Phố Wall truyền tụng giai thoại rằng cựu Chủ tịch Fed, Alan Greenspan, cầu hôn ba lần, cô dâu vẫn chưa hiểu.
“Em không hiểu”, biên tập viên của NBC, Andrea Mitchell, trả lời khi ông đề cập đến hôn nhân. Cuối cùng, người chỉ nhíu mày đã làm chỉ số chứng khoán toàn cầu xê dịch phải hỏi thẳng: “Em muốn một đám cưới to hay nhỏ?”.
“Ông ấy rất cẩn thận với lời nói của mình”, nhà báo kỳ cựu tiết lộ.
Greenspan có lý do để cẩn trọng. Năm 1996, sau khi ông thốt lên “sự thừa mứa phi lý”, chỉ số Dow Jones lập tức giảm 2 điểm phần trăm và Nikkei mất 3,5 điểm phần trăm. Năm 1998, ông gọi nước Mỹ là “ốc đảo phồn vinh”, tỷ giá và chứng khoán lập tức tăng tốc.
“Phố Wall và Washington đã tiêu tốn hàng triệu tấn năng lượng để cố gắng giải mã những tuyên bố của Alan Greenspan”, BusinessWeek mô tả vị thống đốc huyền thoại của kinh tế Mỹ trong gần hai thập kỷ. Việc cặp táp của ông mỗi sáng dày hay mỏng cũng được tường thuật cho công chúng. Khi ông đi bộ trên phố, người ta tìm cách chạm vào ông để cầu may.
Hơn hai thập kỷ làm việc với giới tài chính và kinh doanh, “ông già gân” Alan Greenspan là một trong những bộ não ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan của tôi. Tối 11/9/2001, khi tôi đang là một phóng viên tài chính trẻ, bạn tôi – một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội – gọi điện: “Em bật CNN lên đi, máy bay vừa lao vào tòa tháp đôi ở New York”. Tôi ấn nút màn hình. Cột khói bốc cao cùng ngôn từ hối hả tuôn ra từ màn hình. Sếp tôi triệu tập ngay tất cả nhân lực để dịch và biên tập tin quốc tế. Phần lớn tin tức được xuất bản của tòa soạn những ngày đó đều về Washington và New York.
Mùa thu năm 2022, tôi được đến thăm trụ sở Fed tại Washington DC theo một chương trình dành cho các nhà báo quốc tế. Tòa nhà Marriner S. Eccles như hộp diêm tráng lớp xi-măng xám nghiêm nghị hơn nhiều so với những quyết định kịch tính của Fed. Bức tượng đại bàng đầu trắng ở tâm điểm như canh chừng cẩn mật những ai bước vào đại sảnh.
Dù Alan Greenspan đã nghỉ hưu, nhân viên ở đây và các nhà báo vẫn rất quan tâm đến vị thống đốc huyền thoại của tòa nhà. Nhiều năm, ông đã là chủ đề của những cuộc đàm thoại đầy cảm hứng của giới tài chính toàn cầu. Giới kinh doanh quan tâm đến ông không kém một ngôi sao giải trí, giới học thuật coi vị chủ tịch cao niên như nhà tiên tri kinh tế, còn chính trị gia thì hy vọng “người kế toán đeo kính cận” nghiêng về phía mình.
Mùa thu đó, chúng tôi đã bàn luận nhiều chủ đề về tương lai thế giới cũng như các giá trị cơ bản vì con người. Cho đến lúc đó, tôi vẫn nghĩ nước Mỹ chưa bước sang trật tự mới dù Alan Greenspan đã đặt tên “Kỷ nguyên hỗn loạn” cho cuốn sách nổi tiếng của mình từ khi “niềm kiêu hãnh Mỹ” vỡ vụn sau ngày 11/9/2001. “Thế giới hiện tại của chúng ta đang tạo ra nhiều sợ hãi đối với phần lớn công dân của nó”, ông nhận định.
Ai đã đem những bất an đến cho nhiều con người ở nhiều quốc gia? Chúng ta đều thấy khá rõ câu trả lời: Chủ nghĩa dân tộc, sự trỗi dậy của bản ngã tập thể ở những nhóm khác nhau và lòng tham muốn lấy vào không có điểm kết thúc của nhiều người có quyền.
Trong đầu óc vốn trống rỗng của tôi những ngày này hiện lên câu hỏi: Những gì xảy ra hôm nay để con người ôn lại bài học nào? Thế giới đã quá thừa bất an cũng như xung đột lợi ích và những cuộc chiến trong lòng người. Vậy, đâu là điểm tựa để ta neo vào giữa cuộc đổi thay? Làm sao để đi qua chướng ngại và điều gì đang chờ đợi phía chân trời? Sau “Kỷ nguyên ánh sáng” của thế kỷ 18, “Kỷ nguyên hỗn loạn” đầu thế kỷ 21, liệu loài người có bước vào một không gian mới?
Dù lúc này, bạn còn chưa xác quyết, nhưng sự hỗn mang bề mặt này lại được vận hành bởi một trật tự bao trùm, tạm gọi là luật tự nhiên. Nó như một chất kết dính không thấy bằng mắt nhưng đã và đang nuôi dưỡng tất cả. Bản chất của nguồn năng lượng này là tình yêu thương vô điều kiện.
Tôi may mắn được đi qua nhiều quốc gia, gặp nhiều kiểu người, ở mọi nhóm, từ vô danh đến quyền lực tối thượng. Dù thuận hay nghịch duyên, tôi đều thấy một chất keo gắn kết mình với người bởi cả tổn thương và yêu thương, không liên quan đến biên giới, tôn giáo, chủng tộc. Sự chấp nhận lẫn nhau vô điều kiện là hộ chiếu và tôn giáo thật sự của tất cả chúng ta.
Những tâm hồn đã được chạm đến dạy tôi rằng, sâu thẳm trong mỗi chúng ta đều chứa một biển tình yêu bất tận, nó chỉ bị che chồng trên bề mặt bởi các lớp niềm tin và định kiến được cài đặt từ lâu. Trong mỗi người có một không gian vô tận cho nhu cầu yêu thương và trao tặng những gì tốt đẹp nhất cho người khác, nhu cầu ấy tùy từng cảnh mà biến hiện, lúc thì với một đối tượng cụ thể, khi thì trong sự tương tác với một công việc, cộng đồng, một sứ mệnh hoặc thú cưng… Thế gian tồn tại nhờ được dưỡng nuôi bởi năng lượng này. Chúng ta đều đang vùi sâu một bể chứa đầy vàng bạc châu báu bên trong.
“Những gì tôi học được khi ở Fed là thứ ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ Fed”, Greenspan lý giải về các thông điệp mơ hồ của mình.
“Nhưng có một người tốt bụng ẩn sau ngôn ngữ Fed”, vợ ông nói, “Ông ấy rất nhút nhát, tính cách tuyệt vời, rất tốt bụng và hài hước, dù nhiều người có thể không nhận ra điều đó”.
Dù không cổ vũ cách đưa thông điệp đôi khi rối não của ông, tôi vẫn tin Greenspan là một nhà quản trị xuất chúng không chỉ của nước Mỹ, và cách ông điều hành “ngân hàng của các ngân hàng” cẩn trọng chỉ để bảo vệ số đông thay vì nghiêng về phía các tài phiệt một cách vi tế. Đọc lại cuốn hồi ký của Alan Greenspan, tôi mới thực sự chạm đến hệ giá trị của ông. Thành công của ông qua bốn đời tổng thống Mỹ khởi nguồn từ sự am tường sâu sắc về bản chất con người. Một tấm lòng trực thẳng, quan tâm đến tha nhân, rất tôn trọng đặc tính dễ tổn thương của con người, đó cũng chính là đặc tính của thị trường tài chính và mọi nền kinh tế. Cho đến tận bây giờ, cuốn “Kỷ nguyên hỗn loạn” vẫn còn nguyên giá trị khi nó dự báo về tương lai kinh tế toàn cầu đến 2030.
Tôi tin những người dẫn đầu các xu hướng thay đổi thế giới đều đã về được nguồn năng lượng thuần khiết, nơi thấm đẫm trí tuệ tự nhiên. Họ dẫn dắt cộng đồng không chỉ bằng lời, mà bằng tư duy vượt lên trên đúng – sai thông thường, chân thật và dung chứa vô điều kiện. Năng lượng tỉnh giác đi ra từ sự hiện diện mạnh mẽ ở một chiều sâu khác số đông được truyền qua hành động của những con người mới, đi vào thế giới này.
Cả khi bạn thấy thế giới hôm nay có gì sai sai. Mọi thứ, dù bi quan đến mấy, đều khởi sinh để đi về điểm kết thúc – cũng là điểm cân bằng. Những xáo trộn báo hiệu một chu kỳ mới về kinh tế, xã hội và sự nâng cấp tinh thần của loài người.
Với bứt phá công nghệ kèm theo sự xoay chuyển trong nội tại các nhóm quốc gia, các nhà tương lai học dự báo sự tự do tinh thần sẽ trở thành một loại tiền tệ của kỷ nguyên phía trước. Việc của ta là tĩnh và tỉnh, với mỏ neo là tính tự kháng, tư duy mở và sẵn sàng tự điều chỉnh với biên độ lớn.
Hồng Phúc
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mot-the-gioi-xao-tron-4849576.html