Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo về thị trường vàng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nàh nước và các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ ổn định thị trường, xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để “vàng hóa” nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an ninh, an toàn tài chính quốc gia, phát triển thị trường vàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững.
CẦN QUẢN LÝ CHẶT CHẼ NGUỒN GỐC, XUẤT XỨ VÀNG
Đồng thời, Chỉnh phủ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vàng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng; rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh vàng trái phép.
Song, cử tri nhiều địa phương kiến nghị cần sớm có các giải pháp dài hạn để tăng tính minh bạch trên thị trường vàng; không để thị trường vàng tác động tiêu cực tới tâm lý xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, cử tri 6 tỉnh nói trên kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường vàng.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và phổ biến rộng rãi các quy định liên quan của nhà nước về quản lý thị trường vàng, đặc biệt là các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước công bố lộ trình quản lý, siết chặt quản lý thị trường vàng. Cử tri đề nghị có khoảng thời gian hợp lý, khả thi, để doanh nghiệp thực hiện, giảm bớt vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh lịch sử do các nguyên nhân chính sau: (i) vàng là hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao, là tài sản cất trữ được ưa chuộng đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế, địa chính trị biến động; (ii) tâm lý của giới đầu tư bị ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, sự kiện ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ và một số ngân hàng Mỹ phá sản; (iii) ngân hàng trung ương các nước tăng cường mua vàng bổ sung cho dự trữ ngoại hối.
Thứ tư, thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng. Trường hợp kiểm tra đột xuất cần bảo đảm minh bạch; đúng quy định; nhất là người kiểm tra phải được xác định là thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý để tránh việc làm tùy tiện, gây khó dễ cho doanh nghiệp; thậm chí có thể có đối tượng thực hiện hành vi giả danh, lừa đảo.
Thứ năm, có quy định phù hợp cho các đơn vị kinh doanh vàng trong trường hợp doanh nghiệp mua vàng trang sức do doanh nghiệp khác chế tác từ người dân (còn mới). Nếu liên hệ để bán lại cho doanh nghiệp chế tác, kinh doanh thì trong nhiều trường hợp rất khó khăn (do xa hoặc không có thông tin cụ thể nguồn gốc); nếu đưa nấu lại thì tăng chi phí và gây lãng phí.
Thứ sáu, cử tri cho rằng hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, cử tri kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho, theo một thời điểm mà Nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng/đủ các quy định về quản lý liên quan. Từ đó, tháo gỡ được khó khăn vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý; nhà nước có thể biết được cụ thể lượng vàng mà các doanh nghiệp đang quản lý. Cử tri cho rằng đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ trong công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô.
THANH TRA 6 ĐƠN VỊ CHIẾM HƠN 92% THỊ PHẦN KINH DOANH VÀNG MIẾNG
Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này đã triển khai những giải pháp đồng bộ, với sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể, (ngày 1/8/2024, chênh lệch khoảng 4,32 triệu đồng/lượng); thị trường vàng cơ bản được ổn định.
Ngày 17/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với 6 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng miếng (chiếm hơn 92% thị phần kinh doanh vàng miếng). Đoàn thanh tra có đại diện của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương (Tổng cục Quản lý thị trường) và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
Nội dung thanh tra bao gồm: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, việc chấp hành quy định về phòng, chống rửa tiền, về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đoàn thanh tra liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra của trong thời gian qua đều tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, đảm bảo minh bạch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau khi có kết quả thanh tra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp công bố các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Song song các hoạt động thanh, kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tổng kết việc thi hành Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn được triển khai theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn.
“Trong quá trình xây dựng quy phạm pháp luật về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành chức năng, các đối tượng chịu tác động của chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu,…công bố thông tin và đề xuất hiệu lực thi hành để việc đưa quy phạm pháp luật vào thực tiễn được triển khai có hiệu quả, thuận tiện, tạo được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp”, Ngân hàng Nhà nước trả lời cử tri.
VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ CHỈ ĐƯỢC LƯU THÔNG KHI ĐÃ CÔNG BỐ TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG, GHI NHÃN
Về việc mua vàng trang sức do doanh nghiệp khác chế tác từ người dân, Ngân hàng Nhà nước cho biết Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
“Theo đó, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn theo quy định”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Về việc chứng minh nguồn gốc vàng, kê khai vàng tồn kho, Ngân hàng Nhà nước cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Theo đó, khi thành lập, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai về vốn khi thành lập theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 24 quy định, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ, do Bộ Tài chính hướng dẫn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định về kê khai vốn, lập, sử dụng hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc vàng của doanh nghiệp nhằm mục tiêu tránh gian lận, hợp thức hóa nguồn vàng không chính thức. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các quy định nói trên.
“Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ 2021 đến nay. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014-2021, từ cuối năm 2021 tới nay chênh lệch giá so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (~25%). Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Bốn nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng ở mức cao so với thế giới.
Thứ nhất, giá vàng quốc tế tăng cao.
Thứ hai, từ 2014, Ngân hàng Nhà nước không cung thêm vàng miếng SJC. Mặc dù trong các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới bắt đầu có xu hướng tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước không thực hiện can thiệp thị trường do vàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; ngoại tệ cần phải được ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu của đất nước.
Thứ ba, các kênh đầu tư khác gặp khó khăn: thị trường bất động sản ảm đạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bế tắc, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp…
Thứ tư, không loại trừ khả năng tồn tại việc thao túng thị trường, trục lợi, kinh doanh trái pháp luật”.
(Ngân hàng Nhà nước trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh)
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cu-tri-kien-nghi-6-van-de-lien-quan-den-quan-ly-thi-truong-vang.htm