Chị là một trong những người sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, cũng từng ngồi ở vị trí lèo lái ngân hàng này nhiều năm.
Ngày Đông Á được chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà TP HCM và đổi tên thành Ngân hàng Số Vikki, dời hội sở ra Hà Nội, chị nhắn cho tôi nói đại ý chị đã xóa bỏ cái tên Đông Á khỏi cuộc đời lâu rồi.
Từ một ngân hàng nằm trong tốp đầu các nhà băng cổ phần, được không ít định chế quốc tế đặt vấn đề trở thành đối tác chiến lược, sở hữu tới 7 triệu khách hàng thời hoàng kim, Đông Á xuống dốc không phanh sau những sai lầm, vi phạm của dàn lãnh đạo cũ. Không giống những ngân hàng yếu kém khác bị chuyển giao bắt buộc, Đông Á đã có một nền tảng khởi đầu tốt để phát triển.
Câu chuyện về những ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đã diễn ra mười năm trước, đến nay mới có bước chuyển biến dứt điểm. Trong suốt năm tháng ấy, bản thân các ngân hàng yếu kém và cơ quan quản lý đã nỗ lực tìm phương án xử lý tối ưu, kể cả mời gọi đầu tư nước ngoài, nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và an toàn hệ thống. Để đạt được hai mục tiêu trên, đổi lại các ngân hàng bị chuyển giao đã kéo dài thời gian “tái cơ cấu”, theo đó những mất mát tài chính đi song song với sự biến mất của một số cái tên, thương hiệu lớn một thời.
Bây giờ việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém về cơ bản đã vào giai đoạn hoàn tất, nhìn lại quá trình vừa qua, có không ít ý kiến cho rằng, liệu chúng ta có thể rút ngắn thời gian xử lý bằng các giải pháp quyết liệt hơn. Một quan chức ngành ngân hàng cho biết các tổ chức tín dụng yếu kém là điểm nhạy cảm, xử lý không khéo có thể tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Ngoài ra chúng ta thực sự chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này. Quá trình xử lý đòi hỏi phải hài hòa lợi ích của nhiều bên, nhiều phía.
Ý kiến của ông không sai. Tuy nhiên tái cơ cấu ngân hàng dường như không chỉ có gút mắc chừng ấy, mà nằm chủ yếu ở sự lựa chọn nguồn lực xử lý và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của toàn xã hội. Đã có những tranh luận gay gắt trên báo chí, phương tiện truyền thông, trong các cuộc hội thảo ở nhiều cấp, kể cả diễn đàn Quốc hội về việc liệu có nên sử dụng ngân sách nhà nước để “cứu” ngân hàng.
Một bên cho rằng dùng tiền đóng thuế của người dân để xử lý ngân hàng yếu kém là không hợp tình, hợp lý. Một bên đề xuất tạm thời sử dụng có kiểm soát tiền ngân sách để tái cơ cấu, đến khi ngân hàng yếu kém khỏe mạnh trở lại, làm ra lợi nhuận sẽ nộp trả Nhà nước. Ngắn gọn, ngân hàng yếu kém đề nghị được Nhà nước hỗ trợ và trả lại sau này.
Câu hỏi là cơ chế nào cho phép ngân hàng yếu kém nhận hỗ trợ của ngân sách Nhà nước? Thực tế khi một ngân hàng mất khả năng chi trả, Nhà nước vẫn hỗ trợ thông qua cơ chế tái cấp vốn và các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đã được tái cấp vốn các kỳ hạn 6 tháng, thậm chí 12 tháng và được tái cấp vốn lại nếu cần thiết khi hết hạn.
Nếu áp dụng phương thức xử lý theo dòng ý kiến thứ hai, chúng ta đã có thể rút ngắn tương đối thời gian tái cơ cấu các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc. Song dòng ý kiến thứ nhất đã dẫn trước. Áp lực không thể lấy tiền ngân sách để “giải cứu” ngân hàng yếu kém đã buộc cơ quan quản lý chọn cách thức tái cơ cấu kéo dài nhiều năm.
Tái cơ cấu ngân hàng, theo quan sát và ghi nhận của tôi như một nhà báo chuyên ngành, là vấn đề sống còn của kinh tế quốc gia. Khi vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra, trong giờ phút khó khăn, bắt buộc phải xử lý ngân hàng SCB, Nhà nước đã lựa chọn trả hết tiền gửi cho dân và cho SCB dừng huy động vốn. Đấy chính là sự vận dụng phương thức xử lý theo dòng ý kiến thứ hai một cách nhanh chóng, linh hoạt và nó đem lại hiệu quả tức thì. Người bệnh đã được phẫu thuật ngay tức khắc để cầm máu, ngăn tiến triển xấu hơn.
Đến nay tiền gửi của dân ở SCB cơ bản đã xử lý xong. SCB đã không còn ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Ngay cả những trái chủ mua trái phiếu doanh nghiệp do Vạn Thịnh Phát phát hành đang chờ để nhận lại tiền. Đây là một thành công của tái cơ cấu một tổ chức tín dụng như SCB và Vạn Thịnh Phát. Mới chỉ hai năm trước, những người mua trái phiếu doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát có lẽ cũng không mơ sẽ nhận lại được tiền cho dù vẫn luôn hy vọng.
Năm 2015, tôi phỏng vấn một quan chức cấp cao Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ông nói các ngân hàng yếu kém có tài sản thế chấp là bất động sản và nhìn lâu dài về tương lai, họ có khả năng thu hồi nợ, nhưng hiện tại “ngày giáp hạt họ thiếu ăn”. Ông nhấn mạnh “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nếu chúng ta cấp cho họ thúng gạo ngày đói, kiểm soát chặt cách họ sử dụng thúng gạo sao cho hiệu quả, họ sẽ khỏe và trả lại đủ.
Tái cơ cấu ngân hàng và những lựa chọn, đánh đổi, kết quả ở các cung bậc khác nhau, suy cho cùng là sự dám nghĩ, dám làm của đội ngũ những người kinh doanh tiền tệ, điều hành thị trường tiền tệ để huyết mạch nền kinh tế luôn lưu thông.
Hải Lý
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-cuu-ngan-hang-yeu-kem-4850698.html