Năm 2022, một trận động đất nhỏ xảy ra tại San Jose khi tôi đang ngồi học bài trong ký túc xá.
Các thanh lá sách rèm cửa rung lắc nhè nhẹ như có ai đang lắc từ xa. Tôi chưa kịp nhận ra động đất thì điện thoại đã rung lên bần bật: AlertSU – hệ thống cảnh báo khẩn của trường – ập đến qua đủ đường: tin nhắn rồi email.
Lúc ấy tôi mới nhận ra: xung quanh khuôn viên Đại học Stanford, các Điểm tập kết sơ tán (Evacuation Assembly Point – EAP) đã được bố trí từ lâu. Những khu vực này được bố trí tại các bãi đất trống rộng rãi, đóng vai trò như một hướng dẫn trực quan: “Hãy di chuyển đến đây khi thiên tai xảy ra”.
Trong khuôn viên trường, điểm EAP được đánh dấu bằng các trụ màu xám với hình tam giác màu xanh. Ngoài ra, các tháp khẩn cấp màu xanh có chữ “Emergency” chứa hệ thống loa thông báo, đèn tín hiệu và có thể bao gồm thiết bị cứu hộ, giúp cảnh báo và hỗ trợ người sơ tán trong tình huống khẩn cấp. Những tháp này cũng có thể được chỉ định làm điểm EAP. EAP được xác định bằng các khu vực ngoài trời rõ ràng, dễ nhận biết, với thông tin chi tiết có thể tra cứu trên trang web của trường.
EAP đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý khủng hoảng, giúp tập hợp người dân tại các địa điểm an toàn, thuận tiện cho việc kiểm đếm và sơ tán. Một EAP hiệu quả cần đảm bảo vị trí dễ tiếp cận, không gian rộng rãi, tránh xa các công trình nguy hiểm, có hệ thống biển báo dễ nhận diện từ xa, kết nối với các lối thoát hiểm, và quy trình hướng dẫn rõ ràng để người dân biết cách hành động khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Stanford không phải tự dưng cẩn trọng như vậy. Khu vực Vịnh San Francisco, bao gồm cả Palo Alto nơi tọa lạc Đại học Stanford, nằm trên các đứt gãy địa chất lớn như San Andreas và Hayward, khiến nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng từ các trận động đất. Ngược dòng lịch sử, năm 1906, trận địa chấn kinh hoàng đã xé toang nhiều tòa nhà cổ kính của trường. Năm 1989, dư chấn Loma Prieta (6.9 độ Richter) lại khiến giảng đường rạn nứt, không đổ sập nhưng đủ để các nhà quản lý thấm thía: “Xây trường to và đẹp chưa đủ, phải xây cả văn hóa ứng cứu”.
Bản đồ vị trí các điểm EAP trong khuôn viên trường, được chỉ định bằng một cột màu xám với hình tam giác màu xanh. Các tháp khẩn cấp màu xanh (chứa hệ thống loa thông báo, đèn tín hiệu và có thể bao gồm thiết bị cứu hộ) cũng được chỉ định là EAP. Nguồn: ĐH Stanford
Một trong số hướng dẫn chúng tôi nhận được là, các tình huống khẩn cấp luôn có thể xảy ra bất ngờ, đòi hỏi sự chuẩn bị chủ động. Trong mọi kịch bản, hai phương án cốt lõi cần ghi nhớ gồm: Di tản khi việc ở lại trong tòa nhà nguy hiểm hơn ra ngoài (động đất, cháy nổ, rò rỉ hóa chất) và trú ẩn tại chỗ khi môi trường bên ngoài đe dọa trực tiếp (ô nhiễm không khí, sự cố hóa chất, mối nguy từ con người).
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ là trách nhiệm với bản thân mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro cho cả cộng đồng, giúp hành động bình tĩnh, dứt khoát khi tình huống thực tế xảy ra. Khi có lệnh di tản tòa nhà, hãy hành động ngay lập tức: nghe thấy chuông báo khẩn cấp hoặc chỉ đạo từ cơ quan chức năng, hãy rời khỏi tòa nhà ngay. Trên đường đi, cảnh báo mọi người xung quanh cùng sơ tán, chủ động đóng cửa phía sau (không khóa) để hạn chế khói lửa hoặc chất độc hại lan tỏa. Ngoài ra, chúng ta cần hỗ trợ người khuyết tật hoặc người gặp khó khăn khi thoát hiểm.
Di chuyển bình tĩnh nhưng nhanh chóng đến lối thoát hiểm gần nhất, chỉ sử dụng cầu thang bộ và tuyệt đối không dùng thang máy. Sau đó, mọi người cần tập trung tại các EAP đã được quy định. Ngoài ra, cần thông báo cho lực lượng cứu hộ về vị trí của nạn nhân mắc kẹt, người bị thương hoặc các mối nguy hiểm còn tồn tại trong tòa nhà. Không tự ý quay lại dưới bất kỳ hình thức nào cho đến khi nhận được thông báo an toàn từ cơ quan có thẩm quyền.
Trong trận động đất ngày 28/3, Myanmar và Thái Lan là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, với khoảng gần 60 người đã thiệt mạng, theo thông tin ban đầu. Phó thủ tướng Thái Lan nói đây là trận động đất chưa từng có 100 năm qua ở Bangkok.
Việt Nam chịu tác động nhẹ, không gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng đã tạo nên một cơn rối loạn nhỏ khi hàng nghìn nhân viên văn phòng tại các tòa nhà cao tầng hốt hoảng chạy xuống mặt đất. Theo quan sát của tôi, do không có hướng dẫn cụ thể, cũng như nhận thức chung về cách ứng xử khi gặp động đất, phản ứng của mỗi tòa nhà, mỗi người một khác. Có nơi túa ra như ong, từ mọi hướng chen nhau xuống mặt đất nhanh nhất có thể, nhưng cũng có tòa nhà bình chân như vại, và mọi người ở yên tại chỗ, chờ qua cơn rung lắc.
Đây là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải chuẩn bị đối phó với những thiên tai hiếm gặp nhưng khó lường trong tương lai. Bố trí các EAP trong thiết kế tòa nhà, ban hành quy trình và hướng dẫn chi tiết các nguyên tắc lánh nạn… đều là những điều quan trọng để đảm bảo an toàn cho cư dân. Ngoài ra, các buổi diễn tập thoát hiểm định kỳ cho người lao động, học sinh và các nhóm khác cũng cần được tổ chức thường xuyên.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chẳng hạn như tích hợp bản đồ EAP vào các ứng dụng di động, sẽ giúp người dân dễ dàng xác định lộ trình thoát hiểm an toàn. Hơn nữa, nâng cao nhận thức cộng đồng về các hiện tượng thiên tai và cách thức ứng phó là vô cùng quan trọng, để mỗi người có thể tự bảo vệ mình và hỗ trợ nhau trong tình huống nguy hiểm. Việt Nam cũng cần cập nhật và điều chỉnh quy hoạch xây dựng và cơ sở hạ tầng để đối phó với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai ngày càng phức tạp.
EAP không phải là thứ xa xỉ, mà là “bảo hiểm sinh mạng” thiết yếu cho cộng đồng, bởi tự nhiên, môi trường ngày càng khắc nghiệt, khó dự báo, và một khi thảm họa xảy ra, thiệt hại sẽ rất khó lường.
Trình Phương Quân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thoat-hiem-trong-dong-dat-4867223.html