Ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức Toạ đàm Góp ý dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
ĐIỀU CHỈNH THỨ TỰ ƯU TIÊN THANH TOÁN KHI XỬ LÝ TÀI SẢN ĐẢM BẢO
Trong đó, vấn đề thu hút sự quan tâm nhất là xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, qua hơn 5 năm triển khai, các quy định Nghị quyết số 42/2017/QH14 nói chung và quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán nói riêng, đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể: theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ đối với tổ chức tín dụng trước khi thanh toán nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm (bao gồm cả án phí).
Đại diện các ngân hàng cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay/bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức tín dụng
Tuy nhiên, trên thực tế, việc lấy từ nguồn khác của bên bảo đảm gây khó khăn cho cơ quan thuế, cơ quan thi hành án dẫn đến ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước nên các cơ quan có thẩm quyền vẫn trích luôn số tiền thuế, án phí và cả các khoản nợ thuế khác của bên bảo đảm từ số tiền xử lý tài sản bảo đảm.
Đồng thời, việc áp dụng quy định pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh của các cơ quan có liên quan trên thực tế là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 2 phương án như sau.
Phương án 1: kế thừa quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và bổ sung thêm cụm từ “án phí” để bảo đảm rõ ràng hơn trong quá trình áp dụng.
Phương án 2: điều chỉnh quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Như vậy, khi thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được thanh toán cho các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, án phí sau đó sẽ thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng sẽ không phải nộp thay cho bên bảo đảm các khoản thuế, phí không liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm (nợ thuế, phí khác của doanh nghiệp, cá nhân…).
NGÂN HÀNG “KÊU TRỜI” VÌ KHÔNG TÌM ĐƯỢC ĐƠN VỊ KIỂM TOÁN LẠI BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Khoản 3 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định: “Tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập”.
Tại toạ đàm, nhiều ngân hàng cho biết, quy định hiện hành dẫn đến 2 cách hiểu. Thứ nhất, khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại ít nhất 1 lần. Thứ hai, khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại cho đến khi hết ý kiến ngoại trừ.
Các tổ chức tín dụng có mặt tại toạ đàm cho biết họ không tìm được tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính. Trường hợp báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ thì ý kiến kiểm toán khi thực hiện kiểm toán lại sẽ khó thay đổi và vẫn là ý kiến ngoại trừ…Do đó, các tổ chức tín dụng đề xuất ban soạn thảo sửa đổi quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ khoản 3 Điều 42 Luật các tổ chức tín dụng. Hoặc sửa đổi, bổ sung như sau: “Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện kiểm toán độc lập lại khi báo cáo có ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của tổ chức kiểm toán độc lập”.
Về vấn đề này, khi thảo luận về Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Ngân hàng Nhà nước cho biết, ban soạn thảo đang đề xuất 2 phương án. Phương án 1: bỏ khoản 3 Điều 42 Luật các tổ chức tín dụng. Phương án 2: sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 42 dự thảo Luật như sau: “3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện kiểm toán độc lập lại khi báo cáo có ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của tổ chức kiểm toán độc lập”.
Vấn đề lớn thứ 3 liên quan đến dự phòng rủi ro. Khoản 2 Điều 131 Luật các tổ chức tín dụng hiện hành quy định: “2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định “sau khi thống nhất với Bộ Tài chính” sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai trong thực tế, do mỗi cơ quan sẽ có một vài quan điểm khác biệt, việc thống nhất hoàn toàn là khó khả thi.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, ban soạn thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1: sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng: “2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định”.
Phương án 2: sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng: “2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính quy định”.