Đã nhiều năm, Cần Giờ là điểm xa nhất mà TP HCM có thể vươn tới biển.
Ở phía bên Bà Rịa – Vũng Tàu, một dải công nghiệp, cảng và chuỗi hạ tầng ngành dầu khí đã hình thành nhưng vẫn là những cụm đơn lẻ. Sau khi sáp nhập tỉnh, ranh giới TP HCM có thể ôm trọn vùng vịnh Gành Rái phía Đông Nam Cần Giờ, mở cánh cửa ra biển lớn đã lỡ hẹn hơn một thế kỷ.
Đã đến lúc thành phố cần một tầm nhìn biển xứng tầm với khát vọng siêu đô thị quốc tế.
Từ cảng sông Sài Gòn đến Cát Lái bên sông Soài Rạp và cảng trung chuyển Cần Giờ, nỗ lực vươn ra biển của TP HCM phần nào gợi nhớ đến hành trình của Thượng Hải. Từ những bến cảng nhỏ dọc sông Hoàng Phố, Thượng Hải đột phá với siêu cảng Dương Sơn – nằm giữa vịnh Hàng Châu, cách đất liền hơn 30 km – trở thành cảng container lớn nhất thế giới, công suất hơn 43 triệu TEUs mỗi năm (gấp 5 lần cảng Cát Lái).
Giờ đây, khi TP HCM được hợp nhất với Bà Rịa – Vũng Tàu, lần đầu tiên một vùng vịnh liên hoàn – tương đương vịnh Hàng Châu của Thượng Hải, vịnh Châu Giang của Quảng Đông, vịnh Tokyo hay vịnh San Francisco – có thể nằm gọn trong một tầm nhìn chiến lược thống nhất.
Từ hơn một thế kỷ trước, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã kỳ vọng biến Sài Gòn thành một thương cảng lớn, cạnh tranh với Singapore và Hong Kong. Ông đã lên kế hoạch làm đường sắt xuyên Đông Dương từ Sài Gòn đi Bangkok và Côn Minh, mở rộng mạng lưới hậu cần để Sài Gòn trở thành cửa ngõ logistics của cả vùng Đông Nam Á. Điều ông thiếu là một quyết tâm và sự thống nhất hành chính để đưa cảng ra sát biển, cắt giảm gần 70 km luồng lạch từ cửa biển Vũng Tàu tới bến Bạch Đằng.
Giấc mơ lớn đó, giờ đây, có thể thành hiện thực.
Trong ba thập kỷ qua, TP HCM đã không ngừng tìm đường “tiến ra biển”: từ Khu chế xuất Tân Thuận đến đô thị Nam Sài Gòn, khu cảng Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhen nhóm ý tưởng. Nhưng mọi bước tiến hoặc nhanh chóng lỗi thời trước tốc độ phát triển của kinh tế biển, hoặc bị níu chân bởi những nút thắt hạ tầng và ranh giới hành chính. Tư duy về một đi bước đột phá nhen nhóm trở lại với đề xuất từ các nhà đầu tư tư nhân cho dự án cảng trung chuyển Cần Giờ. Nhưng cách tiếp cận trong dự án vẫn thiếu một tầm nhìn vùng dù siêu cảng này dễ dàng kết nối với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ qua đường cảng Phước An bên Nhơn Trạch (Đồng Nai) và vành đai 4 bên Phú Mỹ (BRVT) hơn là với phần còn lại của TP HCM.
Với cảng trung chuyển và khu đô thị lấn biển Cần Giờ, TP HCM bắt đầu tăng tốc bờ Tây của vịnh Gành Rái nhưng vùng vịnh đầy tiềm năng này vẫn chưa có được một tầm nhìn lớn và thống nhất. Với việc hợp nhất địa giới hành chính, TP HCM sẽ không còn “nhìn biển từ một phía”, mà có thể bao trùm cả vùng vịnh Gành Rái – nơi quy tụ cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, khu công nghiệp nặng Phú Mỹ, lọc dầu Long Sơn, khu dịch vụ dầu khí Vũng Tàu, nuôi trồng thủy sản Gò Găng và vùng sinh quyển Cần Giờ.
Nếu được quy hoạch thống nhất, tam giác Cần Giờ – Phú Mỹ – Vũng Tàu hoàn toàn có thể phát triển thành chuỗi liên kết đô thị cảng – công nghiệp – công nghệ – sinh thái, tương tự vùng vịnh Tokyo, vịnh San Francisco, hay vùng vịnh lớn tại miền Nam Trung Quốc bao trùm Hong Kong, Thâm Quyến, Macao và Quảng Châu.
Chỉ trong chưa đầy hai thập kỷ, cảng Dương Sơn của Thượng Hải đã trở thành cảng container lớn nhất thế giới, gấp đôi toàn bộ sản lượng cảng biển Việt Nam. Tầm nhìn biển táo bạo và cơ chế điều phối hiệu quả đã tạo nên bước nhảy vọt đó. TP HCM hoàn toàn có thể học hỏi để phát triển siêu cảng đảo, thay vì dành nguồn lực cải tạo những cảng nội địa đơn lẻ đang bị giới hạn bởi luồng lạch và địa giới.
Lâu nay, Cần Giờ được xem là lá phổi xanh – nhưng với dân số tương lai hơn 300.000 người, nơi đây cần một vai trò lớn hơn: trở thành đô thị biển sinh thái có động lực kinh tế và kết nối vùng.
Song song đó, bảo tồn rừng ngập mặn – vùng sinh quyển được UNESCO công nhận – là nhu cầu chính đáng, không thể hy sinh. Thách thức không phải là chọn bên nào, mà là xây dựng mô hình phát triển đáp ứng cả hai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phát triển ven biển không thể là bê-tông hóa. Thế giới đang chuyển sang kết hợp hạ tầng cứng và sinh thái – dùng rừng ngập mặn, đụn cát, bãi triều để tăng khả năng chống chịu. Cần Giờ có thể dẫn đầu mô hình này.
Giải pháp gồm: thiết kế cầu cảng thông thoáng, thi công hạn chế đục nước, giám sát tự động, cảng trung hòa carbon, và trồng bù rừng trước – phá sau có giám sát độc lập. Có thể học từ Singapore, Hà Lan, Mỹ về công nghệ sinh thái và phục hồi tự nhiên.
Và chính nơi đây – giữa vùng vịnh rộng lớn – có thể thử nghiệm những mô hình táo bạo hơn: đô thị nổi, tự chủ năng lượng, thích nghi mềm dẻo với biến đổi khí hậu.
Nhưng tất cả chỉ có giá trị khi đi kèm sự thực thi nghiêm túc và có trách nhiệm. Nếu làm đúng, Cần Giờ có thể trở thành hình mẫu cho phát triển sinh thái ven biển thế kỷ 21.
Sáp nhập tỉnh không nên chỉ là điều chỉnh ranh giới. Đây là cơ hội để TP HCM tư duy lại quy hoạch một thành phố vùng, nhìn biển bằng tầm nhìn dài hạn, hành động với quyền thực thi mạnh mẽ, và định hình lại vị thế hàng hải quốc gia.
Cần Giờ không còn là nơi kết thúc của thành phố. Đó phải là nơi bắt đầu của một tầm nhìn biển lớn – bền vững, toàn diện và dẫn dắt tương lai.
Nguyễn Đỗ Dũng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tp-hcm-mo-tam-nhin-huong-bien-4878817.html