Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ tờ trình dự thảo nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
HAI NGUỒN PHÁT THẢI CHÍNH CẦN KIỂM SOÁT
Theo ghi nhận, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế cũng như đe dọa tới môi trường.
Có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở các thành phố lớn, đông dân ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.
“Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý triệt để”.
Bộ Tài chính.
Do đó, phí bảo vệ môi trường cần được áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường.
Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường để đề xuất danh mục cụ thể đối tượng chịu phí, phương pháp tính phí bảo vệ môi trường, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính nêu rõ theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường, có 02 nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí cần phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải.
Thứ nhất, phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải.
Đối với nguồn thải này, pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định: tổng khối lượng xả thải, hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải và cơ quan quản lý trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ để quản lý nguồn thải này. Vì vậy, quy định thu phí đối với nguồn thải này vẫn chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp.
Thứ hai, cơ sở, dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả khí thải.
Đối với nguồn thải này, pháp luật về bảo vệ môi trường quy định đầy đủ hơn về quản lý khí thải đối với nguồn thải này, như: dự án gây ô nhiễm môi trường lớn phải được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (quản lý đầu vào, đối với hoạt động xả thải); cơ sở, dự án xả khí thải phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, quan trắc định kỳ…
Đồng thời, phải báo cáo dữ liệu quan trắc cho cơ quan tài nguyên và môi trường (quản lý đầu ra đối với hoạt động xả thải).
THU PHÍ VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THIẾU KHẢ THI
Trong văn bản góp ý gửi tới Bộ Tài chính, một số ý kiến đề nghị quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường và tất cả các nguồn thải nêu trên. Trong đó, nhiều tỉnh như: Tây Ninh, Kon Tum, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thanh Hóa đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng nộp phí, trong đó có phương tiện giao thông.
Về vấn đề này, theo giải thích của Bộ Tài chính, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là chính sách thu mới. Để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện thu, nộp phí, cần quy định đối tượng chịu phí phù hợp với quy định pháp luật môi trường trong quản lý chất thải như: quy trình quản lý khí thải; đo kiểm lưu lượng khí thải, hàm lượng chất thải có trong khí thải…
Đối với nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật chuyên ngành chưa quy định quản lý khí thải chưa quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Đối với phương tiện giao thông, theo Bộ Tài chính, hiện pháp luật chuyên ngành chưa quy định xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải đối với nguồn thải này. Do đó, chưa có cơ sở để xác định mức phí phải nộp đối với phương tiện giao thông.
“Việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thí, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để bảo đảm khả thi, tại dự thảo Nghị định chưa quy định thu phí đối với phương tiện giao thông trong giai đoạn hiện nay”, Bộ Tài chính nêu rõ.
TÌM CÁCH KIỂM SOÁT KHÍ THẢI VỚI XE MÁY CŨ NÁT
Với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải, vượt năng lực thông hành. Trên địa bàn thành phố hiện có gần 9,2 triệu phương tiện, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thành phố đang quản lý gần 934.500 xe ô tô và mô tô là gần 8,3 triệu xe.
Vì vậy, đầu năm 2021, Viện Môi trường – Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải tiếp tục phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM xây dựng phương án kiểm soát khí thải hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng của xe. Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị từng thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải xe máy lưu hành trên địa bàn thành phố từ tháng 5- 9/2020.
Kết quả cho thấy trên địa bàn thành phố thời điểm đó có lượng xe trên 10 năm sử dụng chiếm tới 68%. Đây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành.
Dựa trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe máy lưu hành trên địa bàn TP.HCM đề xuất phương án kiểm soát hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng của xe.
Theo đó, các cơ quan này đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải tại TP.HCM làm ở khu trung tâm, sau đó mở rộng toàn thành phố, áp dụng với xe từ 5 năm sử dụng trở lên và tiến tới kiểm soát tất cả các xe.
Ở giai đoạn đầu, thành phố xây dựng các khung chính sách, tuyên truyền cho người dân, đầu tư 88 trạm kiểm định khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu. Phí kiểm định mỗi xe được tính 50.000 đồng/năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe không đạt chuẩn khí thải khi chạy vào Quận 1, 3, 5 sẽ bị phạt tiền.
Giai đoạn 2026-2030, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này thành phố đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng phạm vi kiểm soát. Những xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là 553,06 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2024 chi 203,464 tỷ đồng; giai đoạn 2025 – 2030 là 345,6 tỷ đồng. Dự kiến nguồn phí thu được từ đề án từ 2025 trở đi, mỗi năm sẽ thu được 299 tỷ đồng, tổng thu đến năm 2030 là 2.142 tỷ đồng.
Khoản thu chênh lệch gần 1.600 tỷ đồng sẽ nộp ngân sách, tái đầu tư lại đề án, các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, thu hồi các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bo-tai-chinh-phan-hoi-ve-de-xuat-thu-phi-khi-thai-voi-o-to-xe-may.htm