Dạo này con tôi bị ngứa, uống thuốc tây xót ruột, tôi chạy tìm thuốc nam cho con.
Nhưng lên phố Lãn Ông chỉ toàn thấy thuốc bắc, còn ít thuốc nam đã cũ mốc không dùng được. Các hiệu đông y đầy ắp cao đơn hoàn tán và những thang thuốc ngâm rượu. Thuốc nam lá lẩu rẻ tiền không ai bán.
Ngày trước ở Hà Nội tìm thuốc nam rất dễ, chợ nào cũng có. Các bà bán thuốc, được gọi là bà hàng lá, thường ngồi cố định ở một góc chợ, nhìn xa tưởng hàng rau nhưng lại gần thì cơ man nào là lá; từ những loại thân quen như ngải cứu, kinh giới, tía tô, lá bưởi, lá tre, cho đến cúc tần, sài đất, đơn đỏ, râu ngô, bông mã đề, bồ công anh, rễ cỏ tranh… Hàng chục thứ lá, cả lá tươi lẫn lá khô, bày kín xung quanh.
Người mua đến kể bệnh, thường là các bệnh cảm cúm, rôm sảy, ngứa, mụn nhọt, đái dắt, táo bón cho đến mất ngủ, đau nhức xương khớp… Các bà nghe xong liền bốc mấy loại lá, mỗi loại một nắm gói thành bọc, gọi là một ấm. Người mua cũng chỉ mua vài ấm, uống khỏi thì thôi, chưa khỏi ra mua tiếp. Các bà chính là những “thầy thuốc nhân dân”, tồn tại bao nhiêu đời nay ở các chợ quê.
Nhiều người hay nói vui, ngành y ở Việt Nam có bốn “môn phái” – Đông Tây Nam Bắc – và bốn môn phái này “không hòa thuận” với nhau.
Tây y là y học do người phương Tây mang đến, còn Đông y là y học bản địa của phương Đông. Bây giờ ngôn ngữ chính thống gọi là y học hiện đại và y học cổ truyền. Trong Đông y lại chia ra Bắc y và Nam y. Giới Bắc y thì dùng thuốc Bắc, rất rành lý luận y học cổ truyền Trung Hoa, từ âm dương ngũ hành đến tạng tượng kinh lạc. Yếu thế nhất trong các môn phái trên chính là Nam y. Họ là những ông lang bà mế ở nông thôn, các bà hàng lá ở chợ phố, hàng ngày thu hái cây cỏ quanh vườn nhà, đem bán. Họ không học nhiều, không có bằng cấp, họ biết bệnh nào uống lá đấy, thế thôi.
Lương y thuốc nam có thể bị gọi là “lang băm” – một từ ngữ có ý miệt thị. Trong ngôn ngữ hàng ngày, nếu nhân viên y tế nào sai sót, ví dụ khám xét chưa chính xác, toa thuốc kê chưa chuẩn cũng bị mắng “Đồ lang băm”. Thật ra, nghĩa ban đầu những từ này là hoàn toàn bình thường. Người làm nghề y từ xưa đều được gọi kính trọng là “Lang”, như ông lang, cụ lang. Họ tự thu hái lá cây, băm nhỏ ra phơi khô làm thuốc, nên tự nhiên được gọi là “lang băm” theo nghĩa chân thật nhất của công việc này.
Tôi thì yêu các ông bà lang băm này. Họ mới chính là chân truyền của y học cổ truyền Việt Nam.
Con đường tất yếu của y tế Việt Nam là phát triển Tây y. Từ những thầy thuốc đầu tiên do trường Y Đông Dương đào tạo, đến nay sau hơn 100 năm, y học phương Tây đã bén rễ sâu sắc trong xã hội Việt Nam, đóng vai trò quyết định cho chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Tuy nhiên phát triển y tế Việt Nam chỉ dựa hoàn toàn vào y học hiện đại thì cũng không giải quyết hết các nhiệm vụ. Y học bản địa vẫn có thể đóng góp phần nào vào công việc này, do có ưu thế về tính sẵn có, giá thành, thói quen tiêu dùng…
Nhưng tôi thấy công việc phát triển Đông y lâu nay vẫn có gì đó chưa ổn. Có gì đó như là chín ép, duy ý chí. Việc phát triển y học cổ truyền thời gian qua mặc nhiên coi Tây y và Đông y là hai thực thể ngang nhau, bên này có cái gì thì bên kia phải có cái đó. Nên ta thấy ngành y Việt Nam có hai hệ thống y tế song trùng, Tây y và Đông y. Bên này có bệnh viện trung ương, bên kia cũng phải có bệnh viện trung ương; bên này có bệnh viện tỉnh, bên kia cũng phải có bệnh viện tỉnh, bên này có trường đại học thì bên kia cũng có trường đại học…
Sự tồn tại trùng lặp này làm cho cơ cấu ngành y cồng kềnh, kém hiệu quả, từ đó dẫn tới lãng phí. Trong bệnh viện y học cổ truyền cũng vẫn phải dùng thử máu xét nghiệm chụp chiếu như bệnh viện Tây y, chứ đâu chỉ đơn thuần bắt mạch kê đơn. Bệnh viện y học cổ truyền mà không trang bị phương tiện hiện đại thì sẽ không thu hút được người dân đến khám, nên rút cục bệnh viện Tây y có cái gì thì bệnh viện Đông y cũng có cái đó. Tôi có ấn tượng là hệ thống y học cổ truyền hiện nay tồn tại như một dạng “Tây y phẩy”, có tráng thêm một chút màu sắc cổ truyền, mà vẫn được giải thích bằng cụm từ rất an toàn là “kế thừa và phát huy vốn cổ”.
Trong trường đại học về y học cổ truyền thì thời lượng học chính vẫn là dạy Tây y. Kiến thức thiên về y học cổ truyền Trung Quốc. Kiến thức y học cổ truyền Trung Quốc bây giờ cũng là tài sản chung của nhân loại, nhưng nếu dựa vào hệ thống lý luận đó thì ta sẽ bị lệ thuộc vào nguồn dược liệu Trung Quốc. Sinh viên ít để ý đến thuốc nam. Công việc y học cổ truyền cũng không hấp dẫn các bạn trẻ, nên điểm tuyển sinh đầu vào phải hạ thấp, dẫn đến cả một vòng luẩn quẩn về việc làm, tiền lương…
Hiệu quả điều trị của y học hiện đại là cao hơn, nên trong khi bệnh viện Tây y phải xếp hàng đợi khám, nằm ghép giường thì viện y học cổ truyền thường vắng vẻ. Các bệnh viện này lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu từ bên kia biên giới. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự chủ, kể cả mức thấp là tự trả lương cho nhân viên.
Trong xu thế cải cách hiện nay, ngành y nên mạnh dạn thay đổi việc phát triển y học cổ truyền từ chiều rộng sang chiều sâu, tinh gọn, tránh lãng phí. Nên tái thành lập hai viện nghiên cứu về y học cổ truyền ở hai trung tâm là Hà Nội và TP HCM, ở đó giữ nguyên cách chữa trị từ ngàn xưa, cộng với các phương tiện hiện đại để nghiên cứu sâu những chuyên đề có triển vọng.
Còn tất cả bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, nếu khó khăn quá thì sáp nhập với bệnh viện phục hồi chức năng hoặc bệnh viện điều dưỡng, để tận dụng cơ sở vật chất, bổ sung thế mạnh cho nhau về chữa trị các bệnh mạn tính. Các bác sĩ y học cổ truyền được học thêm chứng chỉ để chuyển đổi thành bác sĩ y học hiện đại. Tuyển sinh y học cổ truyền cần siết chặt chất lượng, tránh mở quá rộng, đào tạo ồ ạt.
Việc thừa kế vốn y học cổ truyền cần ưu tiên cho các cây con bản địa, chứ không bắt sinh viên học những cây thuốc xa xôi chỉ mọc được trên đất Trung Quốc. Việc thừa kế y học cổ truyền có thể đi thẳng từ cây cỏ lên thành các sản phẩm thương mại, bằng phương pháp nghiên cứu dược lý hiện đại, không cần đi vòng qua con đường diễn giải bằng lý luận cổ âm dương ngũ hành nữa. Việc này cũng tránh cách nói mập mờ nước đôi bằng cả ngôn ngữ cổ truyền lẫn hiện đại, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Người dân có quyền lựa chọn chữa bệnh bằng phương pháp nào, y học hiện đại hay cổ truyền. Y học cổ truyền có phát triển được hay không là do sức hấp dẫn tự thân. Tôi tin rằng xã hội luôn tồn tại nhiều nhu cầu khác nhau, sẽ có những nhóm người thích sống chậm, thích trở về với thiên nhiên, thích y học cổ truyền hơn là y học hiện đại.
Và như thế y học cổ truyền vẫn sẽ tồn tại, một cách thực chất chứ không phải tồn tại duy ý chí như hiện nay.
Quan Thế Dân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/di-tim-cac-ba-thuoc-nam-4845374.html