Tuần trước, tôi nhận tin nhắn của Như: “Mẹ em nặng, chắc khó qua anh ạ”.
Tôi lặng người thương bạn. Ai đến tuổi trung niên như chúng tôi rồi cũng sẽ lần lượt đón những tin như vậy về ba, mẹ mình. Tôi đã hơn mười lần đưa tang thân sinh của những người bạn.
Quy luật sinh tử của kiếp người, không ai sống hoài, nhưng sự thật, ngày mai, ngày mốt ta sẽ không còn ba hoặc mất mẹ luôn là điều những đứa con không dám đối diện.
Như mất cha từ nhỏ, mẹ ở vậy nuôi Như ăn học. Cuộc sống còn trở nên chông chênh hơn khi mẹ bạn mắt mờ dần rồi mù hẳn. Trong bóng tối, điều bà lo lắng nhất là Như. Như hiểu hoàn cảnh của mình và cũng được nhiều bàn tay chung giúp nên cuối cùng học được nghề mình thích, ít nhiều thành công trong công việc.
“Mỗi lần có thành tích nào đó trong các cuộc thi về nghề bếp của mình, em đều mang về tặng mẹ, để được nhìn ánh mắt mẹ hạnh phúc”, Như kể.
Có lần tôi và Như đi ăn chung với mẹ bạn, trong cuộc chuyện trò, bà nói: “Bác ao ước được nhìn thấy mặt Như lúc trưởng thành, rồi có chết cũng được. Nghe mọi người khen con mình đẹp, bác vui lắm, và bác cứ tưởng tượng”.
Như chăm mẹ rất tốt. Và dù có bận, Như luôn gắng về sớm vào buổi tối, để kể cho mẹ nghe chuyện này, chuyện kia trong công việc. “Mẹ không thấy nên em muốn bà hình dung được qua những câu chuyện sống động”, Như chia sẻ.
Năm nay mẹ Như đã gần 80 tuổi, bác vẫn minh mẫn nhưng sức khỏe kém đi, cơ thể rệu rã dần theo thời gian. Bác mong ráng sống khỏe ngày nào hay ngày ấy, cho con yên tâm làm việc. Nhưng vài hôm trước tôi đến nhà Như thăm bác. Bác đã liệt một phần cơ thể, khá đau đớn nhưng lúc nào tỉnh đều nhớ tên con mình, từ tên ở nhà đến khai sinh, nhớ cả thói quen của con.
Như kể, mẹ bạn mấy năm trước trải qua đợt phẫu thuật khối u lành. Cơ thể yếu dần, rồi đầu năm đến giờ bà suy sụp hơn, đỉnh điểm là cơn đột quỵ cách đây hơn 10 ngày đã khiến bà đứng trước bờ sanh tử. Như đưa mẹ về nhà để bớt chen chúc trong bệnh viện, để tiện chăm sóc, đặc biệt là chăm sóc tinh thần cho người đã yếu ớt thể trạng.
Tôi ngồi nhìn Như chăm mẹ. Như bảo đã chuẩn bị tâm lý, nhưng trong lời nói có lúc nghẹn lại. Như ngồi sát bên mẹ, nhìn bà thật lâu, chốc chốc lại ôm hôn mẹ, hỏi bà “mệt không, nhớ con không”.
Như đang tranh thủ từng ngày để nhìn kỹ mặt mẹ, thu vào bộ nhớ thật sâu gương mặt xương gầy, nhất là đôi mắt không còn sáng tỏ vẫn dõi theo con nhiều năm ấy, nay nhắm nghiền trong cơn mê tỉnh. “Mai mốt không còn mẹ chắc sẽ nhớ lắm”, Như nói. Tôi hiểu cảm giác này, nhất là khi chỉ có hai mẹ con nương nhau sống suốt 40 năm qua.
Nhìn kỹ mặt mẹ trong những phút giây cuối đời của mẹ là một cảm giác xót xa, khó chịu đựng. Nghĩ về Như, tôi lại nhớ đoản văn “Bông hồng cài áo” mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962. Trong đoản văn nổi tiếng này và cũng là duyên khởi cho nghi thức cài hoa hồng mỗi mùa Vu Lan hiện nay, Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ điệp khúc mà thầy muốn gửi đến tất cả những người con: hãy nhìn kỹ mặt mẹ.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi:‘Mẹ ơi, mẹ có biết không?’. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi:‘Biết gì?’. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp:‘Mẹ có biết là con thương mẹ không?’.
Đọc tới đoạn này lần nào tôi cũng khóc. Có lẽ vì chính mình cũng nhiều lần chưa nhìn kỹ mặt mẹ. Vì cuộc mưu sinh bận rộn, vì giận hờn, vì có những mối quan hệ riêng, những mối quan tâm khác mà ta không còn thường xuyên nắm tay ba, nhìn kỹ mặt mẹ như lúc còn thơ bé.
Lời khuyên của thầy tất nhiên không phải chỉ là hành động nhìn kỹ mặt mẹ thông thường, mà hơn hết đó chính là sự có mặt trọn vẹn cho ba, cho mẹ mỗi khi trở về nhà.
Trong thời hiện đại, con người bị kéo đi xa không gian sống và các mối quan hệ bởi chiếc điện thoại, những mối lo lắng riêng. Nhiều khi ở cạnh nhau nhưng không có mặt trọn vẹn. Tôi hay nói với những bạn trẻ hơn trong những buổi chia sẻ mình có dịp tham gia là hãy dành thời gian chất lượng cho người thân mỗi khi gặp nhau, ăn cơm, nói chuyện, đừng để tin nhắn, bình luận, những câu kéo trên mạng khiến mình rời khỏi bầu không khí ấy.
Lễ Vu Lan là dịp nhắc nhớ hiếu hạnh, lòng tri ân, báo ân. Báo hiếu không chỉ có vật chất mà tinh thần cũng quan trọng không kém, nhiều lúc quan trọng hơn. Có những người không cần con cái phải gửi tiền, hoặc nếu có thì ít thôi, nhưng cần nhiều hơn thời gian có mặt cho nhau.
Mùa Vu Lan, Như đã nhắc tôi điều bình dị nhẹ nhàng ấy, để mình khỏi quên nữa vì đã từng nhớ nhớ quên quên.
Không ai ngăn được sự mất mát người thân, việc ta có thể làm là trân quý những khoảnh khắc có mặt cùng họ. Để khi người thân rời đi, ta sẽ không hối tiếc muộn mằn, đau buồn cũng nhẹ nhàng hơn chút ít.
Lưu Đình Long
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhin-ky-mat-me-4782341.html