Lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.999,1 USD/oz, tăng 9,2 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 57 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 66,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,7 triệu đồng/lượng và 56,7 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng, cũng không thay đổi so với hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 10,05 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 10,45 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Mặc giá vàng thế giới giằng co với biên độ khá rộng quanh ngưỡng 2.000 USD/oz thời gian gần đây, giá vàng miếng SJC bán lẻ tương đối ổn định quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng với biên độ dao động hẹp. Do vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới thường xuyên tăng/giảm vài trăm nghìn đồng/lượng mỗi ngày.
Giới kinh doanh vàng cho biết tình hình cung-cầu vàng trong nước đang ở giai đoạn ổn định, không có nhiều biến động cả về nguồn cung và nhu cầu nên giá vàng trong nước ít biến động hơn so với giá vàng quốc tế. Còn theo hãng tin Reuters, nhu cầu vàng nhỏ lẻ tại các nước tiêu thụ vàng hàng đầu châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đang trầm lắng thời gian này do giá tăng cao.
Trong phiên ngày thứ Hai tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 5 USD/oz, tương đương tăng 0,25%, chốt ở 1.989,9 USD/oz.
Vàng tăng giá do đồng USD suy yếu, nhưng mức tăng khá dè dặt do nhà đầu tư thận trọng trước khi đón nhận các số liệu mới về kinh tế Mỹ trong tuần này, bao gồm báo cáo về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. Các thống kê này được cho là sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến các quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng USD tụt giá và giá vàng đi lên trong phiên đầu tuần sau khi một báo cáo của Fed chi nhánh Dallas cho thấy hoạt động sản xuất ở bang Texas suy giảm trong tháng 4 – một dấu hiệu cho thấy tổn thất kinh tế từ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
“Thị trường đang giữ quan điểm dè dặt trong ngắn hạn, chờ xem các số liệu kinh tế sắp tới sẽ như thế nào”, Giám đốc giao dịch kim loại quý David Meger của High Ridge Futures nói với hãng tin Reuters.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,5% trong phiên ngày thứ Hai. Sáng nay, chỉ số tiếp tục giảm nhẹ, còn dưới 101,3 điểm.
Giá vàng không giữ được mốc 2.000 USD/oz vào tuần trước sau những phát biểu cứng rắn của các quan chức Fed và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh tế ở Mỹ và khu vực Eurozone cùng tăng tốc trong tháng 4.
Thị trường đang đặt cược khả năng 91% Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 2-3/5, theo dữ liệu từ CME FedWatch. Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như đáng quan tâm nhiều hơn đến việc liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 hay không và có chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.
“Cần có một chất xúc tác mới để giá vàng vượt mốc 2.000 USD/oz, nhưng giá vàng khó có khả năng giảm dưới 1.950 USD/oz trong ngắn hạn”, nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money nhận định trong một báo cáo.
Phiên ngày thứ Hai, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 3,7 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên 927,4 tấn vàng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.310 đồng (mua vào) và 23.650 đồng (bán ra), giảm 20 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.