Từ năm 2019, các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ 4 vị trí cao nhất trong Brand Finance Banking 500 – xếp hạng thường niên các thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới của công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance.
Giá trị thương hiệu ở đây là thước đo “giá trị của nhãn hiệu thương mại và hoạt động tiếp thị liên quan của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu đó. Nói cách khác, giá trị thương hiệu đo lường giá trị tài sản tiếp thị vô hình chứ không phải giá trị tổng thể của doanh nghiệp.
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện top 10 thương hiệu ngân hàng thuộc Brand Finance Banking 500 từ năm 2019 đến năm 2023.
Trong đó, 10 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2023 được chia đều cho Mỹ và Trung Quốc. Tổng giá trị của các thương hiệu ngân hàng Trung Quốc trong top 10 là 262 tỷ USD, trong khi con số này của Mỹ là 165 tỷ USD.
Theo Brand Finance, các ngân hàng Trung Quốc phục vụ thị trường khổng lồ, nhờ đó giúp tăng giá trị thương hiệu của họ. Ví dụ, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) phục vụ hơn 500 triệu khách hàng cá nhân và hàng triệu khách hàng doanh nghiệp.
Đáng chú ý, ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới theo giá trị tài sản đang quản lý (tính tới tháng 12/2021 là 5,5 nghìn tỷ) và theo doanh thu năm (143 tỷ USD tính tới tháng 12/2022). Ngân hàng này mới chỉ ra đời vào năm 1984.
Sau ICBC, 3 vị trí tiếp theo thuộc về các ngân hàng thuộc “Tứ đại ngân hàng” (Big Four) của Trung Quốc, tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước.
Từ vị trí thứ 5 tới thứ 9 trong top 10 thuộc về các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Dù vấp phải nhiều tranh cãi những năm gần đây, Wells Fargo vẫn tăng một bậc so với xếp hạng của năm 2022.
Vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng là China Merchants Bank – “ngân hàng thương mại cổ phần do các pháp nhân doanh nghiệp sở hữu hoàn toàn” đầu tiên của Trung Quốc.