Một nhà lịch sử tài chính cho rằng tỷ giá hối đoái đồng yên Nhật Bản đang là một yếu tố quan trọng chi phối diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư ở Mỹ nên quan tâm tới vấn đề này thay vì “tập trung hoàn toàn vào các vấn đề kinh tế Mỹ khi đưa ra các đánh giá về giá tài sản”.
Trong một báo cáo công bố vào tuần vừa rồi, ông Russell Napier – nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư ERIC – nói rằng những diễn biến gần đây đã hé lộ về việc thay đổi chính sách tiền tệ ở Nhật có thể ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính Mỹ.
“Việc tồn tại một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa cấu trúc chính sách tiền tệ ở Trung Quốc và Nhật Bản với giá tài sản ở Mỹ là một cú sốc lớn đối với hầu hết các nhà đầu tư ở Mỹ”, báo cáo viết. “Quan niệm đã duy trì trong suốt mấy thập kỷ qua là Mỹ – xét trên cả phương diện kinh tế và tài chính – là một ốc đảo về cơ bản không bị ảnh hưởng bởi các xu hướng toàn cầu như vậy”.
Trong phiên ngày thứ Sáu (2/8) và hôm nay (5/8), thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh, một mặt do mối lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái, mặt khác do nhà đầu tư bất ngờ vì tốc độ hồi phục của đồng yên.
CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NHẬT CÓ THỂ KHIẾN CHỨNG KHOÁN MỸ CHAO ĐẢO
Trong tháng 7, tỷ giá đồng yên tăng khoảng 8% so với USD. Phiên ngày 5/8 tại châu Á, đồng yên có lúc tăng giá 3,4% so với USD, đạt 141,675 yên/USD, sau đó giảm về 143,165 yên đổi 1 USD.
Đây là vùng giá cao nhất kể từ đầu tháng 1 của đồng yên. Mới đầu tháng 7, đồng yên rớt giá xuống mức gần 162 yên đổi USD, thấp nhất kể từ tháng 12/1986.
Đồng yên hồi phục mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 31/7 tăng lãi suất lần thứ hai kể từ tháng 3 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng ngày phát tín hiệu sẵn sàng cát giảm lãi suất vào tháng 9. Tiếp đó, các số liệu ảm đạm về kinh tế Mỹ – đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 7 công bố hôm thứ Sáu – đặt ra khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong cả 3 lần họp còn lại của năm nay, thậm chí có thể với mức giảm 0,5 điểm phần trăm mỗi lần.
Đà tăng mạnh của đồng yên đang làm dấy lên đồn đoán rằng hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) – trong đó nhà đầu tư đi vay một đồng tiền có lãi suất thấp như đồng yên để đầu tư vào những đồng tiền khác hoặc tài sản ở những thị trường có lãi suất cao hơn – đã đến lúc thoái trào.
“Tính chất dễ tổn thuơng của giá cổ phiếu ở Mỹ trước sự tăng giá của đồng yên đã được thể hiện rõ. Điều này cảnh báo về những hậu quả đối với giá tài sản ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác từ những thay đổi trong chính sách tiền tệ ở phương Đông”, ông Napier viết trong báo cáo.
Ông Napier nói rằng sự tăng giá gần đây của yên Nhật là một ví dụ về việc áp lực bán tài sản đối với các nhà đầu tư đang tìm cách trả lại các khoản vay bằng đồng yên có thể khiến giá cổ phiếu ở Mỹ sụt giảm như thế nào. Sự giảm điểm đó của chứng khoán Mỹ diễn ra ngay cả khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục giảm – yếu tố lẽ ra phải hỗ trợ giá cổ phiếu.
“Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục phản ứng tiêu cực như vậy với sự tăng giá của đồng yên. Đây là một chỉ báo đối với nhà đầu tư về việc giá cổ phiếu ở Mỹ có mối liên hệ qua lại mật thiết tới mức nào với hệ thống tiền tệ toàn cầu”, ông Napier nhận định.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng Barclays, yên Nhật đang là đồng tiền ở trong trạng thái được mua quá nhiều (overbought) ở mức cao nhất trong nhóm tiền tệ G10, nên “dư địa để tăng cao hơn trong ngắn hạn là không lớn”.
Những đồng tiền có lãi suất cao như đồng rupee Ấn Độ hay peso Mexico cũng đồng loạt giảm giá mạnh tương tự như đồng USD. Trái lại, những đồng tiền cho đến nay vẫn được sử dụng để làm đồng tiền cấp vốn (funding currency) trong giao dịch carry-trade, như đồng yên và nhân dân tệ của Trung Quốc, đều tăng mạnh.
“THẾ GIỚI SẼ TIẾN TỚI ĐỒNG QUY LÃI SUẤT Ở MỨC THẤP”
Thị trường đang lo ngại rằng Fed đã quá chậm trễ trong việc hạ lãi suất để có thể ngăn một cuộc suy thoái kinh tế.
“Mối lo về suy thoái kinh tế xảy ra ở Mỹ đồng nghĩa rằng thị trường không còn trông chờ Fed có thể điều chỉnh chính sách một cách trật tự về mức lãi suất trung tính, chẳng hạn mức 3,25%. Giờ đây, mối lo suy thoái dẫn tới ý tưởng về kích cầu bằng chính sách tiền tệ ở Mỹ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các đồng tiền có lợi suất thấp đang tăng giá mạnh trở lại, vì thế giới sẽ tiến tới đồng quy lãi suất ở mức thấp”, trưởng lược gia trưởng về lãi suất Chris Turner của ngân hàng ING phát biểu với hãng tin Reuters.
Chuyên gia Cedric Chehab của công ty nghiên cứu BMI nhận định trong khoảng 10 ngày trở lại đây, đã xuất hiện đồng thời nhiều yếu tố có tác động mạnh tới thị trường. “Đầu tiên, sự cứng rắn của BOJ khiến giao dịch carry-trade xì hơi. Tiếp đó là các số liệu sản xuất và việc làm ảm đạm ở Mỹ khiến thị trường hoàng sợ”, ông Chehab nói với hãng tin CNBC. “Rồi một số công ty lớn công bố báo cáo tài chính thất vọng. Tất cả đều đẩy thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm từ mức định giá vốn dĩ đang cao”.
Theo ông Napier, sự giảm điểm gần đây của chứng khoán Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà giao dịch carry-trade. “Phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ được khuếch đại trong một cuộc áp chế tài chính (financial repression) khi các nhà giao dịch carry-trade buộc phải bán ra vị thế của mình cùng lúc khi các định chế tài chính của Nhật Bản cũng phải bán ra để mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản theo chỉ đạo của nhà chức trách Nhật”, ông nói.
“Đồng yên đã bị định giá quá thấp so với giá trị thực và sự cần thiết phải có áp chế tài chính ở Nhật đã trở nên rõ ràng. Nhà đầu tư không nên kỳ vọng định giá cổ phiếu ở Mỹ có thể tiếp tục tăng khi xảy ra thay đổi như vậy”, ông Napier nhận định.
Nhà lịch sử tài chính này kết luận rằng biến động tỷ giá đồng yên trong những tuần gần đây và ảnh hưởng đối với giá cổ phiếu ở Mỹ “là một dạng chỉ báo sớm về những khó khăn mà nhà đầu tư ở Mỹ phải đối mặt khi nhà đầu tư nước ngoài bước vào một thời kỳ khuynh hướng rút vốn về nước có thể kéo dài cả 1 thập kỷ”.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/carry-trade-yen-nhat-thoai-trao-chung-khoan-toan-cau-chiu-tran.htm