Các phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát gây rúng động thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tháng 3/2024, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án sơ thẩm các bị cáo trong vụ án Tân Hoàng Minh. Từ ngày 19/9 – 19/10/2024, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có sai phạm trong phát hành trái phiếu.
Để phát hành trái phiếu thành công, trong hai vụ án này đều có sự tiếp tay của nhiều công ty kiểm toán độc lập, kiểm toán viên kỳ cựu.
TIẾP TAY PHÁT HÀNH HƠN 40.000 TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU “RÁC”
Theo quy định hiện hành, báo cáo tài chính đã kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần là một trong những điều kiện bắt buộc trong hồ sơ phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Để đáp ứng quy định này, nhiều doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ngấm ngầm thỏa thuận với lãnh đạo các công ty kiểm toán “đánh bóng” báo cáo tài chính, phù phép nhằm che giấu sức khỏe tài chính của công ty.
Những báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu nhưng ý kiến của kiểm toán viên là chấp nhận toàn phần, nhờ đó, ở các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ dù rất nhiều sai phạm nhưng vẫn phát hành thành công.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hai vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mặc dù cơ quan quản lý đã kịp thời chấn chỉnh nhưng thực tế cho thấy hoạt động kiểm toán độc lập hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề cả về khung khổ quản lý, hoạt động của các đơn vị kiểm toán cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Theo đó, với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từ ngày 19/9 – 19/10/2024, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử giai đoạn 2 của vụ án liên quan đến sai phạm về trái phiếu doanh nghiệp. Cáo trạng xác định bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề ra chủ trương phát hành 24 mã trái phiếu khống thông qua 4 công ty gồm: Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ – Thương mại TP.HCM (Setra Corp). Cùng phương thức như vụ án Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C điều chỉnh kết quả kiểm toán để Setra Corp đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định.
Các gói trái phiếu này sử dụng Công ty chứng khoán TVSI và ngân hàng SCB thông qua nhiều chiêu trò, lôi kéo người dân gửi tiết kiệm linh hoạt để bán trái phiếu rộng rãi cho 35.824 khách hàng, huy động hơn 30.869 tỷ đồng. Số tiền này không được sử dụng đúng mục đích dẫn đến các nhà phát hành mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), 4 công ty còn dư nợ 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại và không có khả năng thanh toán. Ngoài ra, còn nhiều trái phiếu “rác” khác dính dáng đến bóng dáng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, như: Công ty cổ phần Bông Sen, Vạn Trường Phát… vẫn chưa được giải quyết.
Tình hình kinh doanh của Setra Corp, một trong những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát, hiện đáng báo động khi nửa đầu năm 2024 công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 114 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận cũng âm hơn 273 tỷ đồng. Tính từ năm 2021 đến nay, lỗ lũy kế của Setra Corp khoảng 1.274 tỷ đồng. Với dư nợ trái phiếu khoảng 2.000 tỷ đồng, quy mô nợ phải trả của Setra Corp gấp gần 12 lần vốn sở hữu (295 tỷ đồng).
Hàng chục ngàn nạn nhân của vụ án đang hy vọng các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ án, để người dân nhận được số tiền đã bị chiếm đoạt.
Với vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị hơn 10.030 tỷ đồng của ba công ty con thuộc hệ sinh thái này (gồm: Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông) phát hành trót lọt là nhờ sự giúp sức của hai công ty kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía Bắc) và Công ty CPA Hà Nội.
Tại vụ án này, 4 bị can gồm: Bùi Thị Ngọc Lân, Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt; Lê Văn Dò, Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội; Phan Anh Hùng, Phó giám đốc Công ty CPA Hà Nội, chi nhánh Sài Gòn và Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội, đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khi ký báo cáo kiểm toán và chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính đã chỉnh sửa của ba công ty trên mà không kiểm tra, đối chiếu.
Tháng 3/2024, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt Bùi Thị Ngọc Lân 24 tháng tù, ba bị cáo còn lại từ 18-24 tháng tù cho hưởng án treo. Số tiền Tân Hoàng Minh bị cơ quan chức năng thu giữ ở giai đoạn điều tra và toàn bộ hơn 8.600 tỷ đồng, số tiền thiệt hại trong vụ án đã được khắc phục.
Các kiểm toán viên được “đặt hàng” để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với các báo cáo tài chính và chấp nhận các bút toán ghi nhận doanh thu khống để ba công ty con của Tân Hoàng Minh từ tình trạng kinh doanh thua lỗ chuyển sang có lãi, đủ điều kiện phát hành trái phiếu trong thời gian nhanh nhất.
Sau khi ba công ty con phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tập đoàn Tân Hoàng Minh chạy dòng tiền khống mua lại lượng trái phiếu nói trên và trở thành trái chủ sơ cấp. Từ đây, lợi dụng tên tuổi, uy tín của mình, Tân Hoàng Minh trưng những tòa cao ốc siêu sang tọa lạc ở những vị trí đất vàng để huy động, kêu gọi hàng nghìn người hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, số tiền sau huy động lại sử dụng sai mục đích, thực tế là chiếm đoạt của hơn 6.630 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng.
KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP CỐ TÌNH GIAN LẬN
Báo cáo tài chính được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, tạo sự tin cậy cho các đối tượng sử dụng thông tin, trong đó có các cơ quan quản lý, đối tác, nhà đầu tư và có thể giúp doanh nghiệp được xếp loại vào nhóm khách hàng có tín nhiệm cao. Tuy nhiên, qua các vụ án kể trên, hoạt động kiểm toán độc lập bắt tay thông đồng giúp doanh nghiệp gian lận báo cáo tài chính.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhà đầu tư đặt niềm tin vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán, song cuối cùng có thể nói tất cả đều bị lừa. Vụ việc này ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng thị trường và gây đổ vỡ lòng tin của người dân, nhà đầu tư. Không chỉ mất tài sản, tiền bạc, mà những người dân dính dáng đến những vụ án này đều rất mệt mỏi, thấp thỏm vì phải theo đuổi hành trình xử án.
“Vụ việc sai phạm xảy ra, gần như cả thị trường trái phiếu bị đình trệ, người dân mất lòng tin, doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu, không huy động được vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Người mua không giao dịch, chuyển đổi được, gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư kinh doanh khác. Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp rất lớn. Thị trường chứng khoán là thị trường của thông tin, của niềm tin, những sai phạm nghiêm trọng như vậy đương nhiên để lại hậu quả rất lớn”.
Về nguyên nhân khiến hoạt động kiểm toán độc lập sai sót, theo Luật sư Trương Thanh Đức, với hoạt động kiểm toán, quan trọng hàng đầu là thông tin đầu vào, tài liệu được cung cấp. Bên cạnh hành vi thông đồng thì đôi khi kiểm toán cũng không phát hiện ra gian lận do thông tin, tài liệu làm giả tinh vi, không chính xác, đơn vị kiểm toán cũng không phải cơ quan điều tra, thanh tra. Hơn nữa, năng lực kiểm toán viên có hạn với những chuyên ngành chuyên sâu nên rất khó phát hiện ra.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về sai phạm của các kiểm toán viên này, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), khẳng định đây là hành vi trái quy định với chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
Theo vị này, ý kiến kiểm toán viên trên báo cáo tài chính có sai sót do nhiều lý do: một là, có thể do kiểm toán viên non kém về nghiệp vụ; hai là, doanh nghiệp làm hồ sơ giấy tờ kín kẽ đến mức kiểm toán viên không thể phát hiện; ba là, trường hợp kiểm toán viên biết nhưng thông đồng nên bỏ qua.
“Nguyên nhân ẩn giấu bên trong như thế nào, có hành vi thông đồng hay có dấu hiệu hình sự hay không, đều phải dựa vào cơ quan điều tra”, vị này cho biết.
Với vai trò và nhiệm vụ của mình, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) chỉ kiểm tra và đưa ra kết luận những vi phạm về mặt nghiệp vụ. Kết quả sau thanh, kiểm tra nhận thấy trong các vụ án này, dù không thu thập đủ bằng chứng nhưng kiểm toán viên vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của các công ty, nên kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khi cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính.
Chẳng hạn, trong vụ Tân Hoàng Minh, đối với hạng mục đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, kiểm toán viên không kiểm tra, đối chiếu với các tài liệu gốc, mà đồng ý ghi nhận khống doanh thu từ hoạt động tài chính trên kết quả kinh doanh cho các công ty; hay kiểm toán viên cũng không có cơ sở ghi nhận lãi từ các khoản ủy thác đầu tư.
Việc điều chỉnh các bút toán này làm đẹp tình hình sản xuất kinh doanh, bức tranh tài chính của các công ty này. Nếu theo đúng quy định, khi không có đủ bằng chứng, hồ sơ, kiểm toán viên không thể xác nhận các khoản doanh thu này và kiểm toán phải từ chối đưa ra ý kiến.
Với vụ án Vạn Thịnh Phát, trong bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), bị can Lý Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc, kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C, phụ trách cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Setra Corp, dù có tài liệu xác định kết quả kinh doanh năm 2019 của công ty bị thua lỗ, nhưng Lý Quốc Trung vẫn đồng ý cho Phạm Hoa Đăng, kiểm toán viên, chấp nhận báo cáo tài chính năm 2019 đã điều chỉnh số liệu từ lỗ thành lãi; đồng thời, ghi lùi ngày phát hành báo cáo.
Từ đó, Công ty kiểm toán A&C đồng ý đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, giúp cho Setra Corp đủ điều kiện phát hành trái phiếu năm 2020.
NĂNG LỰC PHẢI GẮN VỚI ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Nhiều ý kiến cho rằng nghề kiểm toán viên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đạo đức nghề nghiệp, kiểm toán viên rất giỏi nhưng nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không độc lập mà tư lợi sẽ phải chịu hậu quả. Đặc biệt, tính chất hoài nghi nghề nghiệp là một yếu tố bắt buộc trong kiểm toán, khi doanh nghiệp đưa tài liệu, kiểm toán viên phải nghi ngờ và nghĩ cách để kiểm tra, rà soát. Khi còn nghi ngờ có nghĩa là chưa yên tâm hoàn toàn, kiểm toán viên phải đi tìm bằng chứng để xóa bỏ sự ngờ vực đó.
Một cán bộ quản lý kế toán, kiểm toán cho biết có nhiều trường hợp, kiểm toán viên khi xuống doanh nghiệp kiểm tra thì thấy những bằng chứng đáng ngờ như: sổ ghi chép tài sản 7 năm lại mới cứng, hay cùng một chiếc bút để ghi sổ theo dõi tài sản là không hợp lý… Tất cả những điểm bất thường đều không qua được mắt kiểm toán viên.
Sai phạm từ doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên cũng một phần do doanh nghiệp, bởi tình hình tài chính của các doanh nghiệp nêu trên đều không minh bạch. Khi phân tích vụ việc, cần hiểu rõ vấn đề căn cơ, trách nhiệm ở bộ phận nào, nghĩa vụ của hội đồng quản trị khi chấp thuận những giao dịch đáng ngờ, ủy thác đầu tư cho cá nhân hàng ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị tài sản của doanh nghiệp gây nguy cơ mất trắng như vậy.
Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng luật, hệ thống quản trị công ty hiệu quả, thì những sai phạm không thể lọt đến khâu cuối cùng là chốt kiểm toán độc lập.
“Thông thường kiểm toán độc lập dùng xét đoán chuyên môn để xem xét có chấp nhận những số liệu doanh nghiệp đưa ra hay không, có những trường hợp bắt buộc phải kết luận ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc đưa ra lưu ý. Nếu kiểm toán viên trong một đơn vị kiểm toán có hệ thống kiểm soát về mặt chất lượng không đủ mạnh, không tham vấn chuyên môn đủ sẽ rất dễ dàng dựa vào ý kiến cá nhân có thể chấp nhận ý kiến sai lệch và cố tình không để ai phát hiện.
Khi kiểm toán những công ty niêm yết lớn, thường phải có một hệ thống kiểm tra, tham vấn chéo hoặc kiểm soát chất lượng độc lập. Nếu trường hợp có những ý kiến, vấn đề “gợn”, doanh nghiệp kiểm toán phải lập một hội đồng, tham vấn nhiều hơn, đây chính là lý do có những công ty kiểm toán có chi phí đắt đỏ”.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2024 phát hành ngày 23/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/hau-qua-nang-ne-do-sai-pham-cua-kiem-toan-doc-lap.htm