Nhiều người hoài nghi, thậm chí sốc khi Linda McMahon, một trong những người sáng lập ngành công nghiệp đấu vật giải trí (WWE), được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ.
Lo ngại như thế không phải không có cơ sở, khi nhiều người tiền nhiệm ở vị trí này, bất kể năng lực và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực giáo dục công, cũng không thể giải quyết hiệu quả nhiều thách thức lâu đời của xứ cờ hoa.
Một trong số đó là thực tế: năm 2024 có 21% người trưởng thành ở Mỹ bị xem là mù chữ chức năng, nghĩa là gặp khó khăn trong việc đọc viết ở mức đủ để thực hiện những việc thường ngày. 54% người trưởng thành có khả năng đọc viết kém hơn học sinh lớp 6. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy tỷ lệ biết chữ thấp khiến nước Mỹ thiệt hại tầm 2.200 tỷ USD mỗi năm.
Cuộc khủng hoảng về khả năng đọc viết ở Mỹ có căn nguyên rất phức tạp, đan xen giữa những yếu tố thuộc hệ thống giáo dục phổ thông, bối cảnh kinh tế xã hội, cơ cấu dân số, môi trường gia đình và tác động của thời đại kỹ thuật số.
Mỹ là ví dụ điển hình cho thấy giàu có không phải là yếu tố quyết định thành công về giáo dục. Mức đầu tư công tính trên mỗi học sinh ở Mỹ cao hơn hầu hết nước khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng năng lực đọc hiểu của học sinh và người trưởng thành lại không tương xứng.
Nhiều nước khác cũng đối mặt với vấn đề này, tuy nguyên nhân cốt lõi có những điểm khác nhau. Theo báo cáo mới nhất của OECD, trong số 27 thành viên và đối tác tham gia khảo sát, 25% số người trưởng thành chỉ có khả năng đọc viết ở cấp độ 1/5, nghĩa là chỉ có thể đọc hiểu những văn bản đơn giản nhất.
Số liệu trung bình là thế, nhưng biên độ dao động giữa các thành viên OECD lại rất lớn. Ở Phần Lan và Nhật, tỷ lệ biết chữ luôn đạt mức gần 100% và trên 20% số người trưởng thành có khả năng đọc viết ở cấp độ 4-5. Ngược lại, những nước như Mexico và Chile, hơn 50% số người trưởng thành chỉ có thể đọc viết ở cấp độ 1. Kết quả chương trình đánh giá năng lực quốc gia (NAPLAN) Australia năm 2024 cho thấy, 1/3 học sinh Australia chưa đạt chuẩn đọc hiểu. 44% người trưởng thành ở nước này chỉ có khả năng đọc hiểu và tính toán ở cấp độ 1 và 2.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm khả năng đọc viết ở nhiều nước là ảnh hưởng của đại dịch. Tương tự, tác động tiêu cực của lạm dụng công nghệ cũng là một nguyên nhân phổ biến. Nhưng có những căn nguyên lâu dài hơn nhiều. Chính sách vĩ mô, chiến lược đầu tư, chất lượng của hệ thống giáo dục (nhất là ở bậc phổ thông), khoảng cách về kinh tế – xã hội và nền tảng gia đình đều có tác động lớn.
Tuy nhiên, điểm xuất phát, theo nhiều chuyên gia, chính là thái độ văn hóa đối với giáo dục.
Một điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều nước nhóm đầu về khả năng đọc viết và tính toán là văn hóa tôn trọng giáo dục. Nền giáo dục của những nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan luôn được xem là những điển hình của việc thường xuyên cải cách chính sách và hệ thống giáo dục, hướng đến sự bình đẳng, hòa nhập, toàn diện và lấy người học làm trung tâm.
Thái độ văn hóa cũng thúc đẩy thành tựu giáo dục ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Chẳng hạn, học sinh Nhật liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu trong các bài đánh giá quốc tế như PISA, nhờ vào nền văn hóa coi trọng kỷ luật và học tập suốt đời. Tuy nhiên, ở những quốc gia này, việc quá chú trọng thành tích thi cử thay vì đào tạo toàn diện và lâu dài cũng gây áp lực lớn đến học sinh, đôi khi làm suy giảm thành quả lâu dài. Báo cáo mới nhất của OECD cho thấy tuy kỹ năng đọc hiểu và tính toán của nhóm 16-65 tuổi ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao, đã có sự suy giảm rõ rệt so với 10 năm trước đây, đặc biệt ở lớp trung niên trở lên.
Việt Nam có mức thu nhập đầu người ở ngưỡng trung bình thấp, nhưng lại là quốc gia thành công về công tác xóa mù và nâng cao khả năng đọc viết. Xấp xỉ 97% người trưởng thành ở Việt Nam đạt kỹ năng đọc viết cấp độ 1-2. Học sinh Việt Nam vượt trội bạn bè đồng trang lứa ở nhiều quốc gia giàu có trong những bài đánh giá quốc tế như PISA. Ở Đông Nam Á, kết quả PISA của học sinh Việt Nam chỉ đứng sau Singapore.
Thành quả này là nhờ vào chiến lược đầu tư dài hạn vào giáo dục, dựa trên nền văn hóa khuyến học. Cả xã hội có niềm tin rằng giáo dục là chìa khóa để vươn lên, ăn sâu qua nhiều thế hệ. Cha mẹ đầu tư rất nhiều vào việc học của con dù nguồn lực hạn chế. Nhà nước xem giáo dục là quốc sách và có nhiều ưu đãi cho các cộng đồng bị thiệt thòi, cải thiện khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giới tính và hỗ trợ các dân tộc thiểu số. Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 là một bước chuyển biến quan trọng, từ truyền thống giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang cách tiếp cận mở, lấy người học làm trung tâm, hướng đến nâng cao năng lực toàn diện. Tuy giai đoạn triển khai ban đầu còn một số lúng túng, nhưng đây là một mô hình đã thu được thành công ở nhiều nước.
Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức tương tự các nước nói trên. Khoảng cách về kinh tế xã hội, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn, vẫn tác động đáng kể, đặc biệt là với vùng sâu vùng xa và các nhóm dân tộc thiểu số. Giáo dục mầm non gặp khó khăn nhất, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến chính sách đầu tư. Theo UNICEF, tỷ lệ hoàn thành giáo dục phổ thông cũng chưa cao, chỉ đạt mức 59% vào năm 2022. Con số này còn thấp hơn ở nhóm thu nhập thấp (31%) và nhóm cộng đồng thiểu số (chưa đến 20%).
Việc đào tạo nghề và những kỹ năng thiết thực cho công việc còn hạn chế, khiến nhiều nhà tuyển dụng than phiền về kỹ năng mềm của sinh viên mới tốt nghiệp. Trình độ tiếng Anh cũng là một trở ngại lớn, khi mặt bằng tiếng Anh của người Việt nhiều năm chỉ ở mức thấp.
Tóm lại, bức tranh toàn cầu vẽ nên một câu chuyện phức tạp: chỉ riêng sự giàu có không đảm bảo khả năng đọc viết. Thái độ văn hóa cũng quan trọng không kém – nếu không muốn nói là hơn – trong việc định hình kết quả giáo dục.
Việt Nam là một minh chứng cho thấy kết hợp chính sách vĩ mô và tinh thần khuyến học của cả xã hội có thể mang lại kết quả tốt ngay cả trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực. Nhưng muốn đạt thành công dài hạn và toàn diện, Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, cần tiếp tục nỗ lực xây dựng một hệ thống giáo dục bình đẳng, hòa nhập, lấy người học làm trung tâm. Đây là một sứ mệnh không phải chỉ có tiền là được.
Lâm Vũ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-nang-doc-viet-nha-giau-cung-khoc-4829641.html