TP HCM tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng chung về Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI 37), do tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc phát hành hôm 20/3.
Đây là vị trí cao nhất của TP HCM kể từ khi được xếp hạng vào năm 2022.
Khi nói về trung tâm tài chính quốc tế, tôi thấy có nhiều nghi ngại “liệu TP HCM và Đà Nẵng có làm được không”?
Một trong những lý do dẫn đến nghi ngại là khi nhắc đến các trung tâm tài chính quốc tế, người ta thường nghĩ ngay tới những cái tên đã có vị thế vững chắc trên toàn cầu như London, New York, Tokyo, hoặc ít nhất là những trung tâm quen thuộc trong top 15 như Dubai, Hong Kong, Singapore.
Để có thể vươn từ vị trí hiện tại, thuộc nhóm “khu vực”, lên top 15 – tức nhóm “trung tâm dẫn đầu toàn cầu” hoặc “trung tâm toàn diện toàn cầu” – Việt Nam phải vượt qua hơn 50 trung tâm tài chính khác thuộc nhóm “quốc tế”. Trong số đó, có những cái tên quen thuộc trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta, và Kuala Lumpur.
Tôi tin rằng nếu nói Việt Nam có thể đạt được vị thế như Bangkok, Jakarta, hoặc thậm chí vươn lên cùng nhóm với Kuala Lumpur, thì những người đang nghi ngại sẽ cảm thấy tự tin hơn. Hiện tại, Kuala Lumpur đứng thứ 51 toàn cầu, nhưng vào năm 2023, họ từng xếp hạng 80. Tương tự, Bangkok từng ở hạng 60, nhưng hiện nay chỉ xếp trên TP HCM hai bậc.
Chúng ta không quá đặt nặng vào các bảng xếp hạng, nhưng nhắc đến để thấy rằng tham vọng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam không phải là điều quá tầm với. Nói cách khác, việc vươn lên nhóm “quốc tế” không phải là mục tiêu quá xa vời so với vị thế trong nhóm “khu vực” hiện tại của TP HCM.
Vấn đề thứ hai tôi nhận ra trong quá trình tìm hiểu về định hướng trung tâm tài chính quốc tế, là sự bối rối, thậm chí hiểu lầm trong mục tiêu hướng đến của các trung tâm ở TP HCM và Đà Nẵng.
Lấy ví dụ trường hợp của TP HCM, một chuyên gia đặt câu hỏi: Thành phố muốn đi theo hướng nào?
Một là, toàn bộ TP HCM sẽ trở thành trung tâm hội tụ của các dịch vụ tài chính, nơi có khối lượng dòng vốn đầu tư xuyên biên giới lớn chảy qua. Hai là, “trung tâm tài chính quốc tế” chỉ đơn thuần là một tòa nhà hoặc một khu vực được đặt tên như vậy, tức một tổ hợp bất động sản văn phòng, chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực tài chính.
Hai cách tiếp cận này không loại trừ lẫn nhau, mà vấn đề quan trọng là cần xác định rõ vị trí của chúng trong tầm nhìn chung. Nói một cách nôm na, để hướng tới một trung tâm tài chính quốc tế, có thể cần bắt đầu từ một khu vực cụ thể làm nền tảng.
Nhìn theo cách đó, có thể thấy những tranh luận hay mục tiêu tưởng chừng khác biệt thực ra lại có sự tương đồng. Chúng giống như trò chơi ghép hình, nơi từng mảnh ghép được đặt vào đúng vị trí để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh.
Trước tiên, cần có một hệ thống cơ chế và chính sách vượt trội do cơ quan trung ương ban hành, với sự tư vấn của các bộ, ngành như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Đây sẽ là nền tảng pháp lý để trung tâm tài chính quốc tế có thể thực hiện những chức năng “vượt trội” mà các chủ thể bên ngoài trung tâm (hoặc khu phức hợp tài chính) không được phép.
Chẳng hạn, cần có cơ chế cho phép huy động vốn quốc tế linh hoạt, với các quy định thông thoáng hơn về dòng tiền chảy qua các định chế tài chính tại đây. Ngoài ra, cần nới lỏng hoặc loại bỏ tối đa rào cản đối với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài. Điều này là thiết yếu, vì một trong những yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính quốc tế là sự hiện diện mạnh mẽ và khả năng kết nối của các tổ chức tài chính nước ngoài với hệ thống tài chính trong nước.
Sau khi có bộ cơ chế vượt trội từ trung ương, TP HCM và Đà Nẵng sẽ lựa chọn mô hình phù hợp, xây dựng các khu phức hợp tài chính tương ứng để thử nghiệm những hoạt động mới và nâng tầm hoạt động sẵn có. Những thành công đạt được trong các khu phức hợp này sẽ dần lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, giúp cả thành phố từng bước phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế một cách tự nhiên và bền vững.
Hiểu như vậy thì các bên chịu trách nhiệm xây dựng chính sách và khung pháp lý cũng như bên tham gia góp ý, phản biện chính sách sẽ dễ tìm được tiếng nói chung và điểm nào cần góp ý, thay vì bối rối hay nghi ngờ.
Điều quan trọng cần đặt ra lúc này là lựa chọn mô hình phù hợp cho TP HCM và Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo các trung tâm này không cạnh tranh theo cách làm suy yếu lẫn nhau.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng Toàn cầu năm 2020, ông Axel Weber – Chủ tịch Ngân hàng Thụy Sĩ UBS và nguyên Chủ tịch Bundesbank – đã nhấn mạnh rằng các trung tâm tài chính quốc tế như Frankfurt hay Paris không thể phát triển bằng London vì tình trạng “phân mảnh quy định”. Điều này dẫn đến một cuộc chơi có tổng bằng 0, bên này thắng thì bên kia phải thua.
Bài học này cần được ghi nhớ để tránh việc TP HCM và Đà Nẵng cản trở lẫn nhau thay vì cùng phát triển.
Việc xác định mô hình trung tâm tài chính cần gắn với thế mạnh và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. TP HCM hội tụ nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ, do đó có thể hướng đến tầm nhìn về một trung tâm tài chính đa dạng hóa, đặt mục tiêu vươn lên thách thức vai trò của các trung tâm tài chính ở tầm “quốc tế” như Bangkok hay Kuala Lumpur.
Trong bảng xếp hạng mới nhất, có một thay đổi đáng chú ý, là Việt Nam đã chuyển từ nhóm các thị trường “chuyên môn khu vực” (local specialists) vào nhóm các “trung tâm đang phát triển” (elvoving center), dù vẫn thuộc cấp khu vực.
Chuyển biến này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy giới quan sát đã nhận thấy TP HCM không còn chỉ tập trung vào một vài dịch vụ tài chính chuyên biệt như trong bảng xếp hạng năm ngoái, mà đang mở rộng ra nhiều loại dịch vụ tài chính khác, hướng tới một thị trường đa dạng hóa.
Trong khi đó, Đà Nẵng chưa được vào bảng xếp hạng này, vì vậy cần tính toán một chiến lược phù hợp. Với lợi thế phát triển về du lịch và những lĩnh vực kinh tế giảm khí thải carbon, Đà Nẵng hoàn toàn có thể định vị như một trung tâm về tài chính xanh, cung cấp tài chính cho phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu, tương tự Luxembourg, Thành Đô.
Mối quan hệ giữa TP HCM với Đà Nẵng trong câu chuyện trung tâm tài chính quốc tế cũng có thể như Thượng Hải (được xếp vào nhóm đa dạng hóa ở cấp độ toàn cầu) với Hong Kong (trung tâm tài chính chuyên môn hóa ở cấp độ toàn cầu).
Nói cách khác, trong lộ trình phát triển trung tâm tài chính, Việt Nam đang ở tầm khu vực, cần tiến lên quốc tế, rồi mới hướng tới tham vọng toàn cầu. Giống như trong bóng đá, từ sân chơi Đông Nam Á hướng ra châu Á rồi tới World Cup. Đi từng bước thì sẽ tới nếu có chiến lược đúng đắn.
Còn nếu mới ở tầm Đông Nam Á mà nghĩ ngay tới World Cup thì sẽ thấy mờ mịt, hoặc là sẽ có những định hướng nóng vội và sai lầm.
Hồ Quốc Tuấn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tham-vong-trung-tam-tai-chinh-4867966.html