Trong nhiều thế kỷ qua, các trung tâm tài chính toàn cầu đóng vai trò là “xương sống” cho hoạt động của thị trường vốn. Các trung tâm này có chung những đặc điểm quan trọng, từ cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện hàng tỷ giao dịch, cho tới khuôn khổ pháp lý thúc đẩy sự minh bạch của thị trường.
Đồ thị dưới đây thể hiện 20 trung tâm tài chính toàn cầu năm 2023 theo xếp hạng của công ty tư vấn Z/Yen. Xếp hạng này được đưa ra dựa trên 5 hạng mục cạnh tranh gồm sự phát triển của lĩnh vực tài chính, môi trường kinh doanh, vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng và danh tiếng.
Theo đó, năm 2023, thành phố New York tiếp tục là trung tâm tài chính số một thế giới. Với vốn hóa thị trường chứng khoán 46 nghìn tỷ USD, hai sàn chứng khoán của thành phố này chiếm tới 40% tổng vốn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, với gần 330.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các công ty tài chính đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi thành phố này. Từ cuối năm 2019 đến nay, khoảng 993 tỷ USD tài sản tại 158 công ty đã chuyển khỏi New York do thuế suất tại các bang khác giảm.
Theo sau New York là thủ đô London của Anh. Dù London vẫn là một trung tâm lớn của ngành ngân hàng thế giới, nhưng hoạt động tài chính tại đây đã suy giảm kể từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Với dân số 6 triệu người, Singapore đứng thứ ba trong bảng xếp hạng. Sự trung lập về chính trị giúp Singapore trở thành “Thụy Sỹ của châu Á”, thu hút cả các công ty phương Tây và châu Á tới làm ăn kinh doanh. Nhiều công ty công nghệ khổng lồ như Google, Alibaba đều đặt trụ sở khu vực châu Á của mình tại quốc gia này.
Năm 2023, Hồng Kông đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng, theo sau là San Francisco và Los Angeles. Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc (đứng thứ 7) là nơi có sàn chứng khoán lớn nhất châu Á với vốn hóa 6,6 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, thành phố này cùng với các trung tâm tài chính lớn khác của Trung Quốc (Thẩm Quyến và Bắc Kinh) đều tụt hạng trong năm ngoái.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/20-trung-tam-tai-chinh-hang-dau-the-gioi-nam-2023.htm