Không một quốc gia nào ở châu Á có thể sánh ngang với Việt Nam về năng lực và khát vọng của người dân.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể đóng vai trò còn tốt hơn trong thị trường khu vực và thế giới nếu giải quyết được một vấn đề quan trọng. Vấn đề này cũng rất dễ nhận diện, chủ yếu liên quan đến khả năng phát âm tiếng Anh của người Việt.
Sáu năm trước, khi cần thể hiện một thiết kế phức tạp dưới dạng 3D, tôi liên hệ với một giảng viên đại học ở TP HCM. Anh này rất giỏi về chuyên môn. Khi tôi gọi điện để trao đổi về công việc, tôi buồn bã nhận ra anh không thể nói tiếng Anh. Anh cố gắng truyền đạt cho tôi hiểu rằng chúng tôi nên giao tiếp qua tin nhắn văn bản trên Skype.
Rồi tôi ngỡ ngàng khi nhìn những dòng chữ tiếng Anh hoàn hảo của anh. Anh cũng hiểu rõ mọi từ tôi gõ. Kỹ năng tiếng Anh đọc và viết của anh ở mức không thể chê trách được, nhưng kỹ năng nghe và nói chỉ ngang học sinh tiểu học. Anh cho biết mình hầu như không được học phát âm và không bắt kịp ngôn ngữ nói. Giáo viên của anh, từ thời phổ thông lẫn những năm đại học, đều không thành thạo về phát âm tiếng Anh.
Tôi biết một thanh niên 25 tuổi ở Đà Lạt, có bằng cử nhân ngành Kinh doanh. Để cậu vào đại học, gia đình ở quê đã phải bán cả ruộng vườn, vay nợ ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp, cậu trải qua ba cuộc phỏng vấn tuyển dụng: hai ở TP HCM và một ở Hà Nội. Bây giờ thì cậu đang làm nhân viên cắt cỏ ở sân golf. Tất cả đều vì cậu không đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh ở những vị trí công việc trên.
Chuyện buồn này có lẽ không hiếm ở Việt Nam. Những ước mơ tan vỡ, kỳ vọng lớn lao trở thành nỗi thất vọng. Những người trẻ này xứng đáng được hưởng chương trình giáo dục ngoại ngữ chất lượng hơn để không mất đi những cơ hội tốt trong công việc.
Năm 2017, cô gái trẻ tên là Trần Thị Thảo Uyên đã thực hiện một khảo sát về khả năng nghe nói của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Cô gửi cho tôi hàng loạt bản ghi âm lời đọc một đoạn văn tiếng Anh của các sinh viên, và yêu cầu tôi gạch dưới các từ bị phát âm sai. Tôi không thể tin vào những gì mình nghe thấy – sai hầu hết mọi từ. Thảo Uyên sau đó đưa khảo sát của mình vào luận văn thạc sĩ. Trong phần kết luận, cô viết: “Không ai có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với mức độ hiểu rõ cao”.
Là người nước ngoài ở Việt Nam, tôi thường được các bạn trẻ tiếp cận để thực hành nói tiếng Anh. Nhiều khi tôi không hiểu được, khiến họ bối rối, thất vọng và sớm bỏ cuộc. Có người thậm chí không thể phát âm đúng từ “English”. Các từ như “is” hay “easy” cũng bị phát âm sai. Vì vậy, diễn đạt một câu ngắn như “English is easy” cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Chất lượng giao tiếp tiếng Anh ở các vị trí như trả lời điện thoại, lễ tân khách sạn… cũng còn rất nhiều hạn chế. Và khi kỹ năng nghe nói tiếng Anh bị coi nhẹ ở các trường phổ thông và đại học, người Việt không nhận được chất lượng giáo dục ngoại ngữ xứng đáng.
Tôi từng nói chuyện với một giáo viên tiếng Anh tại Đà Lạt. Người này giải thích rằng cô hầu như không có thời gian dạy phát âm trên lớp, mà phải dành phần lớn thời gian cho từ vựng và ngữ pháp, phục vụ các kỳ thi quan trọng. Nhưng tôi thật buồn phải nói rằng, phát âm tiếng Anh của chính cô cũng không tốt, dù đã giảng dạy ở một trường công lập hơn 10 năm.
Nếu một giáo viên không thể phát âm tiếng Anh cho đúng, thì người đó quả thực không nên dạy về phát âm.
Vì lý do này, nhiều trường học tại Việt Nam đang giải quyết vấn đề bằng cách mời người nước ngoài vào trường dạy tiếng Anh. Nhưng hãy tin tôi, đây không phải là cách hay. Giáo viên Việt Nam sẽ dạy tiếng Anh tốt hơn người nước ngoài, nhờ lợi thế biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, trong khi người nước ngoài phần lớn chỉ biết tiếng Anh. Có người bản ngữ tiếng Anh là cần thiết nhưng chỉ nên thuê để giúp giáo viên tiếng Việt phát âm tiếng Anh thành thạo.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, khoảng 10 năm trước, tôi tới một trường đại học ở Đà Lạt, gặp gỡ trưởng khoa Anh ngữ, đề nghị dạy phát âm miễn phí cho các giáo viên. Nhưng ông từ chối, cho rằng điều đó không quan trọng, chưa phải là mối quan tâm ưu tiên của ông.
Tôi không nản lòng, qua nhiều năm, tôi đã phát triển một chương trình ngữ âm tổng quát để loại bỏ những lỗi phổ biến nhất mà giáo viên Việt Nam thường mắc phải. Việc nắm vững những âm này sẽ triệt tiêu hơn 60% lỗi phát âm mà họ truyền lại cho học sinh. Tiếp theo, tôi tập trung vào hệ thống từ vựng xuất hiện trong sách giáo khoa tiếng Anh. Phát âm đúng các từ này sẽ giúp họ loại bỏ các lỗi còn lại trong quá trình giảng dạy.
Trong lớp học của tôi, giáo viên được yêu cầu phát âm chính xác mọi âm, mọi từ trong chương trình. Một lỗi phát âm duy nhất cũng có thể khiến họ bị đánh trượt và phải ôn tập lại cho tới khi hoàn hảo.
Học sinh tiếng Anh được giảng dạy bởi những giáo viên tốt nhất. Các em nên được học phát âm đúng từ khi còn nhỏ, không nên phải học lại hay sửa lại phát âm ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời.
Một số người nghĩ đơn giản rằng chỉ cần chịu khó tập phát âm thường xuyên ở nhà là đủ. Nhưng việc đi học rất quan trọng, vì hai lý do. Thứ nhất, là để quan sát chuyển động trên khuôn mặt giáo viên. Điều này giúp việc học dễ dàng hơn rất nhiều. Thứ hai, cần có giáo viên để đánh giá xem bạn phát âm chuẩn hay không.
Tôi được biết, Việt Nam có tham vọng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa mục tiêu này, trong đó có chuẩn hóa trình độ phát âm của giáo viên. Qua nhiều năm, tôi đã dạy phát âm cho hơn 400 giáo viên tiếng Anh người Việt ở tỉnh Lâm Đồng. Niềm vui khi thấy các giáo viên phát âm đúng là thứ thù lao duy nhất tôi cần.
Nếu tiếng Anh được dạy tốt trong hệ thống trường công, các cơ sở dạy tiếng Anh tư nhân sẽ trở nên không cần thiết và dần phải đóng cửa. Trường công cần có khả năng dạy tiếng Anh ở mức ngang bằng các trường tư tốt nhất. Hãy nghĩ xem, nếu được như thế, phụ huynh sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền, và mọi đứa trẻ ở Việt Nam đều được trang bị trình độ tiếng Anh chuẩn hóa, thay vì chỉ một số ít con nhà có điều kiện học bên ngoài như hiện nay.
Paul A. Olivier
Nguồn tin: https://vnexpress.net/day-noi-tieng-anh-o-viet-nam-4838205.html