Tuesday, 20 May 2025
Subscribe
Cafe Bệt
  • 🔥
  • Doanh Nghiệp
  • Công Nghệ
  • Thể Thao
  • Thời Sự
  • Người Nổi Tiếng
  • Đời Sống
  • Sức Khỏe
  • Tài Chính
  • Bất Động Sản
  • Xe
Font ResizerAa
Cafe BệtCafe Bệt
Search
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2022 Foxiz News Network. Ruby Design Company. All Rights Reserved.
Cafe Bệt > Blog > Góc Nhìn > Y tế miễn phí
Góc Nhìn

Y tế miễn phí

Last updated: 20/05/2025 1:06 am
VnExpress
Share
SHARE

Gần 10 năm trước, tôi điều trị cho một bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi, đã có vợ và hai con. Em khóc, liên tục lặp lại câu hỏi: “Em còn sống được bao lâu?”, em muốn nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành.

Tôi nhìn hình ảnh cắt lớp, khối ung thư tụy đã lan rộng và di căn phúc mạc. Câu hỏi của em luôn rất khó trả lời với các bác sĩ, đặc biệt là trong những trường hợp phát hiện muộn. Tôi chỉ biết động viên em lạc quan, sống trọn vẹn mỗi ngày; tháng sau hay năm sau, biết đâu sẽ có tiến bộ y học mới, giúp kiểm soát căn bệnh tốt hơn.

Trước những giới hạn của y học, với nhiều căn bệnh, bác sĩ chỉ có thể kéo dài sự sống, chứ không thể chữa khỏi. Bên cạnh sự bất lực, chúng tôi thường xuyên đối diện với cảm giác nuối tiếc: giá như bệnh nhân đến viện sớm hơn.

Khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc chủ động là chìa khóa để phát hiện sớm bệnh tật, đặc biệt là ung thư. Nhiều loại ung thư nếu được phát hiện kịp thời có thể chữa khỏi hoàn toàn, hiệu quả điều trị cao mà chi phí không quá tốn kém.

Ở nước ta, việc khám sức khỏe định kỳ thường bị xem nhẹ. Đa phần người dân chỉ tìm đến bệnh viện khi cơ thể đã “lên tiếng”. Khi đó, chi phí điều trị cao hơn, hiệu quả thấp hơn và gánh nặng không chỉ đè lên vai bệnh nhân mà còn lên cả hệ thống y tế.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây nêu rõ hai định hướng lớn về y tế: “phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm” và “tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân”. Những phát biểu này chạm đến kỳ vọng của hàng triệu người dân, cũng như khơi dậy sự trăn trở và trách nhiệm của những người đang công tác trong ngành y.

Một cuộc khám sức khỏe cơ bản hiện nay chỉ tốn khoảng 250.000-300.000 đồng, con số không lớn nếu so với chi phí điều trị bệnh tim mạch hay ung thư – có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi đợt. Thế nhưng, hiện nay khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa nằm trong phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế, và chỉ mới phổ biến trong nhóm 17 triệu người lao động được cơ quan, doanh nghiệp tổ chức khám theo quy định pháp luật. Phần lớn người dân còn lại, đặc biệt là người lao động tự do, người về hưu, người sống ở nông thôn… phải tự chi trả và thường không chủ động đi khám.

Nếu Nhà nước hoặc Quỹ Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả dịch vụ này, đây sẽ là khoản đầu tư mang tính “phòng bệnh từ gốc”, giúp phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư… vốn đang là gánh nặng lớn nhất cho hệ thống y tế. Ước tính, nếu triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 84 triệu người dân chưa được hưởng chính sách này, chi phí rơi vào khoảng 21.000-25.200 tỷ đồng/năm, một con số lớn, nhưng đáng giá về lâu dài.

Để làm được điều đó trước hết cần có sự đầu tư của Nhà nước và sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế, đưa khám sức khỏe định kỳ vào danh mục quyền lợi cơ bản. Các gói khám cần được thiết kế phù hợp từng nhóm tuổi, nhóm nguy cơ, khu vực địa lý… không thể dùng một mẫu chung cho tất cả. Y tế cơ sở, trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế khu vực phải được giao vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này. Đó là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất và có tiềm năng “gác cửa” hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Khi đạt được mục tiêu khám sức khỏe định kỳ, người dân có quyền kỳ vọng tiếp vào khả năng miễn viện phí.

Tính đến năm 2024, hơn 94% dân số Việt Nam có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiền túi cho dịch vụ y tế vẫn ở mức cao, 40-45% tổng chi y tế quốc gia, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là không quá 30%.

Vì sao người dân vẫn phải chi nhiều dù đã có thẻ BHYT? Nguyên nhân rất rõ: phạm vi chi trả chưa thể bao phủ một số thuốc biệt dược, vật tư, dịch vụ kỹ thuật cao, giường bệnh theo yêu cầu; quy định đồng chi trả; và khoảng 6 triệu người vẫn chưa có thẻ BHYT. Hệ thống y tế công lập thiếu thuốc, thiếu vật tư ở một số thời điểm, chất lượng khám chữa bệnh chưa đồng đều dẫn đến việc người dân chấp nhận “trái tuyến”, bỏ tiền “mua sự yên tâm”.

Nếu tiến tới miễn viện phí toàn dân, nghĩa là mọi người dân được khám, chữa bệnh mà không phải lo về chi phí, thì đây thực sự là bước đột phá. Tuy nhiên, miễn phí không đồng nghĩa với miễn trách nhiệm tài chính, lộ trình này cần được triển khai từng bước khả thi và công bằng.

Trước tiên, Nhà nước cần hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho toàn dân, với trọng tâm ưu tiên các nhóm đối tượng chính sách và khu vực khó khăn như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người cao tuổi… từng bước mở rộng sang các nhóm còn lại. Phạm vi và mức chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế sẽ cần nâng lên, đặc biệt đối với thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao và kỹ thuật cao, ưu tiên những dịch vụ có hiệu quả điều trị rõ rệt và phù hợp với khả năng cân đối tài chính của Quỹ.

Để đạt được miễn viện phí toàn dân, ngân sách ước tính cần thêm khoảng 100.000 tỷ đồng/năm, bao gồm cả hỗ trợ thẻ BHYT cho toàn dân, và bù đắp phần chi tiền túi trực tiếp cho các dịch vụ y tế nằm ngoài phạm vi BHYT hiện tại. Đây là con số lớn, nhưng không phải không khả thi nếu có sự điều tiết hợp lý và huy động nguồn lực hiệu quả.

Cần có chiến lược đầu tư bài bản để nâng cao năng lực y tế cơ sở – “mắt xích sống còn” trong việc vận hành chính sách: từ trang thiết bị, công nghệ đến chính sách thu hút và giữ chân nhân lực… Cần triển khai các mô hình khám sức khỏe lưu động, đưa dịch vụ y tế đến tận nơi đối với khu vực nơi người dân còn khó tiếp cận dịch vụ y tế. Để thực hiện những việc này, có thể cần tới một Chương trình mục tiêu quốc gia về củng cố y tế cơ sở – đây là sự đầu tư cho sức khỏe lâu dài, là “đầu tư sinh lời” cho quốc gia.

Một vấn đề nữa khi nói đến miễn viện phí hay khám sức khỏe định kỳ toàn dân là tiền ở đâu? Ngoài ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế, có thể tính đến việc huy động nguồn lực từ “thuế sức khỏe” (health taxes, một khái niệm được WHO đưa ra), như thuế thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có đường, vừa góp phần giảm hành vi gây hại, vừa tạo thêm nguồn tài chính cho y tế.

Bên cạnh đó, cần giải bài toán thất thu thuế, đặc biệt từ khu vực kinh doanh nhỏ lẻ và nền kinh tế số. Những “khoảng trống” này nếu được lấp đầy sẽ không chỉ giúp tăng thu cho ngân sách, mà còn tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn, góp phần vào phát triển các chính sách an sinh bền vững, trong đó có y tế.

Ngoài ra, mô hình hợp tác công – tư cần được phát triển theo hướng minh bạch, hiệu quả, đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu. Nhà nước có thể đặt hàng khu vực tư nhân cung cấp các dịch vụ cơ bản tại vùng khó khăn, nơi hệ thống công còn yếu.

Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo công bằng, người nghèo không bị bỏ lại, người già không phải lo lắng mỗi lần đến viện, và mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe như một quyền cơ bản, không phải là đặc quyền.

Là một bác sĩ đã gắn bó hơn ba thập niên với ngành, từ những ngày đầu làm lâm sàng, rồi quản lý bệnh viện, đến nay tham gia hoạch định chính sách, tôi càng thấm thía rằng: chăm sóc sức khỏe cộng đồng không thể chỉ dừng ở việc chữa bệnh. Khi dân số già hóa, mô hình bệnh tật thay đổi, thì việc đầu tư cho y tế dự phòng, cho các chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân lại càng trở nên cấp thiết.

Hai định hướng trên không chỉ là mục tiêu y tế, mà còn là tầm nhìn chiến lược về con người và sự phát triển bền vững của quốc gia. Mọi người dân Việt Nam ở bất kỳ đâu cũng đáng được sống khỏe mạnh, được bảo vệ bằng một hệ thống y tế công bằng, nhân văn và tiến bộ.

Trần Văn Thuấn


Nguồn tin: https://vnexpress.net/y-te-mien-phi-4888003.html

Share This Article
X Email Copy Link Print
Previous Article Messi chỉ trích trọng tài trong trận thua đậm của Inter Miami
Next Article Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tem và bưu ảnh

Nhịp sống trẻ mỗi ngày!

Cùng cập nhật những tin tức nóng hổi, đa dạng về kinh tế, xã hội, văn hóa và giải trí. Đón nhận nhịp sống trẻ, năng động, và sáng tạo mỗi ngày.
FacebookLike
XFollow
PinterestPin
InstagramFollow
YoutubeSubscribe
TiktokFollow
- Advertisement -
Ad image

Đang được quan tâm

John Terry: ‘Chạy marathon khổ nhọc hơn cả đá bóng’

AnhCựu đội trưởng Chelsea và tuyển Anh John Terry xem hoàn thành London Marathon ngày…

By Cafe Bệt

Báo động vi nhựa làm 356.000 người tử vong mỗi năm do bệnh tim

Phân tích dựa trên dữ liệu khảo sát dân số và mẫu nước tiểu từ…

By Cafe Bệt

Đảo xanh không khói xăng

Tôi đến Phú Quý đơn giản vì… Sài Gòn nóng và đông quá. Sau khi…

By VnExpress

Tin liên quan

Góc Nhìn

Liên kết để lớn mạnh

By VnExpress
Góc Nhìn

‘Núi’ thủ tục, chờ gỡ

By VnExpress
Góc Nhìn

AI và thoái hóa tư duy

By VnExpress
Góc Nhìn

Mạnh ai nấy sống

By VnExpress
Go to mobile version
Welcome Back!

Sign in to your account

Username or Email Address
Password

Lost your password?