Nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD vừa gây chấn động thế giới khi công bố đã phát triển hệ thống sạc nhanh thế hệ mới cho phép một chiếc xe đi được hơn 400 km chỉ sau 5 phút sạc điện.
Năm 2024 doanh thu của BYD cũng đạt 107 tỷ USD, vượt Tesla 10 tỷ USD và trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới.
Năm 1995, trong một xưởng sản xuất pin nhỏ bé tại Thâm Quyến, Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu) – một kỹ sư trẻ vừa rời viện nghiên cứu – đứng trước nguy cơ phá sản khi sản phẩm pin của BYD không thể cạnh tranh với hàng Nhật.
Nhưng doanh nghiệp non trẻ này cuối cùng đã sống và vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng được môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách quản lý đặc biệt của chính quyền Thâm Quyến – cởi mở trong kiểm soát, linh hoạt trong áp dụng, và bao dung với sai sót ban đầu. Họ cho BYD thuê đất công nghiệp với giá 0 đồng trong 5 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, và quan trọng nhất – cho phép thử nghiệm sản xuất ôtô điện dù chưa đủ điều kiện pháp lý đầy đủ. BYD từng công bố báo cáo cho thấy họ nhận được tổng cộng 2,6 tỷ USD hỗ trợ của chính phủ từ 2008 đến 2022, chưa tính tới các chính sách khác, như đảm bảo rằng các công ty taxi ở quê hương BYD chỉ mua ôtô điện BYD, theo NYTimes.
Khi lý giải thành công thần kỳ của BYD, một bài phân tích trên Indian Express, nêu ra bốn lý do, nhấn mạnh vào sự hỗ trợ của chính quyền, bên cạnh các bối cảnh khách quan và nội lực mạnh mẽ của doanh nghiệp. Tờ báo dẫn một số liệu khác với công bố của BYD, do Rhodium Group – một tổ chức nghiên cứu độc lập – ước tính, BYD đã nhận khoảng 4,3 tỷ USD hỗ trợ từ nhà nước trong giai đoạn 2015-2020. Gregor Sebastian, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rhodium, nói: “Công ty đã được hưởng các khoản tài trợ vốn và vay nợ thấp hơn thị trường, cho phép họ mở rộng sản xuất và hoạt động nghiên cứu – phát triển”.
Câu chuyện của BYD chỉ là một trong hàng loạt ví dụ sống động về thành công của mô hình Thâm Quyến. Huawei – từ một công ty lắp ráp điện thoại nhỏ – đã được chính quyền thành phố tạo điều kiện thuê đất giá rẻ ở Longgang để xây dựng trung tâm R&D khi mới thành lập. Tencent năm 1998 được phép triển khai dịch vụ nhắn tin QQ dù chưa có khung pháp lý rõ ràng về Internet. DJI – startup drone non trẻ – nhận được khoản đầu tư mạo hiểm từ quỹ do thành phố bảo trợ khi chưa có sản phẩm thương mại nào.
Tất cả thành công này đều nhờ triết lý, mà tôi tạm gọi là “ba không” của Thâm Quyến: không vội vàng cấm đoán cái mới, không cứng nhắc áp dụng quy định, không trừng phạt nặng với sai lầm ban đầu.
Thực tế cho thấy sự bao dung có chừng mực này đã mang lại kết quả vượt xa mong đợi. BYD sau 20 năm đã vượt mặt Tesla để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới. Huawei từ chỗ lắp ráp điện thoại giá rẻ giờ đã là gã khổng lồ viễn thông toàn cầu với hơn 100.000 bằng sáng chế. Tencent từ dịch vụ nhắn tin đơn giản đã phát triển thành tập đoàn công nghệ trị giá hơn 500 tỷ USD xếp ngang hàng với Facebook và X. Tất cả đều được Thâm Quyến tạo điều kiện vượt qua những rào cản pháp lý ban đầu.
Câu chuyện BYD, Huawei, Tencent ở Thâm Quyến đã chứng minh: chính sách “cởi mở – linh hoạt – khoan dung” không phải là buông lỏng quản lý, mà là cách tiếp cận thông minh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bài học từ những thành công này rất rõ ràng: muốn có doanh nghiệp đẳng cấp toàn cầu, trước hết cần xây dựng môi trường pháp lý đủ “cởi mở” để khuyến khích đổi mới, đủ “linh hoạt” để thích ứng với công nghệ mới, và đủ “bao dung” để chấp nhận những thất bại ban đầu.
Thẩm Quyến đã làm được điều này bằng cách cho phép doanh nghiệp hoạt động trong “vùng xám” pháp lý có kiểm soát, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính và hạ tầng thiết yếu.
Việt Nam năm 2025 đang đứng trước bài toán tương tự: làm sao để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng? Câu trả lời có lẽ nên tham khảo cách “bao dung thông minh, có chừng mực” như Thâm Quyến.
Hiện nay, một start-up công nghệ tại TP HCM có thể phải mất ít nhất 7 ngày để hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp, trong khi con số này ở Thâm Quyến chỉ tính bằng giờ kể từ năm 2018.
Điều khác biệt ở Thâm Quyến là xây dựng hệ thống “đệm” giữa nhà nước và doanh nghiệp. Thay vì yêu cầu các công ty non trẻ phải tuân thủ mọi quy định ngay lập tức, họ tạo ra các “vùng thử nghiệm” có giới hạn thời gian. Một fintech có thể hoạt động trong 24 tháng mà không cần giấy phép đầy đủ, nhưng phải cam kết minh bạch dữ liệu và chịu giám sát định kỳ. Chính quyền không can thiệp vào quyết định kinh doanh, nhưng sẵn sàng “cứu” doanh nghiệp bằng các gói hỗ trợ tài chính linh hoạt khi cần.
Một khía cạnh khác có thể tham khảo là cách Thâm Quyến xử lý sai phạm. Trong khi nhiều nơi phạt nặng ngay từ lỗi nhỏ nhất, thành phố này áp dụng nguyên tắc “cảnh báo trước, xử phạt sau”.
Năm 2005, Tencent từng bị phát hiện có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên QQ. Thay vì đóng cửa dịch vụ, cơ quan quản lý yêu cầu họ nhanh chóng khắc phục và công khai xin lỗi người dùng. Cách tiếp cận này giúp doanh nghiệp có cơ hội sửa chữa mà không bị “chết đứng” vì án phạt.
Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng mô hình tương tự bằng cách xây dựng các “đặc khu pháp lý mềm” tại những nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh như TP HCM, Đà Nẵng hay Bắc Ninh. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ ngay mọi quy định, có thể cho phép họ hoạt động trong khung pháp lý linh hoạt trong 2-3 năm đầu.
Nhà nước đóng vai trò như người “đỡ đầu”, cung cấp vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm công-tư, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát rủi ro thời gian thực thay vì kiểm tra định kỳ cứng nhắc.
Nhưng có lẽ thay đổi quan trọng nhất phải đến từ tư duy quản lý. Khi một doanh nghiệp vi phạm, thay vì lập tức rút giấy phép, hãy cân nhắc: “Lỗi này có thể khắc phục được không?”. Khi một startup xin phép kinh doanh mô hình mới, thay vì nói “chưa có quy định”, hãy đề xuất: “Làm thử trong phạm vi nhỏ trước”.
Thâm Quyến đã chứng minh rằng, đôi khi sự bao dung có kiểm soát lại là chất xúc tác mạnh nhất cho đổi mới sáng tạo.
Năm 2025, khi kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn, Việt Nam cần những doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ để tạo đà phát triển. Câu chuyện Thâm Quyến nhắc nhở rằng, muốn có những “kỳ lân” công nghệ, trước hết phải dám tháo bỏ những sợi dây trói buộc vô hình.
Đôi khi điều mà doanh nghiệp cần nhất không phải là sự kiểm soát chặt chẽ, hay bao bọc quá mức mà là một không gian đủ rộng để được thử nghiệm và được thất bại.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/triet-ly-ba-khong-cua-tham-quyen-4870909.html