Chín năm trước tôi có viết bài trên Góc nhìn về thị thực điện tử và hộ chiếu điện tử ở Việt Nam. Đến nay cả hai đã được đưa vào sử dụng cùng nhiều công nghệ như cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động.
Những thay đổi này góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng hoạt động xuất nhập cảnh và trải nghiệm của du khách đến Việt Nam. Tuy nhiên mới đây tôi nhận thấy một vấn đề còn tồn tại, tuy nhỏ nhưng rất cần sự thay đổi.
Do yêu cầu công việc, tôi phải học thêm bộ môn mới là “Quản lý và điều hành sân bay”. Thầy giáo của tôi trước khi về hưu là giám đốc điều hành một sân bay lớn ở Australia, từng tư vấn và thiết kế hệ thống thông tin, quản lý an toàn ở các sân bay trên khắp thế giới. Thấy tôi là người Việt, trong giờ giải lao, ông chia sẻ một trải nghiệm cá nhân.
Vợ chồng thầy đi du lịch nước Anh và đặt chuyến bay khứ hồi từ Australia quá cảnh Việt Nam với một hãng hàng không Việt Nam. Chuyến chiều đi hạng phổ thông đặc biệt bay Sydney (SYD) – Hà Nội (HAN) – London (LHR), quá cảnh 3 tiếng 35 phút. Thầy nhận xét: tàu bay mới, rộng, đồ ăn ngon, giá vé hợp lý, chuyến bay mượt mà không có gì để phàn nàn. Sau hai tuần thăm thú nước Anh, chiều về “khó nhọc” của hai cụ già bắt đầu từ quầy check-in ở London. Thầy tôi ngã ngửa khi nhân viên thông báo là hai bác không được xuất vé để lên máy bay. Vì vé chiều về là London (LHR) – Hà Nội (HAN) – TP HCM (SGN) – Melbourne (MEL), có một chặng nội địa Việt Nam phải có thị thực nhập cảnh Việt Nam để bay. Đại lý bán vé không dặn dò gì thầy tôi, thầy cũng chủ quan sau bao nhiêu năm đi lại với hộ chiếu Australia – được miễn visa nhập cảnh 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thầy không ngờ địa điểm mình cần đi qua lại nằm trong thiểu số đếm trên đầu ngón tay kia. Chuyện không hiếm gặp, những hành khách quá cảnh Việt Nam gặp phải lỗi này đã kêu than trên các diễn đàn cả chục năm nay.
Về lý, lỗi này không phải của hãng hàng không, bởi hành khách phải có trách nhiệm kiểm tra yêu cầu giấy tờ và thị thực của điểm đến. Điều ngoắt ngoéo ở đây là vé có thêm một hành trình nội địa khác với chiều đi, khiến khách dễ mắc sơ suất. Thầy tôi lúc đó có hội thảo rất quan trọng phải về để kịp dự. Không đầu hàng số phận, thầy lấy máy tính ra tra cứu và nộp thị thực điện tử trực tuyến (e-visa) nhưng được thông báo trên trang web là thị thực cần… ba ngày để xét duyệt. Thế là hai cụ lủi thủi xách hành lý quay lại, mất thêm tiền khách sạn mà lòng vẫn lo nơm nớp.
Cuối cùng, đại lý vé xoay xở thế nào mà đặt được hai vé ngày hôm sau: London (LHR) – TP HCM (SGN) – Melbourne (MEL), như thế thì chỉ cần quá cảnh trong khu vực quốc tế của sân bay, không cần thị thực. Vấn đề tiếp theo nằm ở chỗ: thời gian quá cảnh là 15 giờ 10 phút. Thầy nói: đúng là trải nghiệm quá cảnh nhọc nhằn nhất trong cuộc đời đi máy bay, 15 tiếng đồng hồ vật vờ trong một khu cách ly của sân bay nhỏ, người ngồi chật kín, nóng, lác đác vài hàng ăn vừa đắt vừa nghèo nàn. Thầy có thẻ bạch kim của một liên minh hàng không lớn nhưng cũng không vào được phòng chờ thương gia. Nhân viên cũng thiếu chu đáo, không chỉ cho hai cụ sang phòng chờ khác có thể trả tiền để vào nghỉ. “Vậy là đi loanh quanh nhìn cả trăm tủ kính bán những đồ lưu niệm y hệt nhau cho hết ngày chứ biết làm gì”.
Vấn đề ở đây là chính sách. Không thể đổ mọi lỗi cho hành khách nếu chúng ta thực sự muốn thu hút khách du lịch, khách quá cảnh, muốn trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không trong khu vực và thế giới. Sân bay Long Thành có xây xong, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có xây xong cũng không thể giải quyết cho khách nhập cảnh bay chuyến nội địa vào thành phố ngủ khách sạn một giấc cho lại sức, ăn tô bún bò cho biết hương vị Việt Nam khi thời gian quá cảnh quá dài.
Không bàn đến những nước có chính sách thị thực thông thoáng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, vì những nước này họ làm lâu rồi, ta cùng nhìn sang hàng xóm. Trung Quốc đại lục là nước có chính sách thị thực ngặt nghèo nhất, thuộc diện bắt cả thế giới phải xin visa, nhưng khi khách quá cảnh qua cảng hàng không của họ đi nước thứ ba, họ có chính sách cho khách nước ngoài nhập cảnh 24 giờ hoặc 240 giờ để vào thành phố nghỉ ngơi hoặc làm cả một chuyến tham quan. Bản thân tôi đã trải nghiệm, thời gian quá cảnh ở Quảng Châu chiều đi là 15 tiếng, chiều về là 8 tiếng, hãng hàng không của Trung Quốc có hẳn xe đưa đón hành khách về khách sạn nhận phòng miễn phí, sáng ra ăn sáng rồi lại có xe đưa ra sân bay, với giá vé máy bay còn rẻ hơn hãng Việt Nam.
Một nước khác là Hàn Quốc, có chính sách visa rất chặt chẽ với công dân Việt Nam, nhưng chỉ cần có visa các nước Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, châu Âu mà quá cảnh qua Hàn Quốc thì sẽ được nhập cảnh 30 ngày. Tôi cũng đã đi du lịch Hàn Quốc trên đường về Việt Nam như thế, còn nếu phải nộp visa Hàn Quốc riêng, tôi chẳng bay qua Hàn Quốc làm gì.
Một thay đổi nhỏ như việc cấp thị thực nhập cảnh 24 giờ tại cửa khẩu cho khách quá cảnh mang lại rất nhiều lợi ích. Hành khách có việc khẩn cấp, nhất là dịp lễ Tết hay do sơ suất không có thị thực (dù là điện tử) vẫn có thể yên tâm bay quá cảnh Việt Nam. Khách bay hãng A đến Việt Nam, có thể nhập cảnh chỉ để lấy hành lý và bay tiếp với hãng B ra khỏi Việt Nam. Điều này mở ra thêm vô vàn cơ hội cho khách tiếp cận các đường bay quốc nội và quốc tế. Tất cả sân bay quốc tế ở Việt Nam đều có thể trở thành điểm trung chuyển cho khách quốc tế. Nói rộng hơn, khách đi tàu biển như du thuyền cỡ lớn hạng sang cũng có thể dễ dàng nhập cảnh ở cảng biển để đi du lịch trong ngày, điều thường xuyên diễn ra khi các du thuyền lớn thường chỉ dừng chân ở cảng một ngày. Nếu khách chẳng may không có thị thực sẵn thì chúng ta đã lỡ mất một lượng khách rất lớn đi tour ngày.
Việc này không khó và cần làm ngay, để phục vụ và khai thác tốt hơn những khách hàng tiềm năng cho du lịch.
Đặng Thái Hoàng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/visa-qua-canh-ngat-ngheo-4831587.html