Tôi đã sống ở Việt Nam được hai năm rưỡi. Dù vậy, tôi chưa từng đặt chân tới Kon Tum.
Trước khi tới Việt Nam, tôi cứ ngỡ Tết nơi đây cũng giống như kỳ nghỉ năm mới ở phương Tây, tức sẽ có một vài ngày các trường học, văn phòng đóng cửa để người dân “ăn Tết”. Tôi không hiểu rằng Tết là một khoảng thời gian, một lễ hội ngắn mà mọi người sẽ sống khác đi. Và vì sống khác, họ cũng nghĩ và cư xử khác đi.
Tôi viết những dòng này khi kỳ nghỉ Tết vừa chớm bắt đầu, tôi cũng bắt đầu khám phá Kon Tum. Tôi muốn chia sẻ với độc giả Việt Nam những suy nghĩ và cảm nhận của một người nước ngoài khi trải nghiệm sự chuyển mình của không khí lễ hội.
Việt Nam có khá nhiều phong tục lạ với tôi. Dù vậy, nơi đây vẫn có những khuôn mẫu sống cơ bản. Các phong tục đặc biệt của lễ Tết cũng là để đáp ứng nhu cầu của con người, giống với nhiều nơi trên thế giới.
Đầu tiên là vài điều về thời tiết. Năm mới là một dịp thích hợp để nghĩ về “sự thay đổi”. Nhận thức của chúng ta về “thay đổi” được hình thành cơ bản qua những cảm nhận về thời tiết, mùa màng.
Đôi khi, người ta quên để ý đến thời tiết, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhưng ở một tỉnh phía Tây như Kon Tum, điều này dễ cảm nhận hơn. Tết đánh dấu thời điểm chuyển giao giữa các kiểu thời tiết khác nhau và mang đến cho con người cơ hội dồn năng lượng vào việc tận hưởng nhịp điệu khác biệt của cuộc sống.
Không chỉ Việt Nam, Trung Đông cũng có những lễ hội tương tự Tết Nguyên đán, nhưng đa dạng về thời điểm tổ chức. Có nơi năm mới diễn ra vào mùa thu. Họ chọn thời điểm này, tôi nghĩ vì những lý do tương tự việc một số công ty chọn kết thúc năm tài khóa vào mùa hè. Giống như khi mọi thứ đã xong xuôi và được gói ghém lại, bạn sẽ vạch một đường kết và sẵn sàng cho một khởi đầu mới.
Nhìn từ khía cạnh này, điều có vẻ lạ là tại sao các nền văn hóa châu Âu lại tổ chức năm mới vào giữa mùa đông, khi tuyết rơi dày nhất. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn sẽ thấy, nguyên nhân cũng không quá khác biệt. Năm mới ở châu Âu đến vào thời điểm mà ngày không còn trở nên tối dần nữa, mà bắt đầu sáng lên. Quá trình chuyển đổi từ tối sang sáng sẽ rõ ràng hơn nếu họ đợi thêm vài tháng, nhưng tôi nghĩ rằng họ quá lạnh để đợi thêm.
Tôi nghĩ Việt Nam có lựa chọn tuyệt vời khi tổ chức Tết vào lúc này, phần nào nhờ vào hoa cúc vàng. Tôi từng ghé một chợ hoa địa phương để ngắm nhìn vô vàn loài hoa được bày bán: nào cúc, nào quất, lan, huệ… Hầu như tất cả du khách nước ngoài đều yêu thích chợ hoa Việt Nam, bởi họ khó tìm thấy không gian tương tự ở quê nhà. Yêu hoa là điểm chung của mọi nền văn hóa, nhưng ở phương Tây, hoa đã trở thành thứ hàng hóa công nghiệp, vận chuyển đến từ những vùng xa xôi. Bạn sẽ không cảm nhận được sự gần gũi ấm áp như khi bước vào chợ hoa Việt Nam, nơi phần lớn hoa lá đều được trồng ngay tại địa phương.
Nhưng chúng ta cũng nên nghĩ đến một khía cạnh khác của việc trang trí nhà cửa bằng hoa. Vẻ đẹp vốn có của hoa cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ tàn phai. Tết chỉ thực sự “có ý nghĩa”, tức chỉ thực sự hoàn thành “sứ mệnh của Tết” nếu nó diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Muốn kéo dài Tết cũng giống như muốn giữ cho bông hoa đẹp mãi mãi, vốn là điều không tưởng.
Điều này dẫn đến hai ý cuối cùng cần xem xét.
Ở Kon Tum tôi thấy trẻ em vui chơi trong không khí ngày lễ. Tôi không nói rằng mình không thể thấy cảnh tượng này ở thành phố lớn, nhưng đúng là ở những vùng tỉnh lẻ, tôi thấy các hình ảnh này phổ biến hơn.
Một số bạn bè người Việt của tôi cảm thấy phiền lòng khi Tết ngày càng ngắn và truyền thống ngày càng phai nhạt. Nhưng tôi có suy nghĩ khác. Nhìn xem, lũ trẻ vui chơi đâu phải vì để hoàn thành trách nhiệm nào, mà vì chúng được trao thời gian và không gian để thỏa sức vui chơi. Nếu muốn gìn giữ những phong tục Tết, người ta chỉ cần định hình lại thời gian cùng không gian dành cho việc “chơi”.
Đó chính là lý do tôi vui mừng khi năm nay là năm con rắn. Người ta thường nói rắn dạy ta cách thay đổi và thích nghi vì chúng lột xác thay da. Nhưng thành thật mà nói, mấy ai muốn “lột xác” như vậy? Thay vào đó, có một điều khác về loài rắn đáng để ghi nhớ: chúng đã tồn tại lâu đời hơn chúng ta rất nhiều. Dù con số chính xác vẫn đang còn tranh luận, các nhà khoa học khẳng định, những hóa thạch rắn cổ nhất có niên đại hơn 100 triệu năm, gấp ít nhất 50 lần tuổi của loài người. Và chúng vẫn giữ nguyên bản chất: tiến về phía trước bằng cách “xoay chuyển và uốn lượn”.
Ánh nắng tỏa sáng rực rỡ trên những con phố và dòng sông của thành phố Kon Tum trong những ngày cuối cùng của Tết. Tôi mong rằng sau khi đã sum họp cùng gia đình, bạn bè để nạp đầy năng lượng và sức khỏe, bạn sẽ linh hoạt xoay chuyển để tiến lên thịnh vượng trong năm mới, dù có bao nhiêu “khúc quanh” phía trước.
David Pickus
Nguồn tin: https://vnexpress.net/xoay-chuyen-va-uon-luon-4844639.html