Câu chuyện sao kê tài khoản nhận tiền ủng hộ từ thiện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam bên cạnh mục đích tạo sự minh bạch cũng đồng thời vinh danh các nhà hảo tâm, lan tỏa những hành động tốt đẹp đến với xã hội.
Một việc tưởng như hết sức đương nhiên này đã gây ra hiệu ứng phụ khó ngờ: “check VAR” sao kê để bóc mẽ các “phông bạt từ thiện”, tức là kiểm chứng thông tin về số tiền đóng góp cho MTTQ đã được cá nhân, tổ chức nào đó công bố.
Câu nói nổi tiếng của Friedrich Engels “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời” được mượn để mô tả tình trạng này. Nhiều người không ngại bỏ thời gian để “soi” 12.000 trang sao kê tài khoản. Những chuyện khó ngờ, những sự thật không mong muốn đã lộ ra từ đó.
Trong lúc dư luận hả hê với “thành quả” check VAR, tôi muốn nhìn vào những khía cạnh khác của câu chuyện này.
Việc kiểm tra sao kê tài khoản không xấu, nhưng bóc mẽ người khác cũng không làm cho ai đó trở nên tốt đẹp hơn, đặc biệt là khi bản thân họ có thể chưa chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Những người thích phông bạt từ thiện, cho dù có nâng khống số tiền để khoe khoang, chí ít họ cũng đã ủng hộ.
Nhưng, có một điều còn quan trọng hơn. Nhiều người quá chú trọng vào sao kê và coi đó như bảo chứng cho sự minh bạch và hiệu quả trong công tác từ thiện. Như thế là chưa đủ.
Sao kê thể hiện số tiền đã chuyển vào (ghi có) và chuyển ra (ghi nợ) của một tài khoản. Đây là một bằng chứng thể hiện sự minh bạch của đơn vị tiếp nhận tiền ủng hộ. Nhưng cần nhiều việc hơn nữa để bạch hóa một cách toàn diện, đặc biệt là hiệu quả của công tác từ thiện.
Là người làm công tác xã hội và phát triển cộng đồng trong các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế hơn 20 năm qua, tôi khẳng định giải ngân tiền tài trợ đến người hưởng lợi sao cho thiết thực và hiệu quả chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Cách giải ngân đơn giản nhất là cấp phát tiền thì cũng cần có danh sách ký nhận với đầy đủ thông tin của người nhận và tài liệu chứng minh đối tượng phù hợp. Ví dụ người nghèo thì cần có giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo.
Nhưng làm từ thiện – nhân đạo, hay nói như cách chúng tôi thường dùng là công tác xã hội và phát triển cộng đồng, đâu chỉ có phát tiền.
Giống như câu chuyện cho cần câu thay vì cho con cá, thậm chí dạy cả cách bán cá khi câu được nhiều, làm công tác xã hội và phát triển cộng đồng cần có kỹ thuật, kỹ năng và phương pháp dựa trên các lý thuyết, nghiên cứu thực chứng. Đây là một công việc chuyên nghiệp. Mục đích cuối cùng là để giúp người dân được nâng cao năng lực và cơ hội tiếp cận với giáo dục toàn diện, chăm sóc y tế đầy đủ, việc làm phù hợp, sinh kế bền vững… từ đó vươn lên thoát nghèo và chủ động ứng phó với thiên tai chứ, không tiếp tục thụ động chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Để làm được những việc ấy cần có nhiều hoạt động khác nhau, từ truyền thông – giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi – đến nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; từ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho đến hoạt động hỗ trợ lâu dài, mô hình sinh kế bền vững.
Về mặt kiểm toán, những hoạt động này đòi hỏi nhiều chứng từ để chứng minh. Ví dụ, một buổi tập huấn cần có danh sách học viên tham gia, được xác nhận bởi một cơ quan/tổ chức ở địa phương và ký nhận của người tham gia, có tài liệu tập huấn và CV của giảng viên kèm hợp đồng và báo cáo đánh giá trước/ sau khóa học, có hóa đơn mua văn phòng phẩm, có hình ảnh buổi tập huấn… Đây rõ ràng là điều mà bản thân sao kê tài khoản không đủ để chứng minh sự minh bạch và hiệu quả giải ngân tiền ủng hộ.
Trước khi triển khai một buổi tập huấn như ví dụ ở trên, chúng tôi phải thiết kế các dự án, chương trình mà buổi tập huấn hướng đến nhằm đạt kết quả đầu ra nào đó. Thiết kế dự án cẩn thận và giám sát, đánh giá việc triển khai một cách chặt chẽ là cách làm tăng tính hiệu quả của công tác xã hội và phát triển cộng đồng, từ đó làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với người ủng hộ, nhà tài trợ.
Làm việc với vai trò là các tổ chức chuyên nghiệp có sự tham gia của hàng chục, thậm chí hàng trăm con người được đào tạo bài bản ở mỗi tổ chức, nhưng chúng tôi luôn gặp phải áp lực giải ngân với nỗi lo chậm tiến độ (under spend). Bởi, như đã nói, nếu chỉ phát tiền, chỉ cho con cá thì quá dễ dàng.
Công việc nhân đạo – từ thiện được thực hiện bởi các tổ chức xã hội chuyên nghiệp, các cơ quan như MTTQ, Hội Chữ Thập Đỏ đã không dễ dàng như vậy thì với các cá nhân hoặc nhóm người tự đứng ra thực hiện sẽ càng khó khăn hơn.
Sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng trong cách làm của một vài cá nhân có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn, trước hết là sự nghi ngờ của dư luận về tính minh bạch trong việc giải ngân, hoặc gặp phải rủi ro về sức khỏe, tính mạng như từng diễn ra.
Nói vậy không phải để phủ nhận, phê phán những cá nhân đang nỗ lực hết mình kêu gọi ủng hộ và không quản ngại khó khăn trực tiếp tham gia công tác cứu trợ nhân đạo ở các vùng thiên tai. Nói như vậy để thấy rằng đây là công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp để hướng tới sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Rõ ràng là để minh bạch hiệu quả của công tác từ thiện, nhân đạo, chỉ sao kê là không đủ.
Nguyễn Minh Hoàng
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sao-ke-thoi-chua-du-4792954.html