Cả đêm qua tôi ngủ chập chờn, chốc lại mở máy xem tin tức phía bên kia bán cầu.
Và rồi, tôi cũng thở phào khi nghe tin Tổng thống Donald Trump tạm ngừng áp thuế 90 ngày.
Là chủ tịch một doanh nghiệp có tới 50% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ, mức thuế đối ứng đưa ra 46% là cú sốc nằm ngoài mọi tưởng tượng của tôi.
Liên tục mấy ngày qua, chúng tôi liên hệ với các nhà phân phối tại Mỹ. Phản ứng của phía bên kia cũng là sự bàng hoàng. Ông John, nhà phân phối tại California, một người ủng hộ Trump và Đảng Cộng hòa, không giấu nổi lo lắng. Tuy nhiên, ông trấn an tôi rằng đây có thể chỉ là một động thái chiến lược, một đòn ngoại giao để tạo ưu thế cho các vòng đàm phán thương mại, và tình hình sẽ ổn trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhà phân phối tại Florida thẳng thắn: “Nếu Mỹ thực sự áp dụng mức thuế này, sản phẩm của các bạn, cũng như nhiều mặt hàng khác từ Việt Nam sẽ khó tiếp tục có mặt tại thị trường Mỹ”. Một đánh giá lạnh lùng, nhưng thực tế.
Phía bờ Đông nước Mỹ, nhà phân phối tại New York – một người ủng hộ Đảng Dân chủ – cho rằng không nên quá lo lắng với những tuyên bố của Tổng thống, và vẫn thảo luận về đơn hàng như thường lệ. Trong những ngày qua, ông tiếp tục đặt hàng, cho thấy ông tin vào sự ổn định dài hạn.
Tuy khác biệt quan điểm chính trị và thái độ tiếp nhận tin tức, cả ba nhà phân phối đều đồng thuận rằng đây là giai đoạn khó khăn thực sự. Và để vượt qua, tất cả các bên trong chuỗi phân phối phải đoàn kết lại, mỗi bên chia sẻ một phần lợi nhuận của mình để giữ giá cả ổn định và duy trì thị trường.
Không chỉ tại Mỹ, các nhà phân phối ở châu Âu, Nhật Bản và Australia cũng nhanh chóng liên hệ, dù hàng hóa của chúng tôi tại các thị trường này không chịu ảnh hưởng bởi thuế quan mới.
Nhà phân phối tại Hà Lan cam kết tăng cường đơn đặt hàng nhằm hỗ trợ chúng tôi vượt qua khó khăn tại thị trường Mỹ. Maurits – một đối tác phát triển sản phẩm – đã bay sang đêm qua, cùng chúng tôi cơ cấu lại sản phẩm để bù đắp hàng qua Mỹ.
Đối tác hơn 30 năm tại Nhật Bản thì tích cực chia sẻ các xu hướng sản phẩm mới và đề nghị hợp tác phát triển các dòng hàng phù hợp để mở rộng thị phần tại Nhật.
Ấn tượng nhất là một nhà phân phối tại Australia. Ngay sau khi nhận tin, bà lập tức bay sang Việt Nam để cùng chúng tôi lên kế hoạch thiết kế mẫu mã mới, chuẩn bị tham gia hội chợ lớn tại Sydney vào tháng sau.
Những động thái này không chỉ là sự phản ứng kịp thời, mà còn là chỉ dấu thể hiện sự tin tưởng và đồng hành bền chặt của những đối tác lâu năm.
Hôm qua, tôi đọc được phát biểu của Thủ tướng Singapore – Lawrence Wong – một bài phát biểu điềm tĩnh, có tầm nhìn sâu rộng về cách thức hoạt động của hệ thống thương mại toàn cầu. Tôi hiếm khi xúc động trước các vấn đề tài chính, nhưng với đoạn này thì khác:
“Thuế đối ứng là sự bác bỏ căn bản quy tắc của WTO. Một trong những nguyên tắc căn bản của hệ thống thương mại đa phương WTO là Tối huệ quốc (MFN). Nguyên tắc Tối huệ quốc nghe có vẻ như là đặc quyền, nhưng thực ra nó mang nghĩa ngược lại là mọi thành viên phải đối xử bình đẳng với tất cả thành viên khác… Nó đảm bảo sân chơi bình đẳng, ngăn phân biệt đối xử, cho phép các nước dù lớn hay nhỏ được cạnh tranh công bằng trên thị trường toàn cầu…
Nếu các nước khác cũng áp dụng cách tiếp cận như Mỹ, hệ thống thương mại dựa trên luật lệ sẽ tan rã. Điều này sẽ gây rắc rối cho tất cả các nước, nhưng những quốc gia nhỏ như Singapore sẽ đối mặt áp lực lớn hơn. Vì các nước nhỏ ít có quyền thương lượng trong đàm phán song phương. Các cường quốc sẽ đề ra luật chơi và chúng ta có nguy cơ bị gạt sang lề”.
Bởi những câu chữ này khiến tôi nhớ lại thời kỳ Covid-19, khi các công nhân của chúng tôi tại Bình Dương phải ở lại nhà máy nhiều tháng liền để thực hiện chế độ 3T (Ba tại chỗ) nhằm duy trì sản xuất. Trong giai đoạn đó, họ đã làm việc không ngừng nghỉ để cung ứng gạch cho tòa nhà trụ sở tại New York của hãng vaccine số một thế giới lúc bấy giờ – Pfizer. Tôi tự hỏi, thế giới đầy biến động này đáng lẽ phải đưa các nước xích lại gần nhau hơn, và với cách vận hành thương mại toàn cầu hàng chục năm qua, có quốc gia nào lại không phải là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Nhưng quan sát thương trường 10 năm qua, tôi cũng nhận ra dấu hiệu ngày càng rõ rệt của làn sóng bảo hộ thương mại, bao gồm chính sách tăng thuế nhập khẩu ở những nước giàu, đang đe dọa tới công việc làm ăn và thu nhập của người dân những nước nghèo.
Tình thế xảy ra với doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam là một sự cảnh báo cho hệ thống phân phối cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, dù là thị trường lớn nhất thế giới, vẫn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc kênh phân phối và tạo ra các liên minh chiến lược để đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Đây là lúc cần có tư duy mới trong xây dựng hệ thống phân phối, tránh sự tập trung quá mức vào một khu vực địa lý. Thay vào đó, hãy phát triển một mạng lưới phân phối toàn cầu cân bằng hơn, để không một cú sốc đơn lẻ nào có thể làm lung lay cả hệ thống.
Ở góc nhìn khác, doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống, kênh phân phối truyền thống để chuyển đổi sang mô hình D2C (Direct-to-Consumer, trực tiếp từ nhà máy tới khách hàng). Với kinh nghiệm triển khai các kênh thương mại điện tử và tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, IoT… chúng ta hoàn toàn có thể chuyển đổi dần sang mô hình này để tối ưu chi phí.
Ở góc độ Chính phủ, theo tôi, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm “Made in Vietnam” và “Made by Vietnam”. Việt Nam nên xây dựng bộ tiêu chí để thu hút những nhà đầu tư chất lượng cao, có giá trị gia tăng thực và đóng góp lâu dài cho nền kinh tế, thay thế các doanh nghiệp FDI chỉ tận dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển để né thuế. Điều này không chỉ gây tổn hại cho kinh tế quốc gia mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp thuần Việt đang nỗ lực để xuất khẩu.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam thực sự – những doanh nghiệp thuần Việt, tạo giá trị gia tăng 100% cho đất nước. Những người nông dân trồng lúa ở An Giang, người nuôi tôm ở Bến Tre, công nhân sản xuất nội thất ở Bình Dương, người trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột chẳng hạn – đang trông chờ vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời và mạnh mẽ từ Chính phủ để bảo đảm tương lai của mình.
Những biến động ở tầm quốc gia luôn là phép thử cho tinh thần đoàn kết, tầm nhìn chiến lược và năng lực hành động. Một cú sốc có thể khiến thị trường chao đảo, nhưng với bản lĩnh và sự tỉnh táo, nó cũng có thể là khởi đầu cho một tư duy mới, một cách làm khác và một tương lai vững vàng hơn.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mot-cu-soc-nhieu-thuc-tinh-4872025.html