Tôi vừa tham dự Café doanh nhân TP HCM (HUBA) gần đây, thấy không khí khác hẳn những năm trước, vui tươi và phấn chấn hơn nhiều, sự tin tưởng và lạc quan đang trở lại, dù còn không ít băn khoăn, trăn trở.
Năm 2024 qua đi với bối cảnh quốc tế thuận nghịch đan xen. Ba điểm thuận lớn là: kinh tế thế giới không suy giảm, duy trì đà tăng trưởng như năm trước (3,2%), có thể tiếp tục đà này trong hai năm tới. Hai là, lạm phát giảm, lãi suất giảm, tạo đà kích cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng, sản xuất – kinh doanh, du lịch… Ba là, xu hướng xanh hóa, số hóa, chuyển đổi năng lượng tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, 2024 cũng là năm đầy sóng gió với xung đột địa chính trị, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng; một số nền kinh tế phục hồi chậm, thậm chí giảm đà tăng trưởng (như một số quốc gia châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…); rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tài chính, tỷ giá, tội phạm kinh tế – công nghệ gia tăng, biến đổi khí hậu khó lường… Năm 2025 những rủi ro này vẫn hiện hữu, cộng thêm căng thẳng thương mại – công nghệ gia tăng với chính quyền mới của Mỹ và các cường quốc khác, vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho những quốc gia như Việt Nam.
Ở trong nước, điểm sáng đầu tiên và đáng kể nhất là kiện toàn lãnh đạo chủ chốt của đất nước, quyết tâm đột phá về thể chế, tiến hành cách mạng về tinh gọn tổ chức – bộ máy, được nhân dân và doanh nghiệp ủng hộ, kỳ vọng.
Nhiều cơ chế, chính sách, tập trung vào nhóm chính sách tài khóa (giãn hoãn, giảm thuế và phí), chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, cho phép cơ cấu lại nợ, tiếp cận tín dụng, ổn định tỷ giá…) được ban hành. Nhiều luật quan trọng như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản… được sớm hóa hiệu lực 5 tháng, cùng nhiều bộ luật, nghị quyết quan trọng khác được thông qua, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, tài chính, nông nghiệp, KHCN và du lịch… Những quyết sách này góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu tạo đà phục hồi kinh tế, tạo nền tảng pháp lý cho phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới. Nền kinh tế nhờ vậy phục hồi mạnh, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt trên 7% và năm 2025 dự báo có thể đạt 8% hoặc cao hơn.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, với lạm phát trong tầm kiểm soát (tăng khoảng 4%), lãi suất cho vay giảm nhẹ, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn (về thương mại, thu – chi ngân sách, tiết kiệm – đầu tư…), an sinh xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ ở mức an toàn và thấp hơn các nước tương đồng. Những yếu tố này cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thời gian tới được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nhận thức và hành động thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều dự án công nghệ cao (gồm cả điện tử, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo…) được thu hút, thanh toán không dùng tiền mặt (nhất là qua điện thoại di động, dùng mã QR…) tăng nhanh, tín dụng xanh, cam kết tài chính xanh và sản xuất, tiêu dùng xanh được quan tâm hơn, chính sách mới về mua bán điện trực tiếp, triển khai Quy hoạch điện VIII được ban hành. Đây sẽ là những động lực mới tạo đà phát triển nhanh và bền vững hơn thời gian tới.
Hoạt động của khối doanh nghiệp phục hồi rõ nét, dù không đồng đều và còn nhiều thách thức. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm từ 1,23 lần trong quý 1/2024 xuống còn gần 0,8 lần cuối năm.
Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, bằng 119% dự toán, ước tăng 15,5%, thể hiện đà phục hồi của xuất – nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng cũng như việc đa dạng hóa nguồn thu, trong bối cảnh chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng hỗ trợ, có trọng điểm như nêu trên; tạo dư địa cho thực thi chính sách tài khóa mở rộng và phục vụ công tác cải cách tiền lương, tinh gọn tổ chức – bộ máy đang tiến hành.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều chuyến thăm cấp cao, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia lớn, triển khai và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do (FTA) và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với nhiều đối tác khác.
Dù vậy, nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức. Trước tiên là các động lực tăng trưởng phục hồi không đồng đều. Đầu tư công giải ngân còn chậm. Hết tháng 12/2024, tỷ lệ giải ngân của cả nước ước đạt 77,6% kế hoạch, hết tháng 1/2025 có thể đạt gần 90%, cách khá xa so với mục tiêu đề ra là 95%. Đầu tư tư nhân tăng khoảng 7%, phục hồi mạnh từ mức tăng 2,7% của năm trước, nhưng còn khá thấp so với mức tăng 15-17% trước Covid-19. Tiêu dùng cuối cùng ước tăng 6,5%, phục hồi từ mức tăng 3,52% của năm 2023, nhưng thấp hơn mức tăng trên 7,2% trước dịch, chứng tỏ sức cầu đầu tư và tiêu dùng còn yếu. Nợ xấu gia tăng dù có chính sách giãn hoãn, cơ cấu lại nợ, chứng tỏ doanh nghiệp, bên vay còn nhiều khó khăn, phục hồi không đồng đều và chịu tác động tiêu cực (bao gồm cả hậu quả cơn bão lịch sử Yagi). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi còn chậm, thị trường vàng biến động nhiều hơn; tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu.
Một thách thức nữa là việc hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Chất lượng tăng trưởng còn chưa cao với năng suất lao động năm 2024 ước tăng 5,5% (vượt chỉ tiêu là 4,8-5,3%, cao hơn mức tăng 3,65% của năm 2023), nhưng còn khá xa so với mục tiêu 6,5%/năm của giai đoạn 2021-2025. Tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam bắt đầu sụt giảm trong 2 năm gần đây, thậm chí tăng trưởng âm 1,36% năm 2022, âm 2% năm 2023, có thể dương trong năm 2024 nhưng thấp hơn mức tăng 2,77% năm giai đoạn 2015-2019 và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn khiêm tốn, chỉ tiệm cận chỉ tiêu đề ra là 45%.
Năm 2025 đã đến, kinh tế thế giới dự báo có thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng rủi ro, bất định gia tăng, một số đối tác lớn của Việt Nam (như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ…) có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch của Việt Nam, cùng với nhiều thách thức khác đã nêu trên. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu trên 8% (thậm chí cao hơn) và lạm phát tăng khoảng 4,5%. Đây là những mục tiêu cụ thể, rất thách thức trong bối cảnh phải làm nhiệm vụ kép: vừa đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức – bộ máy, vừa chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cao hơn nhiều so với năm 2024, tạo tiền đề tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới, trước mắt là giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp có quyền chờ đợi vào những quyết sách đột phá này với điều kiện. Đầu tiên là cần kiên định, quyết liệt với những đột phá về thể chế, tinh gọn tổ chức – bộ máy gắn với cải cách tiền lương, đảm bảo thành công, thực sự hiệu lực, hiệu quả. Tiếp đến là hiệu quả hơn trong thực thi cơ chế, chính sách, luật lệ đã ban hành; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đặc biệt là chất lượng và tiến độ thực thi công vụ. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống cùng với việc phát huy tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, trong đó cần khai thác tốt hơn những FTAs đã ký, những cơ hội đến từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vừa qua, thực thi hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Những chính sách, giải pháp này, nếu làm tốt, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cả lượng và chất.
Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh bên ngoài và nội tại còn nhiều rủi ro, thách thức; chủ động, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi kép (xanh và số), chuyển đổi năng lượng, xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước… Những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém còn lại phải quyết liệt xử lý, không thể chậm hơn, vì đây là những “cục máu đông”, khiến phân bổ nguồn lực kém hiệu quả và chi phí tốn kém.
Song song với cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng; chống lãng phí cần luật hóa cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, giảm hình sự hóa quan hệ kinh tế. Có như vậy, tam giác mục tiêu “phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy; và phát triển kinh tế – xã hội” mới đảm bảo đồng bộ, khả thi.
Tất cả những quyết sách này cho năm 2025 đều đã được khởi động trong năm 2024. Nên, dù trước mắt còn nhiều chông gai, ta vẫn kỳ vọng vào thành công của công cuộc cách mạng mang tính lịch sử này.
Cấn Văn Lực
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tam-giac-muc-tieu-2025-4834241.html