Trong một bữa trà dư tửu hậu, tôi buột miệng với lãnh đạo một doanh nghiệp có mạng lưới cửa hàng xăng dầu khá lớn:
– Trong nhiều thứ tôi muốn góp ý thì góp ý đầu tiên là anh hãy cho làm lại hệ thống nhà vệ sinh tại các cây xăng, thiết kế theo tiêu chuẩn đồng nhất, đảm bảo sạch sẽ, lau dọn thường xuyên – đấy sẽ là một điểm nhấn nhận diện thương hiệu.
Trừ một số điểm quá chật hẹp ở nội thành, đa số cây xăng hiện nay có đủ diện tích để xây dựng một khu toilet cho “ra tấm ra món”. Nhiều nơi còn có nhà vệ sinh riêng cho nhân viên và nhà vệ sinh dành cho khách hàng. Khu vực dành cho nhân viên có khóa, người ngoài không thể sử dụng, và người ta đều hiểu rằng nơi đó được giữ gìn sạch sẽ hơn cái nhà vệ sinh dùng chung, ẩm ướt và khai mù dành cho khách hàng ở đằng kia.
– Khẩu hiệu của các anh “Khách hàng là thượng đế”. Vậy mà “thượng đế” lại bị phân biệt đối xử, dành cho thứ sản phẩm kém cỏi, không ai muốn dùng thì khách hàng sẽ nghĩ thế nào giữa khẩu hiệu và hành động của các anh – tôi thuyết phục thêm.
Tôi nhớ mãi chuyến đi từ cửa khẩu Thakhek của Lào đến Udon Thani – một đô thị lớn ở vùng đông bắc Thái Lan. Dừng chân ở một cây xăng dọc đường, tôi vào quán cà-phê được thiết kế như một căn nhà gỗ xinh xắn, với đầy đủ tiện ích như nơi rửa mặt, chỗ vệ sinh, quầy đồ uống… Ngồi ở hiên căn nhà, nhâm nhi ly nước, ngắm nhìn bụi cây dại mọc ngay bên cạnh, tôi có được cảm giác nghỉ ngơi, thư giãn giữa một hành trình dài.
Vệ sinh là một nhu cầu cơ bản của con người, xét về tần suất thì nhu cầu này còn xuất hiện nhiều hơn nhu cầu ăn. Vậy mà người Việt vẫn quen coi các công trình đáp ứng nhu cầu này là công trình phụ, ít được chú trọng. Các điểm vui chơi công cộng đều rất thiếu khu vệ sinh, nếu có cũng chỉ được phục vụ ở mức chất lượng thấp, bẩn thỉu, không được dọn dẹp thường xuyên.
Vài năm trước, một chủ cây xăng ở An Giang cho làm 10 gian vệ sinh công cộng, ghi rõ mọi người được sử dụng miễn phí, tự do, không nhất thiết phải mua xăng dầu. Doanh nhân này chia sẻ ông làm không phải để lấy tên tuổi, thương hiệu mà vì ông thấy rõ sự bất tiện của người dân đi đường, nhất là người già, phụ nữ.
Tôi cũng nghĩ đến một mô hình cộng sinh: Doanh nghiệp xăng dầu liên kết với doanh nghiệp bán lẻ cà-phê, dành một diện tích nhỏ xinh để bán đồ uống. Khách mua xăng có thể tranh thủ nghỉ ngơi, mua luôn đồ uống. Một phần lợi nhuận sẽ được dùng để nâng cấp các hạng mục tiện ích phục vụ nhu cầu của khách hàng, như là nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh không phải là thứ duy nhất có tính chất quan trọng nhưng thường bị coi là công trình phụ, nhìn rộng ra, rất nhiều hạng mục “phụ” mà không phụ, chẳng hạn, các trạm dừng nghỉ trên những con đường cao tốc.
Trong các chuyến đi khảo sát thị trường, hạ tầng logistics ở các nước, chúng tôi đều ghé vào một trạm dừng nghỉ ven đường để xem các nước họ làm như thế nào.
Ấn tượng chung là các trạm dừng nghỉ này được quy hoạch rõ ràng, có diện tích đủ rộng. Đa số có cửa hàng bán đồ uống, cửa hàng ăn, siêu thị mini. Một số nơi có cả khu vui chơi nhỏ xinh cho trẻ em, thậm chí khu tiểu cảnh ngoại thất để khách hàng check in, chụp ảnh.
Nhà vệ sinh, tất nhiên, là hạng mục không thể thiếu. Ở Nhật và Đài Loan, khu vệ sinh rất rộng, thoáng đãng. Ở Italy, cứ vài chục cây số lại có một trạm dừng nghỉ, mỗi trạm thiết kế một phong cách. Ngoài những trạm dừng nghỉ lớn (có cây xăng, có người phục vụ), còn có cả những trạm nhỏ, chỉ đơn thuần là bãi đỗ xe nằm giữa rừng cây hay cánh đồng hướng dương, nơi tài xế có thể dừng xe để chợp mắt, châm điếu thuốc hay vươn tầm mắt ra xa, nghỉ ngơi dăm phút trước khi tiếp tục chặng hành trình.
Tuấn, một chủ doanh nghiệp logistics có xe chạy khắp từ Nam ra Bắc, cho biết, anh đã ghé hầu như tất cả trạm dừng nghỉ ven các tuyến đường cao tốc và đường quốc lộ. Tuấn rất ngạc nhiên với một tuyến cao tốc đẹp như Hạ Long – Móng Cái, gần 200 cây số nhưng không có trạm dừng nghỉ. Dường như trạm dừng nghỉ cũng bị coi là “công trình phụ” so với con đường, chưa thi công hoặc thi công chậm sau này cũng không sao. Anh nhận định, cũng có những trạm dừng nghỉ ở Việt Nam nỗ lực tạo thành tổ hợp mua sắm – nghỉ chân – đổ xăng, nhưng chưa có nhiều trạm đáp ứng được quy mô và chất lượng phục vụ như kỳ vọng của khách hàng.
Đổ xăng – sạc điện, nghỉ chân – vệ sinh, ăn uống – mua sắm là tổng hợp nhu cầu ba trong một rất rõ ràng mà các chủ doanh nghiệp như Tuấn quan sát được từ phía khách hàng. Anh không khỏi thắc mắc, tại sao nhu cầu này chưa được các nhà cung cấp dịch vụ khai thác triệt để.
Băn khoăn của Tuấn cũng giống như câu hỏi tôi đặt ra với lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu phía trên. Sự thay đổi vẫn ở thì tương lai, tôi tin là không quá xa, trong bối cảnh hạ tầng ở Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ.
Trần Thanh Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-ve-sinh-va-tram-dung-nghi-4753782.html