Vào thu, rừng phong mát rượi, những tán cây xòe rộng như một mái vòm sinh học, hứng trọn ánh mặt trời. Ánh sáng chiếu xuống những chiếc lá đã chuyển sắc đỏ, vàng, cam, phủ lên không gian sắc ấm đặc trưng của mùa thu.
Đi sâu hun hút vào trong rừng thông, người ta dễ có cảm giác đang đi giữa một thế giới khác. Mùa thu hoạch xi-rô của cây phong thường diễn ra từ tháng hai đến tháng tư.
Tôi còn nhớ rõ con ngựa của mình, Comanche. Cuối đông, nó chùn bước trước rừng cây, ngẩng đầu, giậm chân, nôn nóng muốn được thả mình tung tăng trên cánh đồng phủ đầy tuyết. Nhưng chúng tôi có việc phải làm, và đôi chân dài của nó dễ dàng vượt qua lớp tuyết dày hơn tôi.
Những thân cây phong cao lớn, uy nghi, lớp vỏ xám mịn nổi bật trên nền tuyết trắng. Dưới móng ngựa, tuyết dày lạo xạo vang lên từng nhịp khi chúng tôi tiến sâu vào rừng.
Để lấy nhựa phong, hãy khoan một lỗ chếch lên trên thân cây, nhét vào đó một máng nhỏ rồi gắn xô hứng nhựa. Nhựa chảy chậm, rất khác so với lần tôi leo cây thốt nốt ở An Giang. Xong xuôi, chúng tôi quay lại thu nhựa, đưa về túp lều và đun sôi. Bên ngoài trời lạnh cắt da, bạn bè tôi khoác lên mình những bộ đồ ấm nhất, quây quần quanh lò đun đang sôi, để hơi nóng giúp chúng tôi giữ ấm trong túp lều gỗ. Thỉnh thoảng, chúng tôi lén pha một chút xi-rô cây phong với rượu bourbon và dĩ nhiên giấu biệt chuyện đó với bố mẹ.
Rừng phong có vẻ gần gũi với tôi hơn: cây cối lớn hơn, già cỗi hơn, đặc biệt là thần thoại hơn vào mùa đông. Chúng đã ở đây suốt 400 triệu năm, sống sót qua các sự kiện tuyệt chủng. Vẫn còn rất nhiều điều về chúng mà chúng ta chưa hiểu hết.
Từ lúc lên mười, mỗi khi mùa đông tới, tôi thỉnh thoảng lại đi bộ một quãng đường dài vào rừng và chặt những cành tuyết tùng, dựng một nơi trú ẩn và dùng cỏ khô để lót sàn. Rồi, tôi chui vào trong, ôm chặt vài chú chó Sheltie mà ngủ. Trong túi ngủ, cởi bỏ quần áo, bạn sẽ có giấc ngủ tuyệt vời.
Những trải nghiệm đáng nhớ ấy đã đồng hành cùng tuổi trẻ của tôi, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên hoang dã, trang bị cho tôi những kỹ năng sinh tồn quý giá, khơi dậy sự tò mò và định hình tôi trở thành một người khao khát khám phá.
Gần đây, khi biên tập cuốn sách về Alexandre Yersin, nhà bác học vĩ đại, người khám phá ra Đà Lạt, tôi cảm thấy tinh thần khám phá trong mình bừng cháy. Chính tình yêu thiên nhiên hoang dã đã đưa Yersin đến Việt Nam và thúc đẩy ông tìm ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch năm 1894, một thành tựu khoa học vĩ đại thời bấy giờ.
Để tìm lại cảm hứng ấy, tôi dẫn vài người bạn Australia lên đồi Đa Phú, giữa rừng thông Đà Lạt. Rừng thông khác hẳn rừng phong: những cây thông thẳng tắp, thưa thớt, để ánh sáng xuyên qua, chiếu xuống thảm lá kim ngăn cỏ cây khác mọc, tạo lối đi bộ dễ dàng. Đây là một thế giới độc đáo, đặc biệt với các loài côn trùng, nhờ sự khác biệt về đất và thảm thực vật.
Bạn bè tôi, vốn quen với thành phố và công nghệ, đang tìm kiếm trải nghiệm: một nơi không có internet, không có tin tức dồn dập, màn hình điện thoại không nhảy thông báo tới tấp.
Chúng tôi dựng trại tại một nơi lý tưởng để ngắm bình minh, đủ xa thành phố để thấy vài ngôi sao lấp lánh. Hơn một thế kỷ trước, Alexandre Yersin đã khám phá khu vực này, góp phần trong việc hình thành nên Đà Lạt ngày nay. Trong những chuyến phiêu lưu, ông đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và gặp gỡ các bộ lạc địa phương. Ngày nay, ô nhiễm ánh sáng khiến việc định hướng bằng bầu trời đêm, như Yersin từng làm, trở nên khó khăn.
Chúng tôi đến muộn, vội vàng dựng trại trước khi trời tối. Đêm xuống, bạn bè tôi run cầm cập vì có lẽ họ ngại hoặc không tin rằng ngủ khỏa thân trong túi ngủ sẽ ấm hơn. Tôi thì ngủ ấm áp và ngon giấc.
Buổi sáng, tôi hướng dẫn mọi người cách pha “cà phê cắm trại”. Chúng tôi trò chuyện rôm rả, chủ yếu về những cuốn sách phiêu lưu hấp dẫn, và nhận xét về những cây thông lớn khiến họ liên tưởng đến “ents”.
Ents, trong thế giới giả tưởng Trung Địa của J.R.R. Tolkien, là những sinh vật khổng lồ, nửa người nửa cây, đóng vai trò “người chăn cừu” của rừng. Chúng cổ xưa, thông thái, bảo vệ thiên nhiên với mối liên hệ sâu sắc với cây cối, nổi bật bởi kích thước đồ sộ và bản tính chậm rãi nhưng mạnh mẽ.
Dù được Tolkien sáng tạo từ năm 1937, ý tưởng về ents dường như trở nên sống động hơn bao giờ hết.
“Cảm giác những cái cây ở đây hình như đang động đậy”, bạn tôi nói.
“Chúng vẫn luôn ‘động’ chứ không ‘tĩnh’”, tôi đáp.
Cây cối không “nhìn” bằng mắt, nhưng chúng cảm nhận và phản ứng với ánh sáng qua các thụ thể ánh sáng: những protein chuyên biệt phát hiện các bước sóng khác nhau. Chúng kết nối với khu rừng qua mạng lưới nấm, chia sẻ chất dinh dưỡng và thông tin, cảnh báo khi có sự xâm nhập.
Những cây cổ thụ như những bậc tiền bối, nâng đỡ cả khu rừng và hành tinh. Rễ của chúng trải dài hàng cây số, không chỉ hút nước mà còn chia sẻ, kết nối và duy trì sự sống. Cây xanh cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thụ chất ô nhiễm và thải oxy. Chúng giữ bụi trên lá và vỏ, đồng thời hút khí độc như carbon dioxide, nitơ oxit và lưu huỳnh dioxide qua khí khổng. Tôi có thể nói về cây cả ngày!
Đột nhiên, một cậu bé lang thang vào khu cắm trại của chúng tôi, suýt đụng vào chúng tôi do mải mê nói chuyện qua điện thoại. Chúng tôi kịp tránh vì nghe tiếng cậu từ xa, khi cậu vừa đi vừa phát trực tiếp qua “gậy tự sướng” gắn trên ngực bằng đám dây đeo phức tạp, trò chuyện không ngừng với người theo dõi.
Trong lúc chúng tôi lặng lẽ cảm nhận khu rừng, tiếng cậu át đi tất cả. Từ tiếng côn trùng, chim chóc đến tiếng cây kẽo kẹt. Cậu và những người khác dường như chỉ đến để chụp ảnh, khoe “Tôi đã ở đây!” mà chẳng thực sự thấy hay nghe vẻ đẹp của nơi này.
Khi cậu rời đi, chúng tôi thở phào. Nhưng chỉ một giờ sau, ba thanh niên khác xuất hiện, đặt ghế chặn ngay tầm nhìn của chúng tôi. Họ dựng máy ảnh, nói chuyện ầm ĩ với ống kính, bật nhạc inh ỏi, phá tan sự yên tĩnh của rừng.
Chúng tôi bàn luận về việc âm nhạc át đi âm thanh tự nhiên, từ tiếng lá xào xạc đến tiếng chim hót. Một thanh niên Gen Z nghe được, xen vào, tỏ ra kích động. Cậu ta cử động cơ thể đầy thách thức, như thể đe dọa, dù chúng tôi, ba người đàn ông phương Tây to lớn nhưng hiền lành, chỉ đang ngồi ngắm hoàng hôn.
Cậu ta khoe khoang sức mạnh cơ thể, nghĩ chúng tôi không hiểu tiếng Việt. Rồi nhóm khác kéo đến, tiếp tục kịch bản “nhìn tôi này, tôi đã vào rừng”. Họ chìm sâu trong thế giới ảo, chụp hình mà không quan tâm xung quanh. Loa của họ bật nhạc ầm ĩ hướng về lều chúng tôi, chẳng màng đến sự phiền hà gây ra.
Khi họ rời đi, tôi thở phào, không còn bị âm nhạc cướp mất khoảnh khắc hiện tại. Chúng tôi đứng dậy, đi quanh ngọn đồi, tận hưởng sự tĩnh lặng trở lại.
Những địa điểm đẹp thường xuyên bị các “influencer” tìm đến và để lại bãi rác trên đồi Đa Phú. Tôi từng chứng kiến điều tương tự ở núi Chứa Chan, nơi rác chất thành núi, ngày càng cao qua mỗi năm.
Hai người bạn tôi, ban đầu hào hứng lên rừng, giờ mất dần nhiệt tình. Họ muốn rời đi. Chúng tôi trở về với “khu rừng bê tông” ở thành phố.
Có một khoảng cách rõ rệt giữa thế hệ hiện tại và thiên nhiên. Thay vì ngắm triệu ngôi sao trên bầu trời, họ chìm vào màn hình điện thoại. Họ không chỉ dửng dưng trước các vì sao, mà ngay cả những cái cây cũng chẳng thấy.
Tinh thần tò mò, khám phá của Yersin, ví dụ như tìm hiểu sâu về côn trùng, động vật nhỏ, bản chất của cây cối dường như đã biến mất. Thay vào đó, chỉ còn câu hỏi “có ăn được không?” và “chụp ảnh tự sướng ở đây có đẹp không?”.
Họ chỉ quan tâm đến việc khoe bản thân đang đi vào rừng chứ không thực sự khám phá vẻ đẹp sống động của rừng.
Tốt nhất là “đi một mình vào rừng không có rủ ai” để cảm nhận từng hơi thở và lắng nghe “tiếng” của rừng.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/di-vao-rung-mot-minh-4884035.html