Một phong thái đĩnh đạc

Đọc sách thánh hiền để tu thân, tề gia, trị quốc… là cốt cách cổ xưa của dân tộc này. Từ đọc đến cởi mở tư tưởng giúp cho con người trở nên suy tư, hiểu biết, nhẹ nhõm, lịch thiệp, đĩnh đạc, khiêm cung…, vốn là những phẩm chất không chỉ cần thiết để biến một con người trở nên thú vị mà ngay cả một quốc gia cũng vậy. Một quốc gia suy tư, có những nhà tư tưởng phong phú, nhân văn, tôn trọng nhau và tôn trọng sự phong phú, sự khác biệt…, luôn tạo ra sự ngưỡng mộ của thế giới dù quốc gia ấy chưa phải là giàu có.

Tháng rồi, một mẩu điểm sách nhỏ nhưng đã làm tôi bồi hồi: sách “Hành trình tri thức” của Karl Marx do giáo sư Nguyễn Văn Trung xuất bản tại Sài Gòn hồi năm 1966, vừa được nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM tái bản. Nhớ lại cũng những ngày tháng bảy như thế này của 43 năm trước, tôi lúc ấy mới là một cậu thanh niên đang ngỡ ngàng về tư tưởng, chẳng hiểu mô tê gì về Mác-xít, về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội…, vốn vừa được phổ biến ở Sài Gòn theo bước tiến của đoàn quân giải phóng.

Khi mượn được mấy quyển Tạp chí Cộng sản thì đọc khá khó hiểu vì cách viết khác lạ, bỗng như vớ được vàng khi một chủ sạp sách cũ bên vệ đường có dáng vẻ một giáo sư cũ vừa mất việc giấm dúi bán cho cuốn sách nhỏ, bìa in typo thô  và nhắn nhủ: “Đọc cuốn này đi cháu, cẩn thận vì đang bị cấm đấy!”. Đó chính là cuốn sách Hành trình tri thức của Karl Marx.

Cần một phong thái đĩnh đạc

Vài năm gần đây, bước vào các hiệu sách Sài Gòn, tôi như “chàng thanh niên đã luống tuổi” lại bắt gặp cảm giác bồi hồi khoan khoái giống như ngày nào: gần như các loại sách trước đây phải giấm dúi bán bên vệ đường đều đã có mặt trở lại, và có thể nói, hầu như tất cả các thể loại sách mà người khao khát trí thức cần đến đều hiện diện, từ sách thần học Công giáo, đến Phật học, triết học Đông Tây, sách chính trị, các luận đề tư tưởng kim cổ, các sách lịch sử, các hồi ký chính trị… Thậm chí có cả một quyển sách biên khảo mà thuở ấy tôi có mơ cũng không dám nghĩ đến sẽ in bằng tiếng Việt, đó là quyển “Kỷ nguyên Park Chung Hee”, một nghiên cứu về vị tổng thống cực đoan, chống cộng của Đại Hàn – như kiểu nói của người Sài Gòn về Hàn Quốc – nhân vật mà ngay cả ở miền Nam từ trước 1975 cũng đã không được ưa thích.

Mở rộng và phóng khoáng hơn trong trước tác sách – phương tiện hàng đầu “văn dĩ tải đạo” – là một dấu ấn thêm nữa… Ảnh minh họa

Với cá nhân người viết bài, vốn “tiêm nhiễm” từ nền giáo dục của mình, nên từ bé đã xem các nhà sách trước chợ Đông Ba, Huế hay trên đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng hay Khai Trí ở Sài Gòn là điểm đến hàng đầu mỗi lần xuống phố, thì đây là một dấu hiệu cực kỳ ngoạn mục về một xã hội đĩnh đạc về tư tưởng, văn hóa.

Đọc sách thánh hiền để tu thân, tề gia, trị quốc… là cốt cách cổ xưa của dân tộc này. Từ đọc đến cởi mở tư tưởng giúp cho con người trở nên suy tư, hiểu biết, nhẹ nhõm, lịch thiệp, đĩnh đạc, khiêm cung…, vốn là những phẩm chất không chỉ cần thiết để biến một con người trở nên thú vị mà ngay cả một quốc gia cũng vậy. Một quốc gia suy tư, có những nhà tư tưởng phong phú, nhân văn, tôn trọng nhau và tôn trọng sự phong phú, sự khác biệt…, luôn tạo ra sự ngưỡng mộ của thế giới dù quốc gia ấy chưa phải là giàu có.

Cần phải xây dựng – hay khôi phục – hình ảnh một quốc gia đĩnh đạc, cao thượng, nhân văn. Mà điều này chỉ đạt được qua cung cách ứng xử của từng cá nhân, tổ chức và bộ máy quản lý. Chúng ta ứng xử với nhau như thế nào, chúng ta ứng xử với văn hóa ra sao, với môi trường ra sao, với người hàng xóm thế nào, nhà nước ứng xử với nhân dân và ngược lại nhân dân ứng xử có trách nhiệm với xã hội với đất nước …, tất cả sẽ nói lên hình ảnh đàng hoàng hay không của một đất nước.

Một dự luật phải dừng lại để xem xét thêm theo ý kiến nhân dân là một cách ứng xử như thế. Dứt khoát đóng cửa rừng – dù chậm – cũng là một cách ứng xử như thế. Mở rộng và phóng khoáng hơn trong trước tác sách – phương tiện hàng đầu “văn dĩ tải đạo” – là một dấu ấn thêm nữa…Càng ngày chúng ta càng nhận ra nhiều biểu hiện tích cực như thế trong cách mà xã hội được vận hành.

Cần một dáng dấp của bậc trượng phu

Từ thời bắt đầu mở cửa – khoảng thập niên 1990 – cho đến Đại Hội 12 của Đảng vừa rồi với quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm, người dân đã có thể kết thúc chuỗi 20 năm cười thầm chua xót về một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi giàu có nhanh chóng lạ lùng với bao nhiêu là trò “nhố nhăng” của những đồng tiền vấy bẩn. Hình ảnh của đất nước trong một giai đoạn cũng vì vậy trở nên lạc nhịp với bản chất một dân tộc thuần lương, và một cuộc chiến tranh hiển hách được dẫn dắt bởi một chính đảng cách mạng.

Trong mạch nhịp đó, hai năm qua, cứ mỗi lần có thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương sau một kỳ họp là nhịp đập của người dân trở nên thôi thúc hơn: bí thư tỉnh, bộ trưởng, ủy viên bộ chính trị, tướng lãnh…, bất cứ ai sai phạm đều bị đưa ra ánh sáng. Không có ai có thể làm được thế nếu không phải do Đảng này thực hiện. Đó là cung cách ứng xử của bậc trượng phu: quân pháp bất vị thân.

Cá nhân người viết bài này luôn khó chịu về hình ảnh so sánh thường nghe: một người Việt thông minh hơn một người Nhật, nhưng ba người Việt hợp lại thì thua xa ba người Nhật vì không biết đoàn kết, hợp tác. Tôi thường đáp lại các người bạn nước ngoài hay dùng câu chuyện này như một ví von, rằng: “Quý vị đã quên mất tổ chức của đảng Cộng sản Việt Nam. Một tổ chức bền chặt tồn tại đến nay đã 88 năm. Nhưng quan trọng hơn cả, cái tổ chức chặt chẽ ấy còn biết cách tự đổi mới, tiến hóa chớ không xơ cứng, trong từng thời kỳ đều có những nhân vật dẫn dắt xuất hiện: ông Lê Duẩn của cuộc chiến tranh thống nhất, thời bao cấp trì trệ lại xuất hiện các gương mặt đổi mới Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, rồi khi cần làm trong sạch đội ngũ đã xuất hiện tổng bí thư hiện nay!”

Cho dù nhiều người chưa hoàn toàn đồng ý với tôi, thậm chí khi phát biểu nhận xét này với bạn bè người quen giữa thủ phủ hải ngoại “Little Sài Gòn”, nhiều bạn nhắc tôi “phải giữ mồm, giữ miệng”, tôi vẫn tin rằng, từ tư cách của một người quan sát lịch sử khách quan, không để những cảm xúc riêng tư chi phối, trong tôi có một sự ngưỡng mộ đặc biệt với cái cách người Việt Nam tổ chức và vận hành Đảng Cách mạng ấy của mình. Nó xứng đáng để mọi người Việt tự hào và không ít những người nước ngoài nể trọng dù chưa phải là yêu thích. Và cuộc đấu tranh với tham nhũng, suy thoái, biến chất hiện nay của Đảng này lại một lần nữa đang làm cho mọi người nể trọng mình hơn.

Lịch sự, khiêm cung và tôn trọng

Ngày hội bóng đá toàn cầu vừa diễn ra với bao điều lý thú, nhưng công việc tầm thường của các cổ động viên Nhật: nhặt sạch rác trước khi ra về hoặc đoàn tuyển thủ Nhật rời phòng thay đồ sau trận bị Bỉ loại ở vòng 16 dù buồn vẫn để lại một căn phòng ngăn nắp sạch bóng và một tờ giấy ghi chữ “Xpa-xi-bơ” (Nghĩa là “cảm ơn”trong tiếng Nga), làm cho cả thế giới âm thầm cảm kích. Chân dung của một quốc gia không chỉ được nhìn qua hình ảnh của nhà nước hay bộ máy chính quyền mà còn qua cách hành xử của từng người dân bình thường nhất. Lịch sự, khiêm cung, tôn trọng là ba yếu tố quan trọng cấu thành nên cách hành xử ấy của quần chúng Nhật. Ở ta, trong cách hành xử chung của xã hội đang thiếu dần những điều này và khi lên không gian mạng thì còn kinh hoàng hơn: tất cả những gì đi ngược lại ba yếu tố trên đều được sử dụng với cường độ mạnh nhất có thể.

Kể cả trong trận đội nhà thua, CĐV Nhật vẫn ở lại nhặt rác trên khán đài.

Một trong những lý do biện hộ cho việc này là hai chữ dân chủ, hàm nghĩa ai cũng có quyền có ý kiến và thông thường là “xổ toẹt” tất cả ý kiến khác mình. Tiếc rằng, chính những người bạn đã từng phụ tá cho các nghị sĩ Mỹ tại trung tâm của hai chữ dân chủ, đã nói với tôi một chi tiết đáng chú ý: ở Mỹ dân chủ là phải biết “compromise” (Thỏa hiệp, tương nhượng). Ở nghị trường Mỹ, đảng Dân chủ muốn thông qua hai điều này thì cũng phải chấp nhận cho đảng Cộng Hòa được một điều khác.

Một đất nước đang vận hành thì sẽ càng lúc càng phức tạp với bao nhiêu là sắc dân, các quyền lợi, kinh tế khác nhau, các địa phương nghèo giàu khác nhau, các cách sống, các vùng miền, quan niệm khác nhau…, nên khó có một quyết sách hài lòng tất cả mọi người. Do đó, một thái độ cực đoan, khăng khăng mình đúng, không chấp nhận cái gì khác ngoài suy nghĩ, quy buộc của mình, không nghe bất cứ một lời giải thích nào khác, thì dù có đứng ở phía nào cũng không phải là dân chủ.

Tình hình khá đáng buồn đến nỗi Đức Giáo hoàng Francisco trong tông huấn Gaudete Et Exsultate (Hãy vui mừng hoan hỉ) vừa công bố hồi tháng 3 vừa qua cũng than rằng: Các Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới ngôn ngữ bạo lực trên internet và những diễn đàn khác nhau của truyền thông kỹ thuật số… Có thể người ta bỏ qua các giới hạn, việc bôi nhọ và vu khống có thể trở thành phổ biến, người ta có thể vứt bỏ mọi tiêu chuẩn đạo đức và sự tôn trọng thanh danh của người khác.

Nền dân chủ Mỹ thường được hình dung dí dỏm qua câu chuyện tiếu lâm sau: tổng thống Mỹ vừa thoát chết sau cơn bạo bệnh, lưỡng đảng ở thượng viện gởi điện chúc mừng, nội dung như sau: “Thượng viện Mỹ chúc mừng tổng thống khỏe mạnh trở lại”, dưới ghi rõ 51 phiếu thuận, 49 phiếu chống. Sau đó thì 100 nghị sĩ đi đánh gôn với nhau. Dân chủ là như vậy, khác biệt nhưng lịch sự chấp nhận nhau để tìm cách cùng phát triển. Dân chủ không có khái niệm loại trừ.

Lưu Vĩ Lân / Vietnamnet

Chia sẻ lên MXH:

Đăng ký theo dõi

spot_imgspot_img

Xem nhiều

Bạn có thể quan tâm
Related