Trước khi chuyển nhà, tôi nộp đơn trực tuyến xin chuyển trường cho các con đến Hội đồng hạt Oxfordshire, chọn ba trường có chỗ trống gần nhà mới. Tôi nhận được kết quả sau vài ngày.
Trước đó, tôi truy cập cổng dữ liệu quốc gia để tham khảo thông tin về tỷ lệ giáo viên/học sinh, số học sinh mỗi lớp, và đánh giá từ phụ huynh, giúp tôi đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Tôi ấn tượng với hệ thống giáo dục tại Anh, nơi quy trình chuyển trường minh bạch, số hóa toàn diện, giúp loại bỏ giấy tờ và giảm trung gian.
Đặc điểm này không chỉ xảy ra trong giáo dục mà còn tại hầu hết dịch vụ công tại Anh. Tôi còn nhớ, cách đây 15 năm, khi gia đình tôi chuyển nhà, thư nhắc tiêm ngừa cho các con vẫn được gửi đến địa chỉ mới, đúng thời hạn. Suốt thời gian làm việc tại đây, tôi không phải gặp nhân viên công quyền, ngoài các lần xin visa. Chuyển đổi số toàn diện, quản lý dữ liệu hiệu quả, và chia sẻ quyền truy cập dữ liệu giữa các dịch vụ công là những yếu tố then chốt.
Chuyển đổi số tại Anh được triển khai hơn 20 năm trước, tăng tốc sau khủng hoảng 2008. Số hóa giúp cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy, và cải thiện chất lượng sống nhờ sự nhanh chóng, hiệu quả, và tiện lợi.
Hệ thống giáo dục tại Anh loại bỏ trung gian, hoàn thiện quy trình từ đầu đến cuối, vận hành hoàn toàn trên dữ liệu số, từ tuyển sinh, phân bổ ngân sách đến đánh giá chất lượng. Đặc biệt, không có sở hoặc phòng giáo dục, giúp giảm chi phí quản lý và tối ưu hóa nguồn lực.
Việc học tập của các con tôi miễn phí từ lớp vỡ lòng (Reception, lúc 4 tuổi) cho đến khi vào đại học. Ngân sách được phân bổ dựa trên số lượng học sinh theo nguyên tắc “tiền đi theo học sinh”, khuyến khích các trường học tập trung cải thiện chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh.
Khác với cách tiếp cận “trăm hoa đua nở” như ở Việt Nam, giáo dục tại Anh sử dụng SIMS (School Information Management System) để quản lý toàn diện thông tin học sinh, từ kết quả kỳ thi, vắng lớp, đến nhập học, tài liệu giảng dạy, kỷ luật, các hỗ trợ giáo dục đặc biệt mà học sinh cần, và tương tác phụ huynh. Nói chung mọi thông tin học sinh được tích hợp an toàn trong một hệ thống.
Dữ liệu được các trường được định kỳ báo cáo lên Bộ Giáo dục (DfE) một cách trực tiếp, thông qua cổng thông tin trực tuyến tập trung, một cách bảo mật và chuẩn hóa. Mỗi học sinh có một mã định danh duy nhất, giúp Bộ Giáo dục lưu trữ thông tin trong Cơ sở Dữ liệu Học sinh Quốc gia (National Pupil Database – NPD). Các nền tảng SIMS không kết nối trực tiếp với NPD. Chỉ những dữ liệu được phê duyệt qua các kênh chính thức mới được đưa vào hệ thống.
Các trường tại Anh có tính tự chủ cao trong việc chọn hệ thống quản lý thông tin. Bộ Giáo dục không can thiệp, tạo điều kiện để các trường lựa chọn nền tảng SIMS phù hợp với nhu cầu và ngân sách từ thị trường cạnh tranh.
Tại Anh Quốc, số hóa còn được áp dụng sâu rộng trong giảng dạy, thông qua các ứng dụng, giúp nâng cao chất lượng dạy và học, tăng hiệu quả chi phí, và giảm tải giáo viên. Việc số hóa đã loại bỏ việc sử dụng giấy, từ sổ liên lạc đến tài liệu giảng dạy, tạo ra môi trường “không giấy” (paperless), giúp tiết kiệm chi phí in ấn và bảo vệ môi trường.
Mỗi lớp học tại các trường công lập có 25-30 học sinh. Tỷ lệ trung bình giáo viên/học sinh là 1:18, cho phép giáo viên dành nhiều thời gian hơn cho từng học sinh, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Chất lượng giáo dục được đo lường thông qua nhiều tiêu chí, không chỉ giới hạn ở điểm số các kỳ thi quốc gia nghiêm túc như GCSE (tương đương tốt nghiệp phổ thông, hệ 11 năm), và A level (Advanced level, chương trình bậc cao, điểm số sử dụng để xin vào đại học). Hệ thống giáo dục tại Anh đặc biệt chú trọng phát triển kỹ năng thực tế, tư duy mềm, khả năng giải quyết vấn đề, và tư duy độc lập cho học sinh. Các trường thường xuyên được đánh giá bởi Ofsted, một tổ chức độc lập. Báo cáo đánh giá được công khai, đảm bảo tính minh bạch và giúp phụ huynh dễ dàng tham khảo.
Bên cạnh đó, mỗi trường học đều có một hội đồng trường (Board of Trustees và School Governors), bao gồm phụ huynh, cộng đồng địa phương, và các chuyên gia độc lập.
Các hội đồng này đóng vai trò giám sát hoạt động của nhà trường, từ quản lý ngân sách, tài nguyên, tham gia tuyển dụng hiệu trưởng, đến đảm bảo các quyết định đều hướng tới lợi ích của học sinh. Đây là cơ chế quan trọng, giúp nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và chính quyền địa phương và phụ huynh.
Trong giai đoạn cải tổ bộ máy hiện nay, Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản lý trên. Cách tiếp cận này không chỉ áp dụng cho ngành giáo dục và còn có thể áp dụng cho các bộ ngành khác để hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính.
Mô hình quản trị tối ưu, chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy khoa học, thông tin minh bạch, cùng cơ chế kiểm tra và giám sát chất lượng là những trụ cột của một nền giáo dục hiện đại. Nếu kiên trì áp dụng các yếu tố này, Việt Nam sẽ đạt thêm nhiều thành tựu trong sự nghiệp trăm năm trồng người, một cách hiệu quả và bền vững.
Bùi Mẫn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tinh-gian-giay-to-don-xin-4832462.html