Tâm bị giao nhiệm vụ kỳ quái khi đi thực tập ở một công ty truyền thông: bịa ra nhiều câu chuyện càng ngớ ngẩn càng tốt xung quanh… bệnh tăng tiết mồ hôi vùng nách.
Từ chỗ lúng túng, cô được hướng dẫn đến mức càng làm càng quen tay. Chuyện được đánh giá cao nhất của Tâm là về một hoa hậu bị phát hiện mắc triệu chứng này. Thông tin được viết bằng thứ tiếng Anh đơn giản kèm ảnh có ghép mặt hoa hậu rồi đăng trên các trang lá cải nổi tiếng ở một số quốc gia châu Á.
Việc làm trên là để thu thập dữ liệu người dùng – những người sẽ bấm đọc thông tin – nhằm quảng cáo cho một nhãn hàng bán thuốc chữa chứng này, có thị trường tiêu thụ khắp châu Á. Trong trường hợp bị phát hiện là tin giả, gây ảnh hưởng uy tín danh dự của người khác thì quốc gia sở tại cũng khó lòng phạt “tin tức toàn cầu” đến từ Việt Nam. Có hẳn những chợ mua bán lượt truy cập như trên, diễn ra tự động ở quy mô xuyên quốc gia.
Người dùng giờ đã buộc phải thích nghi với thế giới ngập tràn quảng cáo, từ trực tiếp giương sản phẩm vào mắt khách hàng cho đến gián tiếp qua những tin giả nhảm nhí như trên. Nhưng câu chuyện ngày càng không đơn giản.
Trong đợt bão Yagi vừa qua, một số trang mạng xã hội lớn chia sẻ bức ảnh được cho là người chồng đang cố di tản vợ và con nhỏ (ngồi trên một cái chậu nhựa) ra khỏi vùng lũ. Người vợ sắp rơi nước mắt, đứa con nheo nhóc được quấn trước ngực, người chồng gồng tay lên như thể đang phải vật lộn với dòng nước; hậu cảnh là cảnh ngôi nhà đơn sơ chìm trong lũ.
Bức ảnh, được một số nơi chú thích là “cảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang”, khiến nhiều người xúc động, để lại những lời cảm thương như “nghẹn lòng”, “không thể nguôi ngoai”…
Sau khi bức ảnh được lan truyền, chính quyền xã Ngọc Linh đã phải đăng thông báo rằng đây chỉ là một trong những content (nội dung) mà một đôi vợ chồng YouTuber thực hiện trong mùa lũ.
Những hình ảnh hậu trường quá trình quay video của cặp vợ chồng này cũng được một số “thám tử online” phát hiện. Tiêu đề gốc của video (mà hai nhân vật trong ảnh tự quay) là “Liều mình giúp mẹ đơn thân và em bé thoát dòng lũ dữ”. Các chi tiết có tính dàn dựng bắt đầu được phân tích sôi nổi. Video sau đó bị khóa quyền truy cập, các trang mạng đồng loạt rút bài. Nhiều cá nhân xin lỗi vì đã góp phần phao tin giả khi chưa kiểm chứng đầy đủ.
Tôi truy cập vào kênh YouTube này và phát hiện ra nhiều chi tiết thú vị. Dù là kênh của một mẹ đơn thân (tự nhận) có đời sống khó khăn ở Hà Giang, nhưng định vị vị trí của kênh là ở… Hoa Kỳ, phần giới thiệu đính kèm tài khoản… Paypal (kênh chuyển nhận ngoại tệ toàn cầu).
Tiêu đề video hoàn toàn bằng tiếng Anh với từ vựng và ngữ pháp đơn giản nhất có thể. Cảnh quay và kịch bản chất phác nhưng có độ đồng nhất cao, có đặc tả vào một số cảnh cảm động, thương tâm.
Phần bình luận dưới các video có đủ loại ngôn ngữ (và gần như không thấy tiếng Việt). Video nào cũng được gắn nhãn có quảng cáo. Sau khi xem một số video của kênh này, YouTube sẽ tự động giới thiệu vài kênh “mẹ đơn thân” tương tự ở những quốc gia xa xôi nào đó, đang trong cảnh khốn cùng (chiến tranh, dịch bệnh…) họ đều cần được nhận tiền từ thiện để có “cuộc sống tốt hơn”.
Những chi tiết trên đây có đầy đủ dấu hiệu của MMO (Make Money Online – kiếm tiền trực tuyến) nhưng sẽ không đơn giản như ta nghĩ, là các bà mẹ đơn thân (tự nhận) trên sẽ trực tiếp nhận tiền từ thiện từ những người nhẹ dạ cả tin khắp toàn cầu. Ở kịch bản đơn giản, họ chỉ cần lượt xem cao (nhất là từ các quốc gia phương Tây, nơi thích xem những vùng đất hoang sơ xa lạ, với người bản địa ngây thơ chất phác) để được YouTube trả nhiều tiền (hơn là lượt xem tới từ Việt Nam). Ở kịch bản phức tạp, kích thích người dùng truy cập vào các video dễ gây hiệu ứng cảm xúc này là cách các tay buôn trực tuyến thu gom dữ liệu (một cách hợp pháp) cho chợ mua bán tình dục hay lấy vợ châu Á.
Dù kịch bản nào đi nữa, nó cũng bóp méo hình ảnh và gây nhiễu loạn thông tin cho khu vực bản địa. Hiện tượng này sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần trong các trường hợp khẩn cấp (bão lũ, dịch bệnh, xung đột…).
Khó mà phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thiếu thận trọng (đặc biệt là có liên quan các yếu tố thị giác) có thể dẫn đến điều hướng sai, tạo ra điểm nhiễu có hại cho hoạt động chung. Trong đợt lũ lụt vừa qua, tin giả cũng ngập tràn, từ phao tin cắt điện cho đến chuyện vỡ đê, gây ra không ít hoang mang cho những cộng đồng liên quan.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả, thậm chí gián tiếp trở thành tội đồ, nếu bạn không chỉ nhẹ dạ tin, mà còn nhiệt thành chia sẻ đến nhiều người khác.
Vậy, khi muốn chia sẻ một thông tin quan trọng hay một hình ảnh gây xúc động, theo hướng tích cực hay tiêu cực đi nữa, bạn hãy:
Kiểm tra thật kỹ nguồn phát ra của thông tin hay hình ảnh đó, nó có được (một) vài đơn vị chính thống đăng tải không? Các tờ báo uy tín, website hoặc trang mạng xã hội của các tổ chức nhà nước có liên quan là nơi bạn có thể tìm đến để kiểm chứng lại thông tin.
Cũng như “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hãy chậm lại một nhịp trước khi share. Đây là thời gian cần thiết để bạn “tự phản biện” xem thông tin, hình ảnh đó có đáng tin cậy không, có điểm nào phi logic hoặc gợi lên sự hoài nghi không. Với trường hợp bức ảnh trên, nếu nhìn kỹ, bạn có thể nhận ra những điểm thiếu hợp lý như: màu nước lũ trong một cách khác lạ, đứa con được quấn vào lòng mẹ gọn gàng, thậm chí quá đẹp đẽ so với bối cảnh chạy lụt, và trang phục của người mẹ cũng sạch sẽ, tinh tươm quá mức; đặc biệt là tương tác mắt với ống kính rất chủ động…
Ngay cả khi đã quyết định share, vẫn phải thận trọng với các từ ngữ định mô tả, điều này sẽ giúp việc “khắc phục hậu quả” (nếu có) trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cuối cùng, nếu chưa chắc chắn với những điều trên, trong các trường hợp khẩn cấp, đừng chia sẻ hình ảnh, thông tin một cách rộng rãi.
Trong thời đại số, thông tin ngày càng trở thành một mặt hàng thiết yếu hoặc quan trọng. Cách ứng xử sẽ quyết định bạn có phải là người “tiêu thụ thông tin” thông thái hay không.
Lang Minh
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mua-nuoc-mat-cau-view-4792523.html