Tôi đến Phú Quý đơn giản vì… Sài Gòn nóng và đông quá. Sau khi tình cờ đọc được mấy dòng giới thiệu về “đảo điện gió, điện mặt trời, biển xanh cát trắng”, tôi xách ba lô lên và đi.
Chuyến đi trốn nắng ấy lại mang đến cho tôi giấc mơ khác, về một hòn đảo nhỏ đang âm thầm chuyển mình thành nơi không còn mùi vị của xăng dầu.
Trước đây, Phú Quý sống nhờ vào một nhà máy diesel công suất 10 MW. Nói là “sống” cho vui, chứ những người ở đảo kể với tôi rằng tiếng máy nổ còn to hơn tiếng động cơ tàu cá, mà điện thì chập chờn như tín hiệu wi-fi vùng sâu. Người dân quen với cảnh mua tủ lạnh, TV, máy giặt về để… trưng bày, và “cúp điện” là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Rồi năm 2012, ba turbine điện gió khổng lồ được dựng lên như ba “hiệp sĩ xanh” đứng canh đảo. Điện mặt trời cũng bắt đầu xuất hiện trên nóc các trụ sở, nhà dân. Kết quả, giờ đây, khoảng 30% điện năng của đảo đến từ nắng và gió, giúp giảm hàng nghìn tấn khí CO₂ mỗi năm. Và điều quan trọng nhất: người dân có thể yên tâm bật máy quạt cả đêm mà không sợ… bị tắt giữa chừng.
Với diện tích chỉ 18 km² và dân số khoảng 29.000 người, Phú Quý giống như một phòng thí nghiệm thu nhỏ cho mô hình sống xanh. Có điều, phòng thí nghiệm này lại có view biển 360 độ và hải sản giá rẻ bất ngờ.
Theo các chuyên gia mà tôi có dịp trao đổi cùng trong vài ngày ngắn ngủi trên đảo, Phú Quý có tốc độ gió lý tưởng (6,5-7,2 m/s) và hơn 2.500 giờ nắng mỗi năm – tương đương điều kiện lý tưởng cho các dự án điện gió và điện mặt trời. Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại đây có thể đạt đến 50-60 MW, dư sức đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của đảo.
Một tập đoàn năng lượng của Pháp đã nhìn thấy tiềm năng ấy. Họ đề xuất đầu tư một hệ thống điện tích hợp hydrogen: dùng nắng – gió để sản xuất hydrogen, rồi dùng hydrogen để phát lại điện qua pin nhiên liệu. Tóm gọn lại: điện sạch, lưu trữ tốt, chạy cả ngày lẫn đêm, không cần “dầu” một giọt nào. Tôi nghe như một giấc mơ nhưng theo tập đoàn này, một số nơi trên thế giới đã triển khai mô hình này, như Pháp, Philippines, Barbados, Mexico…
Đây có thể là một đề xuất đáng thử. Bởi ở Phú Quý, điện sạch thì đã có, nhưng khói xăng dầu thì vẫn luẩn quẩn trên từng con dốc. Đảo không có nhiều ôtô nhưng xe máy rất nhiều và xe máy xăng vẫn chiếm 99% số phương tiện cá nhân. Tàu chạy dầu vẫn là “xương sống” vận chuyển hàng hóa. Vậy nên, nếu muốn Phú Quý thực sự xanh – không chỉ trên giấy – thì chuyện giao thông cần được xử lý triệt để.
Ngoài ra, theo tôi, huyện và tới đây là đặc khu nên cân nhắc tới những giải pháp mạnh mẽ khác như: Ngừng cấp phép xe chạy xăng từ năm 2026; hỗ trợ người dân đổi xe điện – càng nhỏ càng tốt, miễn là chạy êm; đầu tư trạm sạc pin – có thể tích hợp với mái che bằng năng lượng mặt trời (vừa mát xe, vừa sạc luôn).
Ai từng ngửi khói xe máy dưới cái nắng 35 độ ở đảo mới hiểu: sống xanh là sống dễ chịu.
Một hòn đảo như Phú Quý là thử nghiệm tuyệt vời cho bài toán “chuyển đổi xanh quy mô nhỏ”. Nếu làm thành công, mô hình này có thể áp dụng cho hàng chục đảo khác của Việt Nam – từ Côn Đảo, Nam Du, đến Lý Sơn thậm chí đảo lớn như Phú Quốc.
Các đảo tới đây đều được chuyển thành đặc khu, nên cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích chuyển đổi xanh.
Điều tôi thích nhất ở đảo là người dân ở đây không chờ đợi chính sách từ đâu xa. Họ bắt đầu từ những việc nhỏ – lắp điện mặt trời trên mái, đầu tư kho lạnh tiết kiệm điện, hoặc đơn giản là tắt thiết bị khi không dùng.
Chuyển đổi xanh không phải điều gì quá lớn lao. Đôi khi, nó bắt đầu từ việc bạn không cần phải hét lên khi đang gọi điện vì không còn tiếng máy nổ diesel bên tai.
Tôi rời Phú Quý với giấc mơ hướng về tương lai – không phải chỉ cho hòn đảo này, mà cho cả đất nước: một tương lai không còn khói dầu, không còn tiếng máy nổ, chỉ có gió thổi qua turbine và mặt trời chiếu trên từng mái nhà. Và biết đâu, một ngày nào đó, ta sẽ có những “thành phố biển chạy bằng nắng và gió” – khởi nguồn từ một hòn đảo nhỏ, nơi tôi từng trốn nắng vào một mùa hè.
Lê Tư
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dao-xanh-khong-khoi-xang-4880489.html