“Thí sinh” thủ khoa đạt 98% yêu cầu. “Bạn ấy” không chỉ biết giải thích tại sao mình chọn đáp án này, mà còn lý giải tại sao không chọn các đáp án còn lại.
Đây là chia sẻ của bác sĩ Scott Gottlieb với Đài CNBC, Mỹ hôm 19/7 về kết quả bài kiểm tra y khoa của 5 “thí sinh” – là những AI chatbot hàng đầu thế giới hiện nay: ChatPGT 4o (công ty Open AI), Claude 3.5 (Sonet), Gemini nâng cao (Google), Grok (X) và Hugging Chat (Llama).
Gottlieb là thành viên Viện Hàn lâm Y khoa Quốc gia và từng là ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Ông cho biết 5 thí sinh AI phải trả lời 50 câu hỏi nằm trong phần thi dành cho những “ứng viên bác sĩ tương lai” đã hoàn thành bốn năm đào tạo y khoa và bắt đầu thực tập nội trú tại bệnh viện. Với tiêu chí phải đạt từ 60% điểm trở lên, cả 5 thí sinh AI đều đậu kỳ thi khó khăn này. ChatGPT 4o cao điểm nhất – đạt 98%, thấp nhất là Hugging Chat (66%), kết quả bình quân của 5 thí sinh AI là 75%.
Chuyện AI thi đấu các môn thể thao trí tuệ với người hoặc tham gia các kỳ kiểm tra kiến thức của con người đã có lịch sử khá dài. Lần đầu tiên AI đấu trí với người là năm 1997. Cả thế giới xôn xao khi siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov trong một trận đấu kéo dài 6 ván, trong 3 ngày. Ý tưởng viết chương trình đánh cờ vua cho máy tính đã được Alan Turing – một trong những bậc tiền bối của ngành khoa học máy tính và AI – phác thảo từ năm 1948, thời điểm mà máy tính chưa hề xuất hiện. Chiến thắng này đánh dấu 49 năm biến một ý tưởng trong suy nghĩ của các nhà khoa học máy tính thành hiện thực.
19 năm sau, Lee Sedol – người từng 18 lần vô địch thế giới môn cờ vây – đã thất thủ 1-4 trước phần mềm AlphaGo được phát triển bởi Google DeepMind trong một “trận đấu” từ ngày 9 đến 15/3/2016 tại Seoul, Hàn Quốc. Sau đó phiên bản AlphaZero cũng của Google lại đánh bại “nhà vô địch” AlphaGo 5 ván tuyệt đối chỉ sau vài ngày được huấn luyện bởi các kỹ sư của Google. Cuối tháng 7 vừa qua, một ứng dụng khác của DeepMind là AlphaProof đã chinh phục 4 trong 6 bài của đề thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm nay, đạt 28/42 điểm, ngang với thí sinh giành huy chương bạc.
Hai năm qua, với sự ra đời của AI tạo sinh dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, AI tạo sinh còn tham gia và giành được những giải thưởng trong các cuộc thi mang tính nghệ thuật như vẽ tranh, viết văn…
Theo dõi hành trình AI trong những cuộc thi như vậy dễ tạo cảm giác AI đã trở nên thông minh hơn, trí tuệ hơn và sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của con người.
Với tôi, mỗi chiến thắng của AI chính là thành tựu của con người. Đó là trí tuệ tập thể và công sức lao động sáng tạo của nhiều thế hệ nhà khoa học máy tính gần 80 năm qua. Họ thầm lặng, kiên trì để theo đuổi mục tiêu tạo ra những chiếc máy tính nhỏ hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và đào tạo cho máy tính có được năng lực suy nghĩ, giải quyết một cách tự động những công việc của con người. AI chính là sự mở rộng trí tuệ của con người nhằm tạo ra công cụ thay mình làm những việc đã quen thuộc để có thể đầu tư thời gian cho những khát khao lớn hơn, ước mơ cao hơn, xa hơn.
Hành trình AI đi thi cũng thể hiện rõ sự cầu thị. Đội ngũ đông đảo các kỹ sư tạo ra AI đã không thỏa mãn với những chiến thắng trước các nhà vô địch con người, mà luôn tiếp tục khám phá phương án tối ưu, phát minh ra các con chip có sức mạnh lớn hơn, và kiên trì huấn luyện để AI ngày càng có những năng lực đa dạng, mạnh mẽ hơn.
Sự tò mò đó, khát vọng học hỏi đó vẫn tiếp tục. Hiện nay các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang tham gia “cuộc thi” tạo ra AGI (Trí thông minh tổng hợp). Bài kiểm tra mà AGI phải vượt qua chính là phép thử mà Alan Turing đã đưa ra cho các kỹ sư máy tính từ năm 1950 trong bài viết Máy tính và Trí tuệ. Phép thử Turing là bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính, được mô tả ngắn gọn như sau:
Có một người chơi (tạm gọi là C) sẽ trò chuyện với hai người chơi khác là A và B (trong đó có một chương trình máy tính). Sau một thời gian thử thách, nếu C không thể nào phân biệt được A và B ai là người, ai là máy thì người chơi máy tính sẽ vượt qua được phép thử này; tức được xem như có tri giác của con người.
Elon Musk dự đoán năm 2027, AI sẽ đạt đến trình độ đó. Còn nhà phát minh, nhà khoa học Ray Kurzweil cách đây 19 năm khi xuất bản cuốn sách “Singularity is near” (Điểm kỳ dị công nghệ đang đến gần), dự đoán năm 2029, thế giới sẽ xuất hiện AGI.
Sự phát triển của AGI hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích đột phá trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, dự báo các thảm họa thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh hơn với giá ngày càng rẻ hơn… Bên cạnh đó, những lo ngại về việc AGI lấy đi cơ hội việc làm từ con người, thậm chí có khả năng “hủy diệt” con người cũng xuất hiện. Có một số nhà khoa học máy tính cảnh báo sự phát triển của AGI, thậm chí là đến mức độ siêu trí tuệ nhân tạo (ASI) giống như sự phát triển của bom hạt nhân. Vì thế, những thảo luận “quản lý AI” như quản lý bom hạt nhân bắt đầu xuất hiện trong những cuộc trao đổi toàn cầu.
Mới đây, tôi đọc được bài viết của bác sĩ Quan Thế Dân. Ông chờ đợi một ngày nào đó, công nghệ phát triển đủ mạnh, để tạo ra những sản phẩm AI chuyên biệt dành cho y khoa, giúp cho việc chẩn bệnh cứu người ngày càng chính xác hơn.
Tôi cũng mang niềm tin và mong ước trong lành tương tự. Tôi thực sự cảm thấy biết ơn khi được Google Maps dẫn đường đi lại. Sử dụng các công cụ AI liên quan đến dịch thuật khiến tôi cảm thấy hứng thú hơn trong việc học ngoại ngữ…
AI được tạo ra không phải để đi thi hay đối chọi với con người, mà hướng đến giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống, vì nhân loại.
Trần Minh Trọng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dau-tri-voi-ai-4780793.html