Cô sinh viên rụt rè chìa giấy giới thiệu, xin thực tập ở phòng tôi – thuộc một cơ quan cấp bộ.
Tôi xem giấy tờ, thấy cháu học đúng trường, đúng lĩnh vực hoạt động của chúng tôi, tôi đồng ý. Nhưng sau khi chuyển hồ sơ tới bộ phận hành chính và được trả lời “cơ quan không nhận sinh viên thực tập” vì một số nguyên nhân liên quan đến nghiệp vụ nội bộ và bảo mật giấy tờ, tôi đành thất hứa.
Trước khi tìm đến cơ quan tôi, cô đã liên hệ với một số công ty tư nhân nhưng bị từ chối với lý do: quy mô, cơ sở vật chất cũng như nhân lực hạn chế, không thể bố trí chỗ ngồi và người hướng dẫn. Họ hứa nếu cần xác nhận thời gian tập sự hay đánh giá kết quả thực tập, họ sẽ hỗ trợ. Tôi đọc được sự phân vân của cô sinh viên năm cuối. Cô mong đợi được tìm hiểu, quan sát và trực tiếp “sờ” vào việc, chứ không chỉ là lời đánh giá và chữ ký trên bản báo cáo thực tập.
30 năm trước, tôi cũng từng xin vào cơ quan nhà nước để thực tập. Ngày đầu tới, các cô chú đưa cho tôi quyển pháp lệnh của ngành, bảo đọc đi. Họ khuyên tôi không nhất thiết phải đến cơ quan, đỡ mất thời gian và tiền xe buýt đi lại. Vậy là tôi ở nhà, kiếm việc làm thêm, gần đến ngày kết thúc, mang sách đến trả và xin giấy xác nhận. Bạn bè tôi xin vào chỗ nọ chỗ kia, nhưng thời gian thực tập cũng chỉ quanh quẩn kê ghế, pha trà hoặc chạy việc vặt.
Dù đã có nhiều cải thiện về bối cảnh, sinh viên thời nay vẫn gặp phải hai vấn đề cơ bản như thời chúng tôi, về cơ hội và chất lượng thực tập.
Cả nước hiện có gần 250 cơ sở giáo dục đại học, với trên dưới hai triệu sinh viên. Một phần tư trong đó là sinh viên năm cuối. Câu chuyện tìm chỗ thực tập không phải là “nhiệm vụ bất khả thi” với tất cả. Có những thực tập sinh nhận lương nghìn đô. Có những em nhanh nhẹn, hoạt bát, tìm đúng nơi cần người, nên đã không chỉ trải qua thời gian thực tập hữu ích mà còn được mời làm việc luôn ngay khi ra trường.
Nhưng với phần lớn, mọi thứ không lạc quan như vậy. Các em có thể dễ dàng tìm việc làm thêm, nhưng không dễ thực tập đúng ngành, đúng yêu cầu nhà trường giao cho.
Các đơn vị, từ cơ quan nhà nước, công ty tư nhân cho tới doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà tiếp nhận thực tập sinh, trừ một số ít ngành đặc thù đã được quy định bắt buộc như y, sư phạm. Nguyên nhân chủ yếu là lợi ích họ nhận được gần như không đáng kể so với công sức và sự phiền toái phải bỏ ra cho quá trình đào tạo này.
Trưởng phòng ở một doanh nghiệp chia sẻ với tôi, anh thường phải tìm cách chối khéo: “KPI đè lên cổ hàng ngày, không mở mắt ra mà cầm tay chỉ việc cho các em được”. Khi tôi thắc mắc về việc tận dụng lứa lao động trẻ đầy nhiệt huyết này, anh lắc đầu: “Tùy người, tùy việc, nhưng nhìn chung vô vọng. Nhân viên đào tạo mấy năm trời còn xôi hỏng bỏng không, huống chi mấy đứa trẻ vừa rời sách vở”.
Một số doanh nghiệp, ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, miễn cưỡng nhận, nhưng gần như chỉ hỗ trợ thủ tục, thay vì tạo điều kiện cho các em làm việc thực sự. Hướng dẫn sinh viên học việc cũng như tập cho đứa trẻ làm việc nhà. Bạn không chỉ cần kỹ năng giao việc, còn phải nhẫn nại, thậm chí sẵn sàng dành thời gian “dọn” mớ lộn xộn do chúng lóng ngóng gây ra.
Rốt cuộc thì, nếu kỳ thực tập của chúng tôi ngày xưa là quãng thời gian rót nước, pha trà thì bây giờ, không ít bạn trẻ cũng không khá hơn là bao; được nhận vào để chỉ để “phát tờ rơi, photo giấy tờ, nhập dữ liệu”.
Với cơ hội thực tập ít ỏi, thiếu thực chất, chất lượng thực tập vì thế cũng rất hạn chế.
Áp dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn, qua đó củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng, thái độ trước khi tốt nghiệp là một yêu cầu quan trọng với sinh viên. Do vậy các trường sẽ căn cứ vào kết quả thực tập để quy đổi sang điểm và lấy làm một trong các tiêu chí xét tốt nghiệp.
Nhưng tôi cho rằng, các cơ sở đào tạo đại học không thể làm ngơ, bằng lòng trước thực tế sơ sài của các kỳ thực tập hiện nay.
Theo quy định, trường đại học có nhiệm vụ liên hệ và cùng các cơ sở tổ chức hướng dẫn thực tập cho sinh viên, nhưng phần lớn chỉ cấp giấy giới thiệu, còn lại, các em “tự bơi”. Nếu các cơ sở đào tạo đại học không năng động và chịu thay đổi, sinh viên không thể nào có được kỳ thực tập đúng nghĩa.
Việc quan trọng nhất là bắt tay thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và các công ty, doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực đào tạo của mình.
Luật Giáo dục có quy định trách nhiệm của xã hội, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức là “hỗ trợ, hợp tác với nhà trường tạo điều kiện cho người học thực tập”. Luật Giáo dục đại học cũng “khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”. Nhưng các quy định này mang tính khuyến khích hơn là chế tài bắt buộc.
Yếu tố quyết định hiệu quả và chất lượng thực tập ở đây là mối quan hệ “hai bên cùng có lợi”, sinh viên được làm việc và đơn vị tiếp nhận được hưởng thành quả của sức lao động đó.
Các nhà trường vì thế không thể bằng một tờ giấy giới thiệu, đòi hỏi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, mà cần coi kỳ thực tập như một cơ hội “tiếp thị, quảng bá” sản phẩm đào tạo của mình – là các em sinh viên, những nhân sự đầy tiềm năng của thị trường lao động.
Tư duy này sẽ không chỉ hữu ích cho các kỳ thực tập của sinh viên, mà còn tạo cơ hội cho những thay đổi cơ bản của giáo dục đại học hiện nay: chú trọng kiến thức hơn là điểm số, chất lượng đầu ra hơn là số lượng đầu vào, và uy tín của nhà trường phải được bảo chứng bằng tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên.
Trần Phú Dũng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pha-tra-rot-nuoc-phat-to-roi-4778937.html