Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/9), với giá vàng giao ngay lần đầu tiên trong lịch sử chính thức vượt qua ngưỡng cản quan trọng 2.600 USD/oz. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông giữ vai trò chất xúc tác trực tiếp cho sự bứt phá này của vàng.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 36,3 USD/oz, tương đương tăng 1,4%, chốt ở mức 2.622,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 78,2 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Động thái hạ lãi suất nửa điểm phần trăm hôm thứ Tư của Fed đang “tiếp lửa” cho giá vàng. Kim loại quý này là tài sản không mang lãi suất, nên hưởng lợi trong môi trường lãi suất giảm.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 100% Fed sẽ giảm lãi suất trong cả hai cuộc họp tháng 11 và tháng 12.
Ngoài ra trong năm nay, giới đầu tư toàn cầu còn tích cực gom mua vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị kéo dài ở Trung Đông và một số nơi khác. Xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD cũng đóng góp lớn và đà tăng của giá vàng.
Liên quan tới Trung Đông, Israel ngày thứ Sáu tuyên bố đã tiêu diệt một chỉ huy cấp cao và một số nhân vật quan trọng khác của phiến quân Hezbollah trong một cuộc không kích nhằm vào thủ đô Beirut của Lebanon. Thông tin này là gia tăng mối lo ngại về một cuộc chiến tranh lan rộng ở Trung Đông, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng việc đạt thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza vẫn là một khả năng thực tế.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 26%, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 2010.
Một số nhà phân tích cho rằng đợt tăng giá kỷ lục này của giá vàng có thể sẽ sớm chuyển sang trạng thái điều chỉnh.
“Nhà đầu tư có mua vàng ở mức độ nhất định sau khi Fed đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay. Tuy nhiên, lực mua của các quỹ ETF vàng vẫn còn tương đối thấp và các nhà đầu tư ở khu vực châu Á nhìn chung đang đứng ngoài thị trường”, chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities nhận định, cho rằng tất cả đều là dấu hiệu cho thấy vị thế đặt cược vào sự tăng giá của vàng đã đạt tới trạng thái “quá mức”.
Giá vàng cao kỷ lục khiến nhu cầu vàng vàng chất của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc và Ấn Độ – hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – suy giảm, hãng tin Reuters cho hay.
Một báo cáo của ngân hàng Commerzbank cho rằng đà tăng giá này của vàng “sẽ không thể duy trì mãi” vì Fed nhiều khả năng chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trong 2 cuộc họp tới.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng giá vàng vẫn có khả năng tăng cao hơn. “Rủi ro địa chính trị, chẳng hạn các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine và những nơi khác sẽ duy trì nhu cầu nắm giữ vàng với tư cách một tài sản an toàn”, nhà phân tích Fawad Razaqzada của trang Forex.com nhận định trong một báo cáo.
Xu hướng mất giá của đồng USD do Fed giảm lãi suất cũng đang là một nhân tố hỗ trợ giá vàng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,12% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt ở mức 100,74 điểm. Tuy nhiên, chỉ số đã giảm 0,37% trong tuần này và giảm gần 4,8% trong vòng 3 tháng trở lại đây – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/da-tang-kho-can-dua-gia-vang-vuot-qua-moc-2-600-usd-oz.htm