Giá vàng thế giới trồi sụt không rõ xu thế trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày và trong bối cảnh các ngân hàng trung ương triển khai một loạt nỗ lực nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính. Giá vàng miếng trong nước sáng nay tăng có nơi lên mức 67,5 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 150.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,75 triệu đồng/lượng và 55,75 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,7 triệu đồng/lượng và 67,4 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Giằng co dữ dội trong phiên ngày thứ Hai tại thị trường New York, giá vàng giao ngay có thời điểm đạt 2.009,59 USD/oz, cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái và cách không xa mức kỷ lục mọi thời đại 2.072,5 USD/oz thiết lập vào năm 2020 – trong thời gian đại dịch Covid-19 căng thẳng.
Chốt phiên, giá vàng hạ về 1.979,4 USD/oz, giảm 10,9 USD/oz, tương đương giảm gần 0,6% so với đóng cửa tuần trước. Lúc hơn 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,9 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, đạt 1.980,3 USD/oz.
Mức giá này tương đương khoảng 56,65 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Như vậy, so với giá vàng SJC bán lẻ, giá vàng thế giới quy đổi đang thấp hơn 10,75-10,85 triệu đồng/lượng, nhưng nếu so với giá vàng 999,9 bán lẻ, giá vàng thế giới quy đổi đang cao hơn 0,9 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.410 đồng (mua vào) và 23.750 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.
Sau khi giá vàng trải qua những phiên tăng bùng nổ gần đây, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn ở vùng giá đỉnh. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, và nhất là trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này.
Dù nhà chức trách Mỹ và Thuỵ Sỹ đã triển khai một loạt biện pháp để ngăn chặn nguy cơ lan rộng khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, như bảo lãnh tiền gửi, bơm tiền, hoán đổi tiền tệ, thúc đẩy sáp nhập…. nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Điều này đồng nghĩa nhu cầu phòng ngừa rủi ro vẫn còn.
Bất ổn trong hệ thống ngân hàng 2 tuần qua làm gia tăng tầm quan trọng của quyết định lãi suất mà Fed dự kiến sẽ đưa ra vào ngày 22/3. Ở thời điểm ngày thứ Hai, thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng 73% Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này; khả năng Fed không nâng lãi suất là 27% – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.
Nhiều nhà giao dịch bắt đầu tính đến khả năng Chủ tịch Fed Jerome Powell sắp bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ mà ngân hàng trung ương này đã theo đuổi từ tháng 3/2022 tới nay. Một động thái như vậy của Fed sẽ có lợi cho giá vàng, vì vàng là một tài sản không mang lãi suất.
“Dù các nỗ lực khẩn cấp đã được triển khai, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn còn. Các dòng vốn tìm kiếm sự an toàn vẫn đang là giao dịch chủ đạo”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.
Giá vàng đã tăng hơn 100 USD/oz kể từ khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ sụp đổ trong tháng 3 này.
“Việc giá vàng vượt mốc 2.000 USD/oz ngày hôm nay đã khuyến khích một số nhà đầu tư chốt lời, nhưng tôi cho rằng điều đó chưa có nghĩa là xu hướng tăng của giá vàng thay đổi”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank nhận định và cho biết vẫn giữ quan điểm cho rằng triển vọng của giá vàng là tăng.
Đồng USD giảm giá trước thềm cuộc họp của Fed, với chỉ số Dollar Index hạ về ngưỡng 103,4 điểm, từ mức 103,7 của phiên trước.