Chung cư nơi tôi ở có khoảng sảnh rộng hướng về phía khu vườn nằm ven bờ sông Sài Gòn, khá quang đãng và thoáng mát.
Những buổi chiều thời tiết đẹp, đó là nơi tụ tập khá đông các cụ bà xuống hóng mát, vừa trò chuyện rôm rả vừa trông các em bé đang chơi đùa. Phần lớn là bà nội hoặc bà ngoại đang ở cùng con để chăm sóc cháu.
Bà Sáu, 65 tuổi, quê miền Trung, vào ở cùng con gái lớn đã được hơn ba năm, từ khi cô chuẩn bị sinh con đầu lòng. Công việc hàng ngày của bà là chăm sóc cho con gái sau khi sinh nở, nấu ăn, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa. Khi con hết thời kỳ nghỉ thai sản, bà vẫn ở lại. Việc chính của bà lúc này là trông cháu ngoại để con gái trở lại với công việc. Thương cháu, lo cho con, bà chấp nhận từ bỏ cuộc sống hưu trí nhàn nhã ở quê để tiếp tục “trông trẻ” ở thành phố.
“Tôi nghĩ đó là trách nhiệm với con, với cháu. Tôi có lương hưu nên cũng không đòi hỏi con trả công gì cả”, bà Sáu bảo vậy. “Mình có tuổi, không còn làm việc cho nhà nước, cho xã hội nữa thì về giúp đỡ con cháu, cũng là niềm vui lúc tuổi già”, bà nói thêm.
Với tính nhân hậu truyền thống và thói quen cả đời lo cho con cho cháu, có lẽ phần lớn cụ ông, cụ bà Việt Nam ngày nay đều có suy nghĩ chung như thế.
Nhưng, nhìn nhận một cách thực tế và khách quan trên cơ sở bình đẳng giữa các mối quan hệ lao động trong xã hội, ông bà có cần phải chấp nhận sự hy sinh như thế? Một khoản thù lao được trả, dù trực tiếp từ sự tự nguyện của con cái hay từ một phương thức nào khác, như nguồn quỹ phúc lợi xã hội, là điều đáng được cân nhắc.
Tôi nghĩ về vấn đề đó vài tuần trước, khi đọc trên báo thông tin Thụy Điển vừa thông qua dự luật về trợ cấp nuôi con. Một điều khoản rất mới bao gồm trong dự luật này: ông bà được nghỉ phép và hưởng lương khi làm công việc chăm sóc cháu. Theo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, cha mẹ có thể chuyển một phần trợ cấp nghỉ phép nuôi con của mình sang cho ông bà của đứa trẻ. Với bộ luật chưa từng có như vậy ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đất nước vốn được xem là một trong những quốc gia hạnh phúc ở Bắc Âu này mở đường cho một xu hướng mới trong việc xây dựng và phát triển chính sách an sinh xã hội ngày càng tốt hơn cho những người già còn sức lao động.
Nhìn rộng hơn, ước muốn được làm việc của người già còn sức khỏe và năng lực không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình (trông nhà chăm cháu) mà còn ở các lĩnh vực khác trong xã hội.
Hơn 20 năm trước, khi lần đầu đến Singapore, tôi nhận thấy hành khách khuyết tật tại Sân bay Quốc tế Changi được phục vụ bởi một người đàn ông cao tuổi. Tôi thật sự rất ngần ngại khi phải để một cụ già ở độ tuổi gần 70 đẩy xe lăn cho mình trong khuôn viên quá rộng lớn của một sân bay hiện đại. Tôi đề nghị được tự lăn xe và ông chỉ cần hướng dẫn hướng đi cho tôi, nhưng ông dứt khoát từ chối. Ông giải thích rằng ông được trả lương nên phải thực hiện đúng công việc của mình. Nếu làm theo đề nghị của tôi, ông chắc chắn bị khiển trách vì vi phạm nội quy lao động. Còn được làm việc khi về già thật sự là một niềm vui, ông bảo vậy.
Tại các khách sạn hay công sở khác ở Đảo quốc Sư tử, tôi cũng nhận ra rằng các công việc thường nhật như lao công, dọn dẹp vệ sinh luôn được ưu tiên dành cho người già.
Một khía cạnh có ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách an sinh xã hội cho Việt Nam và một số quốc gia khác, đặc biệt tại châu Á, là tốc độ già hóa dân số đang diễn ra quá nhanh. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… có tỷ lệ người già khá cao, từ 15% đến 30% trong trong cấu trúc dân số hiện tại và tương lai gần. Nguồn quỹ hưu trí của các quốc gia này không tránh khỏi nguy cơ đối mặt với sự thiếu hụt trong bối cảnh tỷ lệ người đến tuổi hưu gia tăng nhanh như thế. Do vậy việc tạo ra chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động ở người có tuổi còn sức khỏe, năng lực và khát vọng tiếp tục làm việc là một giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ, tránh được những rủi ro bất ổn định của quỹ hưu trí quốc gia.
Ai rồi cũng bước vào giai đoạn của tuổi già. Được nghỉ ngơi an nhàn có khi là niềm vui của người này nhưng không phải là sự mong đợi của người khác. Theo luật và các chính sách hiện hành, người lao động ở Việt Nam đến hết độ tuổi lao động sẽ được nghỉ hưu. Thế nhưng rất nhiều trong số họ vẫn có sức khỏe tốt, còn năng lượng để làm việc và khát khao được tiếp tục cống hiến.
Tiếp tục làm việc không đơn thuần chỉ là để có thêm thu nhập mà là còn là động lực để người cao tuổi duy trì sống khỏe, sống vui, sống có ích; đồng thời giúp xã hội giảm được gánh nặng an sinh.
Hà Đức Trí
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tra-luong-cho-nguoi-gia-4772632.html