Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/6, dù Ngân hàng Nhà nước chưa công bố giá bán vàng miếng SJC cho 5 đơn vị tham gia bình ổn thị trường nhưng Công ty SJC đã niêm yết giá mua vào vàng miếng SJC là 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với 4/6; giá bán ra ở mức đi ngang so với phiên hôm qua (78,98 triệu đồng/lượng).
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giá vàng thế giới đã đạt đỉnh cao trong thời gian khá dài do tâm lý lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không giảm lãi suất, ít nhất từ nay đến tháng 9. Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ giảm nhanh hơn nhờ giá nhiên liệu giảm. Lo ngại về việc Mỹ duy trì lãi suất cao đến hết năm không còn nữa.
“Thị trường kỳ vọng trong quý 4/2024 Fed sẽ giảm lãi suất. Khi đó, đồng USD giảm giá. Điều này khiến giá vàng có thể tăng nhưng khó đạt được đỉnh như đã từng. Các dòng tiền tài chính sẽ hướng vào các khoản đầu tư khác, không tìm nơi ẩn nấp là vàng nữa”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Theo vị chuyên gia, giá vàng trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án phân phối vàng tới thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC sẽ giúp nhanh chóng kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp
“Xu hướng giảm giá vàng trong trung hạn rất rõ. Đây là điều các nhà đầu tư và đặc biệt đầu cơ vào khu vực vàng hết sức lưu ý. Hiện tại lạm phát Việt Nam ở mức khá thấp, đồng tiền ổn định và cơ hội đầu tư vào một số thị trường tài sản cũng đang phục hồi mạnh. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán, bất động sản, nhất là khi các luật nhà ở; bất động sản; kinh doanh bất động sản, đất đai chuẩn bị có hiệu lực (có thể tháng 8/2024)”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp. Phương án này bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận.
Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại và Công ty SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Sau 2 ngày triển khai phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 5 đơn vị, kết quả cho thấy các ngân hàng thương mại đã có nhiều thay đổi trong quy trình bán vàng miếng để thuận tiện tới người dân.
Agribank thông báo: “Từ 13h30 ngày 5/6/2024, sau khi hoàn tất các thủ tục mua, giao nhận vàng miếng SJC từ Ngân hàng Nhà nước và vận chuyển về các kho của ngân hàng, Agribank sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng đến mua vàng. Thậm chí, Agribank còn ban hành bộ câu hỏi và giải đáp 23 tình huống liên quan đến việc mua vàng của người dân.
Ngoài ra, nếu có nhu cầu, khách hàng có thể đến các điểm bán vàng miếng của Agribank để thực hiện đăng ký đặt mua vàng miếng từ 9h ngày 5/6/2024 và sẽ thực hiện giao dịch mua vàng miếng từ 13h30 theo giá bán của Agribank tại thời điểm khách hàng thực hiện giao dịch mua vàng miếng”.
Còn Vietcombank cho biết kể từ ngày 5/6/2024, thời gian phục vụ bán vàng miếng SJC cho khách hàng từ 9h – 11h30 và từ 13h30 – 16h00.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cac-kenh-dau-tu-dan-phuc-hoi-chuyen-gia-khuyen-cao-nguoi-dan-can-trong-khi-mua-vang.htm