả tỷ trọng của trái phiếu chính phủ Anh và gần một nửa các tài sản lợi tức cố định khác trong danh mục.
Nhà quản lý quý Shaniel Ramjee của công ty quản lý tài sản Thuỵ Sỹ Pictet cũng đẩy mạnh việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ khi lợi suất của kỳ hạn 10 năm vượt 5% vào tháng trước. Ông Ramjee nói ông vẫn lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ, nhưng hiện tại hầu như không có trái phiếu chính phủ của một nền kinh tế phát triển nào mang lại lợi suất thực dương cao như trái phiếu kho bạc Mỹ.
Dù vậy, nhu cầu từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân ở Châu Âu là không đủ để bù đắp những thay đổi mang tính cấu trúc dài hạn đang gây sức ép lên nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài nói chung đối với trái phiếu kho bạc Mỹ – theo chiến lược gia trưởng về lãi suất Praveen Korapaty của Goldman Sachs. “Cuối cùng các nhà đầu tư này có thể làm thay đổi tình hình được không? Có lẽ là không. Việc nhà đầu tư nước ngoài nói chung nắm trái phiếu kho bạc Mỹ đang tiếp tục giảm và chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ duy trì trì trong tương lai gần”, ông Korapaty phát biểu.
Nhưng chiến lược gia này không cho rằng sẽ xảy ra một kịch bản “ngày tận thế” đối với nhu cầu trái phiếu kho bạc Mỹ. Khi giá trái phiếu giảm, lợi suất tăng lên, có tác dụng thu hút những nhà đầu tư mới, mà gần đây là các nhà đầu tư cá nhân của Mỹ.
NHỮNG THAY ĐỔI TỪ TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN
Các ngân hàng trung ương, lực lượng đã mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ trong thập niên 2000 và đầu những năm 2010, hiện vẫn đang là một vùng yếu về nhu cầu đối với tài sản này. Xu hướng tăng giá của đồng USD trong những năm gần đây đã khiến nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc thậm chí giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Các nước này dùng tiền USD thu được từ việc bán trái phiếu Mỹ để mua vào đồng nội tệ nhằm bảo vệ tỷ giá đồng tiền của mình.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đa dạng hoá dự trữ ngoại hối khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ và thay vào đó tăng mua các loại trái phiếu được hậu thuẫn bởi các cơ quan chính phủ Mỹ, như Freddie Mac, vừa an toàn mà lại mang đến lợi suất cao hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã mua ròng 32 tỷ USD trái phiếu như vậy – theo dữ liệu từ CFR.
Các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân của Nhật Bản – bao gồm các ngân hàng, quỹ lương hưu và công ty bảo hiểm – đang là một lực lượng gây lo ngại trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhiều nhà đầu tư này đã mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ nhằm tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn trong bối cảnh lãi suất siêu thấp, thậm chí có lúc âm, trong nước. Lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của cả các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản và BOJ đưa nước này trở thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, với số nợ hơn 1 nghìn tỷ USD.
Nhưng gần đây, BOJ đã cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng lên, trong bối cảnh lạm phát ở nước này tăng. Điều này có thể sẽ dẫn tới việc nhà đầu tư Nhật Bản tăng đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ trong nước và bán bớt trái phiếu kho bạc Mỹ. Cho tới hiện tại, sự dịch chuyển chính sách của BOJ chưa dẫn tới biến động lớn về nhu cầu trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Năm ngoái, các nhà đầu tư Nhật Bản bán ròng trên thị trường này, nhưng đã trở lại mua ròng trong năm nay.
CEO Masatoshi Yamauchi của công ty quản lý tài sản All Nippon Asset Management, với khách hàng chính là các ngân hàng khu vực, nói rằng các nhà băng Nhật Bản vẫn tiếp tục mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng thiên về các kỳ hạn ngắn hơn và không áp dụng phòng hộ rủi ro về tỷ giá – một việc giờ đã trở nên rất tốn kém đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vì tỷ giá đồng yên giảm sâu. Nhưng ông Yamauchi nói rằng các ngân hàng Nhật rồi cũng sẽ sớm mất dần sự hứng thú với trái phiếu kho bạc Mỹ. “Họ đã mua nhiều rồi, mà lãi suất ở Nhật cũng đang trở nên hấp dẫn hơn đối với họ”, ông nói.