Sau khi hứng một “cú đấm” trong tuần vừa rồi – là việc đồng yên tăng giá mạnh do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là đã can thiệp vào thị trường tiền tệ – các nhà đầu cơ giá xuống đồng yên có thể đối mặt với một số trở ngại nữa trước cuộc họp chính sách tiền tệ của BOJ vào ngày cuối cùng của tháng này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả khi BOJ tăng lãi suất, áp lực mất giá đối với đồng yên cũng khó được giải tỏa.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, tỷ giá đồng yên so với đồng USD có thời điểm tăng tới 3%. Dữ liệu về cán cân tài khoản vãng lai hàng ngày do BOJ công bố vào hôm thứ Sáu cho thấy cơ quan này dự kiến mức thâm hụt 3,17 nghìn tỷ yên, tương đương 20 tỷ USD, vào ngày 16/7, sau khi thị trường tài chính Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 15/7.
Trước đó, các tờ báo và hãng tin lớn như Nikkei và Reuters dự báo cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản thặng dư khoảng 400 tỷ yên. Như vậy, chênh lệch giữa số liệu được công bố với con số dự báo là 3,57 nghìn tỷ yên, tương đương 22,49 tỷ USD. Con số này được cho là số tiền của hành động can thiệp thị trường tiền tệ mà Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ đã phối hợp thực hiện vào hôm thứ Năm. Các giao dịch ngoại hối như vậy thường mất 2 ngày làm việc để hoàn tất.
Sáng nay (15/7), tỷ giá đồng USD có thời điểm tăng 0,3% so với đồng yên, giao dịch ở mức 158,15 yên đổi 1 USD.
BOJ SẼ VỪA NÂNG LÃI SUẤT, VỪA GIẢM MUA TRÁI PHIẾU?
Cặp tỷ giá này đã biến động mạnh từ hôm thứ Năm. Trước thời điểm được cho là có can thiệp, tỷ giá yên so với USD lập đáy của 38 năm ở mức 161,96 yên/USD. Sau đó, đồng yên hồi phục nhanh và giằng co trong khoảng 158-159 yên đổi 1 USD.
Theo hãng tin Bloomberg, thị trường cho rằng việc Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng yên vào hôm thứ Năm là “rõ rành rành”. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này chưa lên tiếng xác nhận hay bình luận gì về việc này.
Bất chấp nỗ lực can thiệp mới nhất, cộng thêm việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm gây áp lực mất giá lên đồng USD, đồng yên chỉ tăng giá được chưa đầy 2% trong tuần trước. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy đồng yên cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ nhà chức trách để có thể bứt phá một cách sắc nét khỏi xu hướng giảm kéo dài.
Năm nay, đồng yên đã giảm giá 11% so với USD, làm gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế Nhật Bản và đặt ra khả năng BOJ sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo vào ngày 31/7. Đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ hai của cơ quan này sau đợt tăng đầu tiên kể từ năm 2007 diễn ra hồi tháng 3. Theo dự báo, số liệu lạm phát của Nhật Bản công bố vào ngày thứ Sáu tuần này sẽ cho thấy mức lạm phát 2,9% trong tháng 6, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOJ.
“Nếu đồng yên tiếp tục yếu trước cuộc họp tháng 7 của BOJ, cơ quan này có thể sẽ tăng thêm lãi suất trong lần họp này, ngay cả khi họ cũng công bố cụ thể kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu”, chiến lược gia trưởng Yujiro Goto của công ty Nomura Securities Co. nhận định với Bloomberg. Trong một báo cáo hôm thứ Năm vừa rồi, Nomura cho rằng động thái can thiệp thị trường tiền tệ vừa rồi không hề làm giảm bớt áp lực đòi hỏi BOJ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Khả năng BOJ tăng lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 đã giảm còn 51% từ mức 59% trước cú hồi giá của đồng yên hôm thứ Năm – theo dữ liệu từ thị trường hoán đổi lãi suất. Chính sự suy giảm đặt cược này lại mở ra dư địa cho đồng yên phục hồi thêm nếu BOJ nâng lãi suất. Tuy nhiên, ngay cả khi BOJ tăng lãi suất vào cuối tháng này, động thái như vậy có thể không đủ để đưa đồng yên bứt phá khỏi xu hướng giảm.
TRIỂN VỌNG PHỤC HỒI CỦA ĐỒNG YÊN CÒN MỜ MỊT
Một số nhà phân tích cho rằng nếu BOJ vừa nâng lãi suất vừa công bố giảm chương trình mua trái phiếu, hành động đó của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có rủi ro bị xem là chịu sự chi phối của biến động tỷ giá, thay vì bởi sứ mệnh ổn định giá cả của BOJ.
Theo quan điểm của ông Goto, nếu BOJ tăng lãi suất 0,15 điểm phần trăm, đồng yên có thể tăng giá 2-3 yên/USD, nhưng chỉ riêng việc tăng lãi suất sẽ không đủ để thay đổi hướng đi của tỷ giá giữa yên với USD. Các hợp đồng hoán đổi đang phản ánh khả năng 35% BOJ nâng lãi suất 0,15 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7.
Lãi suất cho vay qua đêm của BOJ hiện đang ở mức 0-0,1%.
Ngân hàng Barclays cũng dự báo BOJ sẽ nâng lãi suất lên ngưỡng 0,25% trong cuộc họp tháng 7, nhưng cho rằng việc nâng lãi suất đó sẽ chỉ có tác động hạn chế tới tỷ giá. Barclays dự báo tỷ giá đồng yên so với USD sẽ kết thúc quý 3 này ở mức 160 yên/USD.
Cuộc can thiệp trong tuần vừa rồi là lần thứ ba Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng yên trong năm nay. Trước đó, nhà chức trách nước này đã có hai cuộc can thiệp vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, với tổng trị giá khoảng 62 tỷ USD.
“Tình trạng mất giá của đồng yên làm dấy lên kỳ vọng rằng BOJ sẽ tăng lãi suất vào cuối tháng này. Nhưng chúng tôi cho rằng chênh lệch lợi suất trái phiếu trong và ngoài nước vẫn còn quá rộng để đồng yên có thể phục hồi một cách bền vững”, chiến lược gia trưởng Mitul Kotecha của Barclays ở Singapore phát biểu.
Các nhà đầu cơ giá lên đồng yên có thể đang hy vọng số liệu doanh thu bán lẻ tháng 6 của Mỹ – dự kiến công bố vào ngày thứ Ba tuần này – cho thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc. Nếu vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thể sẽ giảm thêm, gây áp lực giảm giá lên đồng USD. Ngược lại, nếu số liệu bán lẻ Mỹ mạnh hơn dự báo, sự chú ý của các nhà đầu cơ giá lên đồng yên sẽ nhanh chóng quay trở lại với quyết định chính sách của BOJ.
“Nếu lãi suất không thay đổi, áp lực bán tháo đồng yên sẽ gia tăng trở lại”, chiến lược gia trưởng Ray Attrill của ngân hàng National Australia Bank nói với Bloomberg.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/boj-nang-lai-suat-cung-kho-cuu-ty-gia-dong-yen.htm