Giá vàng thế giới duy trì xu hướng giảm khá mạnh do tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 7. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (10/8) giảm nhẹ, tiếp tục xu thế lình xình quanh ngưỡng 67,3 triệu đồng/lượng và “vênh” thế giới hơn 12 triệu đồng/lượng.
Trong phiên ngày thứ Tư tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 11,6 USD/oz, tương đương giảm 0,6%, còn 1.914,4 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của vàng giao ngay trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,2 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.916,6 USD/oz.
Mức giá này tương đương khoảng 55,2 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước chỉ giảm vài chục nghìn đồng đến 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,27 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 80.000 đồng/lượng và 60.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn vàng 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của doanh nghiệp này có giá tương ứng là 56,21 triệu đồng/lượng và 57,06 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,65 triệu đồng/lượng và 67,25 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 12,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 11,7 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua, còn giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 1,9 triệu đồng/lượng.
Giới đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ dự kiến được Bộ Tài chính công bố vào ngày thứ Năm theo giờ Mỹ. Các nhà phân tích được hãng tin Reuters khảo sát kỳ vọng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái của CPI tháng 7 tăng nhẹ so với tháng 6, trong khi mức tăng so với tháng trước là 0,2%, bằng với mức tăng của tháng 6.
Sau báo báo CPI vào ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) – một chỉ báo quan trọng khác về lạm phát – của tháng 7 vào ngày thứ Sáu.
Nếu các số liệu này có sự chênh lệch lớn so với dự báo, thị trường sẽ có sự thay đổi trong kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 86,5% Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 – theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool. Tuy nhiên, khả năng này có thể thay đổi nếu báo cáo CPI mang tới những con số có sự khác biệt lớn với kỳ vọng.
“Báo cáo CPI ngầy mai sẽ là một chỉ báo quan trọng về chính sách của Fed… Thị trường đang ở trong trạng thái chờ xem”, chiến lược gia Daniel Pavilonis của RJO Futures nhận định. “Vàng vẫn là một kênh đầu tư chống lạm phát được ưa chuộng, nhưng vàng đang gặp khó khăn vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao. Vàng sẽ đương đầu với trở ngại vì lạm phát vẫn còn đó và Fed có thể còn phải tăng lãi suất thêm nữa”.
Ông Baden Moore, chiến lược gia ngân hàng National Australia Bank, cho rằng để giá vàng phục hồi bền vững “thị trường cần cảm thấy chắc chắn rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024”.
Đồng USD giảm giá trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số Dollar Index giảm 0,1%. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh mốc 102,5 điểm, không có thay đổi đáng kể so với sáng qua.
Giá USD niêm yết tại Vietcombank sáng nay là 23.570 đồng (mua vào) và 23.910 đồng (bán ra), bằng với mức giá sáng qua.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 0,3 tấn vàng trong phiên ngày thứ Tư, giảm khối lượng nắm giữ còn 903,4 tấn vàng.