Trong những năm gần đây, Việt Nam được biết đến như một trong những điểm sáng trên nền kinh tế toàn cầu với việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Với rất nhiều hiệp định thương mại được ký kết và với các chính sách cởi mở, Việt Nam đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
Do đó, nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính, tiếp cận nhiều nguồn vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường quốc tế, Bộ Tài chính đã ban hành lộ trình áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam.
Để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về phương pháp tiếp cận, nội dung của chuẩn mực quốc tế cũng như góp phần thúc đẩy việc triển khai lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam thành công, Bộ Tài chính đã hợp tác với ACCA tổ chức khóa đào tạo đặc biệt về những ứng dụng thực tiễn IFRS.
Phát biểu tại buổi khai mạc khóa đào tạo, ông Trịnh Đức Vinh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán đã nhấn mạnh: “Việc đưa IFRS vào Việt Nam là mục tiêu nhất quán của Chính phủ Việt Nam để nâng cao tính trung thực, minh bạch trong báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp”.
Cũng tại khóa đào tạo, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, ACCA Việt Nam chia sẻ: “Sự phát triển thịnh vượng của kinh tế Việt Nam ngày càng gắn liền với khả năng hội nhập vào thị trường toàn cầu. Việc tiến tới áp dụng IFRS, không chỉ giúp Việt Nam tạo ra một “ngôn ngữ chung” cho báo cáo tài chính mà còn cải thiện được khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững”.
Với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 900 đại biểu là các chuyên gia thuộc các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính; thành viên Ban soạn thảo, thành viên Ban biên dịch và Ban soát xét bản dịch IFRS; thành viên các hiệp hội nghề nghiệp và đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn… Khóa đào tạo đã tập trung làm rõ, cung cấp kiến thức và những kinh nghiệm áp dụng trong thực tiễn của một số chuẩn mực kế toán quốc tế quan trọng như:
Kinh nghiệm, thực tế áp dụng IFRS 13 – Đo lường giá trị hợp lý: IFRS 13 quy định về cách đo lường giá trị hợp lý của các tài sản và các nghĩa vụ tài chính trong báo cáo tài chính.
Kinh nghiệm, thực tế áp dụng IFRS 9 – Công cụ tài chính: Được đánh giá là chuẩn mực “xương sống” của các tổ chức tài chính. Chuẩn mực này tập trung vào việc định nghĩa và phân loại công cụ tài chính, đồng thời hướng dẫn về việc đo lường giá trị (bao gồm dự phòng tổn thất tín dụng dự kiến) và ghi nhận chúng trong báo cáo tài chính.
Kinh nghiệm, thực tế áp dụng IFRS 41 – Nông nghiệp: Chuẩn mực này liên quan đến việc định nghĩa, đo giá trị và ghi nhận các tài sản liên quan đến hoạt động nông nghiệp trong báo cáo tài chính.
Thông qua 3 ngày đào tạo và thảo luận, ACCA mong muốn phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng nền tảng vững chắc cho lộ trình triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam nhằm khích lệ môi trường tài chính Việt Nam thêm phần minh bạch, hội nhập và phát triển năng động hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng.