Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động (kể từ giai đoạn Covid-19 đến nay).
Nợ xấu là những khoản nợ đã quá hạn chưa thanh toán được phân loại từ nhóm 3 – 5. Khi các khoản nợ của khách hàng rơi vào nhóm nợ xấu, khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay, ngân hàng sẽ thực hiện quyền xử lý tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Thời gian qua, hoạt động thanh lý tài sản thế chấp đang được thực hiện chủ yếu thông qua kênh bán đấu giá hoặc bán trực tiếp. Hoạt động thanh lý nhà đất, đất nền, căn hộ chung cư, nhà phố, ô tô…của các ngân hàng hiện thu hút sự quan tâm của thị trường, nhà đầu tư. Nhiều ngân hàng thanh lý tài sản cam kết hỗ trợ vay đến 80% giá trị tài sản mua, giá bán ưu đãi hoặc thương lượng.
Chị Ngọc Thanh (ngụ TP.HCM) cho biết chị đang có nhu cầu mua đất nền hoặc nhà phố ở vùng ven TP.HCM với giá tầm khoảng 4-5 tỉ đồng. Thấy ngân hàng thông báo bán đấu giá thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản trong tầm mức giá này, chị cũng quan tâm nhưng không rõ mua tài sản thanh lý của ngân hàng thì có gặp rắc rối gì với chủ tài sản thế chấp là khách vay trước đó, hồ sơ thủ tục có phức tạp, thời gian chuyển nhượng ra sao?
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhận định đúng là đang có định kiến của xã hội về tài sản thanh lý của ngân hàng như khó mua, thủ tục phức tạp, lo ngại tranh chấp trong quá trình tham gia đấu giá. Thực tế, ưu điểm khi mua tài sản thế chấp của ngân hàng là về cơ bản giấy tờ đầy đủ và thủ tục pháp lý rất chặt chẽ. Tất cả tài sản thế chấp như bất động sản, ô tô, ngân hàng đều có đầy đủ giấy tờ. Bởi về pháp lý, các tài sản này khi được nhận bảo đảm cho các khoản vay tín dụng phải qua nhiều bước xác minh từ bộ phận tín dụng và thẩm định, qua cơ quan công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Khi được xác nhận tài sản không trong diện tranh chấp, không vướng quy hoạch, pháp lý đầy đủ… mới được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tín dụng và giải ngân từ ngân hàng. Ưu điểm của tài sản thanh lý là giá bán phù hợp theo giá thị trường. Như vậy, tùy khẩu vị của mỗi người và tùy từng tài sản thanh lý, khách hàng có thể tìm hiểu kỹ để mua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển, cũng nhận định việc bán đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản, ô tô tại các ngân hàng đang diễn ra khá phổ biến. Đây là cơ hội cho người muốn “săn lùng” tài sản với giá tốt. Đứng trên phương diện người mua, khi đã chọn nên yêu cầu ngân hàng tư vấn kỹ về pháp lý của tài sản để hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh.
Trên thực tế, trước khi cho vay bằng tài sản thế chấp, ngân hàng thường sử dụng đội ngũ định giá chuyên nghiệp để định giá bất động sản và tham khảo giá thị trường. Đối với tài sản thanh lý cũng vậy, trước khi bán thanh lý, ngân hàng sẽ sử dụng mức giá do bên thứ 3 là đơn vị định giá độc lập làm căn cứ để đưa ra mức giá bán thanh lý. Do vậy, người mua bất động sản, ô tô thanh lý của ngân hàng có thể yên tâm khi mức giá bán sẽ rất sát với giá trị trường, việc mua bán tài sản đấu giá được diễn ra công khai, minh bạch, không lo bị “cò” đẩy giá.
Một số chuyên gia tài chính khác cũng nhận định, trong khi đang có những định kiến về tài sản thanh lý của ngân hàng thì việc tìm hiểu kỹ để mua cũng là một hướng tốt, bởi có thể là một “món hời” trong đầu tư.
Đồng thời, để xóa định kiến về tài sản thanh lý của ngân hàng, theo các chuyên gia, ngành ngân hàng cần thông tin rõ ràng, minh bạch về các tài sản cần thanh lý, trình tự thủ tục mua bán tài sản thanh lý cũng như những ưu điểm, giá bán hấp dẫn so với thị trường… Từ đó sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia vào thị trường này.