Báo cáo cho thấy thu ngân sách nhà nước năm 2023 của Thanh Hóa ước đạt 40.464 tỷ đồng, bằng 114,5% dự toán và giảm 20,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 23.546 tỷ đồng, bằng 107,8% dự toán, giảm 24,7% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.262 tỷ đồng, bằng 120,6% dự toán và giảm 17,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 40.454 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, đáp ứng nhiệm vụ chi trên các lĩnh vực.
Trước đó, trong năm tài khóa 2022, Thanh Hóa đã chính thức cán mốc thu ngân sách nhà nước hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa đạt hơn 30.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 20.000 tỷ đồng. Với 50.650 tỷ thu ngân sách trong năm 2022, Thanh Hóa đã có lần đầu tiên gia nhập nhóm các tỉnh thành có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ mỗi năm. Nhóm này bao gồm các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Năm 2022, Quảng Ninh, Hải Dương và Thanh Hóa đã gia nhập nhóm này.
Nguyên nhân chính khiến số thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa giảm sâu 20,9% tương đương hơn 10.000 tỷ chủ yếu bị tác động tiêu cực bởi nguồn thu từ đất và dầu thô sụt giảm mạnh.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, dự kiến trong năm 2023 Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ nhập khẩu 31 chuyến tàu dầu thô, đã hoàn thành nhập khẩu 29 chuyến, còn 02 chuyến nhập khẩu trong tháng 12/2023. Tổng khối lượng nhập khẩu dự kiến khoảng 8,4 triệu tấn tương đương 62 triệu thùng.
Trong những tháng cuối năm 2023, đơn giá dầu thô bình quân có xu hướng tăng mạnh so với giai đoạn đầu năm, hiện đang ở mức 95 – 98 USD/thùng tương đương với số thu bình quân khoảng 400 tỷ đồng/chuyến. Do đó, số thu từ dầu thô trong tháng cuối năm 2023 ước đạt 800 tỷ đồng. Tổng số thu NSNN năm 2023 từ dầu thô nhập khẩu ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Số thu của hàng hóa XNK xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn phụ thuộc rất lớn vào mặt hàng dầu thô của dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm tỷ trọng trên 83%). Năm 2023, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể trong 50 ngày nên số chuyến tàu nhập khẩu giảm 03 chuyến, tương đương giảm 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Bên cạnh đó, đơn giá bình quân của dầu thô nhập khẩu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ khiến số thu bình quân theo từng chuyến tàu cũng giảm tương ứng từ 490 tỷ đồng/chuyến xuống còn 370 tỷ đồng/chuyến, dẫn tới giảm thu 3.600 tỷ đồng. Do các nguyên nhân trên, số thu từ dầu thô nhập khẩu năm 2023 dự kiến giảm so với năm 2022 từ 5.120 đến 5.880 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ đất của tỉnh Thanh Hóa cũng giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản. Do tác động rất nhiều yếu tố, như giảm chính sách thuế bảo vệ môi trường giảm 50%, tiền thuê đất giảm 30%, thuế giá trị gia tăng giảm 2%; tổng thu ước tính cả năm giảm trên 1.300 tỷ đồng từ chính sách….
Nguồn thu từ đất giảm sâu, đến thời điểm cuối năm nay mới thu được 5.200 tỷ đồng (dự toán là 7.100 tỷ đồng). Nếu so với mức thu năm 2022 thì số thu tiền sử dụng đất giảm 43,4% so với cùng kỳ, tương đương gần 4.000 tỷ đồng.
Vấn đề là hiện nay gần như không còn nguồn, không còn mặt bằng mới đấu giá và việc xác định giá đất cụ thể gặp nhiều khó khăn. Nếu thời điểm này đấu giá quyền sử dụng đất thì theo quy định 120 ngày doanh nghiệp trúng đấu giá mới phải hoàn thành nghĩa vụ thuế thì nguồn thu sẽ trôi qua năm 2024…
Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, tổng thu nội địa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố năm 2023 dự kiến đạt 11.317 tỷ đồng, bằng 102% so với dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu từ sử dụng đất là 7.190 tỷ đồng, các khoản thu nội địa khác 4.127 tỷ đồng.
Như vậy, với việc 2 nguồn thu chủ yếu là dầu thô và đất gặp khó đã tác động tiêu cực đến tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa. Việc hụt thu từ thuế nhập khẩu dầu thô và cấp quyền sử dụng đất là nguyên nhân chính khiến Thanh Hóa rớt khỏi câu lạc bộ 50.000 tỷ.