Thông tin từ The Times of India cho thấy, từ đầu tháng 4/2023, cơ quan quản lý phát triển đường cao tốc tại Ấn Độ yêu cầu các nhà thầu xây dựng tham gia cần có mức xếp hạng tín nhiệm BBB hoặc cao hơn khi tham gia đấu thầu triển khai đường cao tốc, nhằm góp phần giải quyết vấn đề trì hoãn ở nhiều dự án do một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính.
Trong trường hợp tổng thầu không có mức xếp hạng tín nhiệm đạt yêu cầu, họ phải có chứng thư bảo lãnh hoặc thư ủng hộ của ngân hàng để được tham gia đấu thầu các dự án của Chính phủ. Yêu cầu này được đưa ra và áp dụng từ đầu tháng 4/2023.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Ấn Độ đưa ra các tiêu chí trên áp dụng với các nhà thầu tư nhân khi tham gia đấu thầu và triển khai các dự án đầu tư có vốn tư nhân.
Yêu cầu này được Chính phủ Ấn Độ áp dụng từ giữa tháng 4/2023 trong bối cảnh nhiều dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) và các dự án hợp tác đầu tư công tư (PPP) khác được ghi nhận chậm trễ khởi công và gặp khó khi thi công, bởi các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn để triển khai.
Cơ quan quản lý phát triển đường cao tốc tại Ấn Độ cho biết, có ít nhất 10 dự án bị trì hoãn do các nhà thầu gặp vấn đề, trong đó, 6/10 dự án gặp khó khăn do vấn đề tài chính.
Mức xếp hạng tín nhiệm BBB được xem là mức xếp hạng “có tính đầu tư” theo thang điểm xếp hạng nội địa tại Ấn Độ.
Mức xếp hạng này được xác định là mức độ rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà đầu tư ở mức thấp và các đơn vị này có khả năng thu xếp tài chính để thực hiện các dự án hạ tầng, vốn có thời gian triển khai dài và cần nguồn vốn lớn tương ứng để triển khai.
Tại Ấn Độ, hiện có 7 tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép và đang hoạt động.
Các đơn vị này không chỉ phục vụ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ của ngân hàng và của doanh nghiệp mà còn làm cơ sở cho các lựa chọn và đánh giá doanh nghiệp trong các hoạt động lựa chọn và đánh giá nhà thầu, quan hệ thương mại và đầu tư.
Cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Ấn Độ đạt quy mô 504 tỷ USD, tương đương 15% GDP của Ấn Độ, với 19,2 ngàn công cụ nợ đang lưu hành từ 4,1 nghìn tổ chức phát hành.
Ấn Độ là nước đang phát triển và vẫn trong giai đoạn đầu tư phát triển hạ tầng trong đó có hệ thống đường cao tốc phục vụ nhu cầu đi lại của đất nước rộng lớn với hơn 1 tỷ dân số.
Tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ hàng năm chiếm từ 4-5% GDP, tương đương khoảng 130 – 150 tỷ USD. Bên cạnh đó, mỗi năm, Chính phủ Ấn Độ cũng phê duyệt xây dựng khoảng 11.000 – 13.000 km đường cao tốc với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và công tư kết hợp.