Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 53, tổ chức tín dụng có thể tiếp tục xem xét và cấp tín dụng cho khách hàng có nợ xấu đã bán cho VAMC nếu khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thỏa thuận và quy định pháp luật.
Ngoài hai trường hợp trên, Dự thảo Nghị định 53 cho phép tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cấp tín dụng cho khách hàng đã bán nợ xấu cho VAMC nếu khách hàng có dự án đầu tư khả thi. Việc cấp tín dụng phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và theo thỏa thuận giữa các bên.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi Nghị định 53 nhằm mở rộng phạm vi cấp tín dụng cho khách hàng có nợ xấu đã bán cho VAMC, bao gồm cả khách hàng có dự án đầu tư khả thi. Đồng thời, bổ sung đối tượng bán nợ xấu cho VAMC, bãi bỏ yêu cầu phê duyệt từng phương án mua nợ mà tích hợp vào kế hoạch kinh doanh hằng năm của VAMC.
Dự thảo Nghị định 53 cũng mở rộng đối tượng mua nợ xấu của VAMC, bao gồm cả các khoản nợ từ chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay vì chỉ có “tổ chức tín dụng” như trước đây. Đồng thời, bỏ quy định yêu cầu Hội đồng thành viên của VAMC trình từng phương án mua nợ lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để phê duyệt.
Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có quy định quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là “Phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp” (điểm d khoản 2 Điều 42).
Ngân hàng Nhà nước cho biết VAMC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ra quyết định thành lập và là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với VAMC. Do vậy, theo Luật số 69, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.
Nội dung kế hoạch kinh doanh của VAMC bao gồm: Kế hoạch mua nợ (bằng trái phiếu đặc biệt, theo giá trị thị trường); kế hoạch xử lý các khoản nợ đã mua (theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 195/QĐ-NHNN ngày 13/2/2023 quy định về trình tự, thủ tục trình, phê duyệt hoặc có ý kiến về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính; giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý).
Như vậy, phương án mua nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt đã có trong kế hoạch kinh doanh hằng năm của VAMC.
Ngoài ra, Dự thảo đề xuất hủy bỏ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án mua nợ theo giá thị trường và phương án mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của VAMC, đồng thời vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VAMC.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thay đổi này không làm phát sinh thêm nhân sự hoặc chi phí mới vì hoạt động mua nợ sẽ được tích hợp trong kế hoạch kinh doanh hằng năm của VAMC, vốn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/dieu-chinh-co-che-mua-ban-no-xau-cua-vamc.htm